Góp phần hạn chế kẹt xe: xe 2 bánh vào hẻm thông

(VOH) - Thưa bà con, Ba thợ hồ hỏi HSG “tui nghe nói vỉa hè một số khu vực ở quận 1 vừa được gắn "barie" để ngăn xe máy chạy lên, bảo đảm an toàn cho người đi bộ, đang gây tranh cãi, có người nói là được, có người cho là chưa…Anh thấy thế nào?”. Không chờ HSG trả lời, Tư hưu trí lẹ miệng “cướp diễn đàn” liền: Tui thấy trớt quớt, tại sao như vậy? mấy anh ngẫm nghĩ xem, mọi biện pháp từ hành chánh tới thực tiễn chỉ có hiệu lực với người tuân thủ, chấp hành mà thôi, vụ gắn "barie" trên lề đường cũng vậy, không có tác dụng với những người thiếu ý thức.

Nói có sách, mách có chứng “tui trực tiếp chứng kiến nhiều xe máy leo lề lách qua thanh chắn trên lề đường Lý Tự Trọng ngay công viên Bạch Tùng Diệp. Nói không có tác dụng thì không đúng, nhưng nói thật nói thẳng thì những thanh chắn này chỉ có tác dụng làm giảm bớt phương tiện đi lên vỉa hè chứ không thể ngăn hết được do nhiều người tham gia giao thông thiếu ý thức. Đó là tui chưa tính tới hệ quả của các barie nầy làm khổ người đi bộ, du khách, người tàn tật, thậm chí có người cho là vi phạm luật pháp nữa”.

Nghe anh em bàn luận, HSG không thể yên lặng lâu hơn được nữa, theo anh cái gì cũng có nguyên nhân của nó, chuyện lấn chiếm lòng lề đường, chạy xe lên lề đường, tất cả đều có qui định xử lý nghiêm minh hết, vấn đề là lâu nay chính quyền các cấp, nhứt là cấp phường xã, cứ “lềnh lềnh” bỏ trôi, không xử lý nên dẫn đến thói quen không chấp hành, xem thường luật định. Tui hỏi mấy anh hà cớ gì chính quyền không phạt thật nặng, thật nghiêm minh, như qui định một cách công bằng, cứ đánh vào túi tiền người điều khiển phương tiện thật nặng, lúc đó mọi người mới có ý thức chấp hành, cứ so sánh một là phạt thật nghiêm minh công bằng, hai là bỏ kinh phí ra rào chắn bằng barie cái nào hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa: TTO 

Tư hưu trí “kê” HSG liền “tui có cách nầy hiệu quả hơn”. Anh em nháo nhào hỏi cách gì? Tư hưu trí nói cách nầy xưa rồi, cách đây cả chục năm rồi, nhưng nói về giảm ùn tắc giao thông trên đường thì vô cùng hiệu quả, một số quận ở TP mình đã làm rồi, có lạ lẫm gì đâu”. Anh em đề nghị Tư hưu trí “báo cáo” cụ thể là ở đâu và làm như thế nào? Tư hưu trí hỏi anh em có nhớ cách đây gần chục năm, nạn ùn tắc, kẹt xe giờ cao điểm trên đường Tô Hiến Thành, 3/2, Sư  Vạn Hạnh, Cách Mạng Tháng 8 của Quận 10 phải nói là đáng quan ngại.

Vậy mà hôm nay khu vực nầy ít khi xảy ra kẹt xe vào giờ cao điểm như trước. Tại sao vậy? Xin thưa nhờ hàng trăm tấm bảng báo sơn màu đỏ rộng hơn 1 mét vuông với mũi tên chỉ hướng lưu thông cho xe máy giờ cao điểm đã được công an các phường cho lắp đặt tại đầu các con hẻm, những lúc đường đông, phương tiện ùn ứ vào giờ cao điểm, các phường đều cử lực lượng dân phòng đứng hướng dẫn người đi xe máy chạy vào hẻm thông để sang đường khác. Khi một lượng lớn xe gắn máy rẽ sang đi tắt vào các đường hẻm, áp lực giao thông trên các tuyến đường chính giảm đi, tình trạng ùn tắc giao thông nhanh chóng được giải tỏa…

Hiện 1 số khu vực dễ ùn tắc giao thông giờ cao điểm như Quận Phú nhuận, Tân Bình, Tân Phú đang áp dụng mô hình nầy nên hạn chế tình trạng kẹt cứng vào lúc cao điểm. Theo HSG các địa phương trên địa bàn TP nên nghiên cứu góp  ý của Tư hưu trí cách cho xe máy vào các hẻm thông như Quận 10 đã làm trước đây, vì TP mình có hơn 10 ngàn hẻm lớn nhỏ trong hệ thống giao thông đô thị, chỉ cần khai thác được 1/10 trong số này vào việc giải tỏa kẹt xe, sẽ mang lại hiệu quả không nhỏ. Mặt khác, đặc thù của hệ thống đường đô thị ở khu vực trung tâm thành phố được thiết kế chạy song song hoặc ô bàn cờ.

Vì vậy, nếu mở rộng được hẻm thông; mở thông được cả những con hẻm cụt và khai thác các con hẻm nối giữa 2 tuyến đường này vào việc giải tỏa kẹt xe, chắc chắn tình trạng ách tắc giao thông sẽ được cải thiện nhiều hơn. Ba thợ hồ cho là có lý, nhưng làm sao giải tỏa sự lấn chiếm lộ giới trong hẻm mới là quan trọng, vì gần như các hẻm ở TP mình đều bị lấn chiếm một cách vô tội vạ. Tư hưu trí phán một câu xanh rờn  làm mọi người để ý, tại chính quyền không làm thôi, tui hỏi mấy anh giấy tờ nhà đất nào cũng ghi rõ diện tích cụ thể, cứ giải tỏa, thậm chí cưỡng chế theo diện tích trong giấy tờ nhà, vừa mở rộng lộ giới hẻm thông thoáng, vừa góp phần giảm ùn tắc kẹt xe, làm được như thế ai cũng ủng hộ, trừ chủ hộ căn nhà bị giải tỏa cưỡng chế, mà suy cho cùng việc làm nầy cũng vì cộng đồng vì xã hội thôi, làm như vậy đâu có vi phạm luật pháp đâu…

Nếu xét về kinh tế, mở rộng được hẻm thông cho xe máy, TP có thể tiết kiệm mấy chục ngàn tỷ đồng làm cầu vượt chứ đâu phải ít. Ba thợ hồ cùng anh em đều cho là gợi ý của Tư hưu trí là chí phải và biểu quyết giao cho HSG lên tiếng kiến nghị với lãnh đạo TP ngay.