Khan hiếm sách giáo khoa đầu cấp

(VOH) - Tư hưu trí chép miệng than “vài ngày nữa tới ngày khai giảng năm học 2018-2019” rồi, nói theo chữ nghĩa của mấy nhà quản lý GD&ĐT là ngày “toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Đáng lý đến ngày nầy mấy con, mấy cháu phải vui vẻ phấn khởi lên, vì trong cuộc đời con người không có cảm xúc nào “đã” cho bằng bài tập đọc của Thanh Tịnh “hàng năm cứ vào cuối thu, là ngoài đường rụng nhiều…” Vậy mà năm học nầy mấy con, mấy cháu nhứt là mấy đứa vào lớp đầu cấp đều “xính dính” vì thiếu sách giáo khoa hết”.

Ba thợ hồ than “tui phải chở bà xả tui nhiều nhà sách mà không tìm đủ bộ sách lớp 6 cho thằng cháu nội”. Hai Sài Gòn cho là “ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết tính đến ngày 20/8/2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát hành 108,8 triệu bản sách giáo khoa, đạt 105 % kế hoạch, vượt 3% so với cùng kì năm 2017. Tuy nhiên, năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn, nên đã dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm nhỏ. Việc thiếu sách giáo khoa phần lớn là thiếu một vài đầu sách trong bộ sách giáo khoa. Những cửa hàng có hiện tượng thiếu sách giáo khoa phần lớn là những cửa hàng nhỏ lẻ, hầu hết không thuộc hệ thống cửa hàng, siêu thị sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Quản lý một cửa hàng sách cho biết, do có thông tin năm sau sẽ đổi sách giáo khoa mới nên năm nay các cửa hàng không dám nhận nhiều sách về bán, sợ không bán hết thì không biết sẽ xử lý thế nào”

Học sinh không thể dùng SGK cũ vì trong SGK có cả phần bài tập học sinh có thể giải luôn trong sách. Ảnh: TPO

Ba thợ hồ cãi đâu phải nhà sách nhỏ, tui hỏi nhà sách Fahasa, Khai Trí, Phương Nam, Nguyễn Văn Cừ mà nhỏ cái gì?

Tư hưu trí phụ họa “Đây là số liệu của Bộ GD&ĐT đưa ra năm học 2017-2018 xứ mình có gần 16 triệu học sinh từ tiểu học đến THPT. Phục vụ gần 16 triệu học sinh nhưng chỉ có 1 nhà xuất bản chịu trách nhiệm phát hành sách giáo khoa hàng năm, còn theo nhận định của tui thì đây là thị trường độc quyền béo bở của Nhà xuất bản giáo dục”.

Hai Sài Gòn cho là Tư hưu trí kết luận nóng vội, đó là chuyện quản lý của mấy ông bà GD&ĐT. “Riêng tui thì đáng nói là, những năm gần đây, sách giáo khoa gần như ít được học sinh sử dụng lại. Một phần do nhiều phụ huynh không đành lòng để con em mình dùng sách cũ, một phần do sách giáo khoa hiện nay thiết kế để học sinh làm phần bài tập ngay trong sách giáo khoa nên rất khó sử dụng lại. Đáng buồn, thế hệ học sinh bây giờ không còn ý thức phải giữ gìn sách giáo khoa cho lứa sau như thời chúng ta nữa rồi.”

Tư hưu trí hỏi “Có nhất thiết lồng phần nội dung bài tập ngay trong sách giáo khoa như vậy hay không hay nên tách các nội dung ra để sách giáo khoa có thể tái sử dụng, tránh lãng phí? Thực tế, đầu mỗi năm học phụ huynh phải bỏ tiền để mua các loại sách cho con, nhưng hết năm học bán giấy vụn. Nhiều cuốn sách mà học sinh ít dùng như sách giáo khoa các môn công nghệ, mỹ thuật… thậm chí còn mới toanh nhưng vẫn phải bỏ, năm nào sách cũng được in mới, mua mới, quả là một sự lãng phí nguồn lực không hề nhỏ. Trong khi dân ta còn nghèo, nước ta còn khó khăn, mấy ông bà lãnh đạo Bộ mần ăn kiểu nầy, hư hết”

Hai Sài Gòn cho biết anh nghe nói tiền in sách giáo khoa, tiền tập huấn giáo viên dạy theo sách đều do nguồn ODA hết, không biết đúng sai?” chứ lãng phí thì rõ ràng rồi.

Tư hưu trí như nhớ ra điều gì liền lên tiếng hỏi “Mấy anh còn nhớ vụ Bộ GD&ĐT đề nghị chi 34.700 tỷ để in sách giáo khoa các bậc phổ thông không? Anh em nhớ lại ai cũng lắc đầu ngao ngán.

Nói về lãng phí, Hai Sài Gòn dẫn lời của bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội thì “quy trách nhiệm cho nhà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với số sách cũ không thế tái sử dụng do có phần bài tập học sinh giải trực tiếp là hoàn toàn chính xác. Sắp tới tôi đề nghị nếu bộ sách nào, cuốn sách nào có hiện tượng nầy thì kiên quyết không thẩm định…”.

Ba thợ hồ quay sang hỏi Tư hưu trí “tui nghe nói năm học nầy sẽ áp dụng kiểu viết chữ quốc ngữ của ông Bùi Hiền, cách đánh vần của ông Hồ Ngọc Đại không biết có không?” Tư hưu trí trả lời là đến giờ này tui chưa thấy ông bà nào của Bộ GD&ĐT nói năng về chuyện đó hết. Rồi anh chỉ qua Hai Sài Gòn, Hai Sài Gòn đưa tay thề “tui  biết chết liền”.