Chờ...

Hoan nghênh Giáo hội Phật giáo kêu gọi bỏ tục đốt vàng mã

(VOH) – Nếu người người, nhà nhà cùng từ bỏ hủ tục này thì hàng năm mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định và môi trường sống trở nên xanh - sạch - đẹp hơn...!

Thưa bà con! Sáng sớm, Ba thợ hồ thông tin “rốp rẻn” chuyện Giáo hội Phật Giáo Việt Nam kêu gọi tăng ni cả nước bỏ tục đốt vàng mã mỗi khi cúng kiến, lời kêu gọi nầy làm anh sướng từng tế bào luôn.

Anh em cười rần rần, có người nghi ngờ thông tin của ông “xách xi măng đi tô” vì chuyện đốt giấy tiền vàng bạc hay nói nôm na là đốt vàng mã là truyền thống của người Việt Nam mình từ hồi xửa hồi xưa, nhứt là vào dịp Tết nhứt, giỗ chạp, làm sao mà bỏ được.

Hai Sài Gòn không đồng ý chuyện đốt vàng mã là truyền thống của người Việt Nam mình, rồi anh dẫn chứng, chính Phó Chủ tịch Thường trực Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu ký công văn với nội dung: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị chư tôn đức tăng ni “nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự phật giáo và các hình thức khác với thuần phong mỹ tục, văn hoá dân tộc và văn hoá phật giáo. Đồng thời trong các bài giảng chú trọng gìn giữ nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục trong các lễ hội, lan toả giá trị từ bi, lòng bao dung, tôn trọng sự khác biệt của các cộng đồng tín ngưỡng, tôn giáo".

Tư hưu trí bày tỏ quan điểm đồng tình với Hai Sài Gòn, bởi đốt vàng mã là tập tục của người tàu, xuất phát từ thời nhà Hán. Do nhà vua muốn thực hành lời dạy của Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Vậy nên khi nhà vua băng hà, quần thần và hậu cung đã phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua, dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết thành một tục lệ. Tập tục này được du nhập vào Việt Nam theo những người Trung Hoa.

Ảnh minh họa

Nhiều người nhâm nhi cà phê sáng đều công nhận thông tin của Tư hưu trí là chính xác. Rồi anh em cùng nhau “bình” về tệ đốt vàng mã xứ mình. Có người nói lễ hội truyền thống vào dịp đầu năm thường thu hút lượng lớn người dân tham gia, cầu cho một năm mới an lành, phúc lộc. Bên cạnh những mặt tích cực, tốt đẹp vốn có trong những lễ hội cổ truyền, cũng có không ít những vấn đề tiêu cực nảy sinh cần phải nhìn nhận, nạn đốt vàng mã là một ví dụ tiêu biểu.

Hai Sài Gòn thông tin: Dịp Tết nầy tại đền bà Chúa Kho, vàng mã bày bán mâm nhỏ 200.000 đồng, mâm cỡ trung bình từ 400.000 tới 600.000 đồng, còn mâm cỡ đại lên đến tiền triệu thậm chí hơn, giá nào cũng có. Có lẽ không ở đâu mà lòng thành của người lễ dùng tiền thật "quy đổi" rõ ràng như ở đền Bà Chúa Kho. Tiến lễ xong, từng đoàn mâm lớn mâm bé lại được đốt thành tro. Nguyên buổi sáng, bể hoá vàng tại đây liên tục được tiếp lửa không ngơi. Tính ra, mỗi năm cả trăm tỷ đồng tiền thật đã được hoá tro tại đây theo cách này. Không chỉ đốt vàng mã, người người vẫn rải tiền lẻ khắp chốn thờ tự, biệt đội khấn thuê vẫn "trổ tài" giúp người mới lễ, có người tiện sắp lễ nơi qua lại, người khác tiện xả rác mặc cho thủ nhang ra sức quét dọn, mặc loa phóng thanh ra rả về văn minh lễ hội... sự tuỳ tiện ấy lại có dịp phô bày chốn cửa đền đầu xuân.

Tư hưu trí bổ sung thêm “Không chỉ lãng phí tốn kém, hủ tục đốt vàng mã còn ảnh hưởng rất nặng nề tới môi trường sống của chúng ta về lâu dài, mà thực tế trước mắt ai cũng có thể nhìn thấy được, đó là đại đa số những người sau khi đốt vàng mã xong đều mang tro hóa vàng ra sông, suối, ao, hồ, để vứt, rải xuống với mong muốn cho người cõi âm dễ nhận được! Chính vì thế mà sau mỗi các dịp ngày rằm, mùng 1, hay các dịp lễ Tết thì sông, suối, ao, hồ lại bị “tra tấn”, bị “đầu độc” bởi rất nhiều tro hóa vàng nổi lênh láng khiến cho mặt nước đen ngòm ô nhiễm.

Hai Sài Gòn còn cho biết thêm, hậu quả của việc đốt vàng mã không chỉ có thế thôi đâu, ngay ngày 30 Tết năm nay một vụ cháy rừng đã xảy ra ở khu vực núi Sơn Đảo, xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Đám cháy bùng phát ở khu vực có rừng tạp, nhanh chóng lan rộng khiến chính quyền địa phương phải huy động hơn 200 người, 2 kíp xe chữa cháy cùng 5 ô tô tham gia dập lửa. Qua kiểm kê ban đầu đã có 2,5 ha rừng tạp bị ngọn lửa thiêu rụi. Cơ quan chức năng xác định người dân địa phương sơ ý khi đốt vàng mã đã để ngọn lửa bùng phát dẫn đến cháy rừng.

Anh em trong quán cà phê nghe hậu quả của việc đốt vàng mã ai cũng chắc lưỡi  hít hà. Tư hưu trí cho là nếu đốt vàng mã mang lợi ích gì dù nhỏ thì anh không dám ý kiến, đàng nầy theo Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định: “Trong giáo lý nhà Phật không có việc đốt vàng mã cúng tế người chết. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này”.

Hai Sài Gòn “túm” lại chuyện đốt giấy tiền vàng bạc hay nôm na là vàng mã thì “Để tránh lãng phí tiền bạc cũng như cải thiện môi trường, trong mỗi gia đình, mỗi người, mỗi gia đình cần hạn chế, tiến tới từ bỏ hẳn hủ tục đốt vàng mã và thói quen rải tro xuống mặt nước. Nếu người người, nhà nhà cùng từ bỏ hủ tục này thì hàng năm mỗi gia đình sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định và môi trường sống trở nên xanh - sạch - đẹp hơn...!