"Không làm được thì phải thay đổi công tác cho phù hợp"

(VOH) - Dư âm cuộc chất vấn và tranh luận tại kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa XIV vẫn còn ghi đậm nét quanh bàn trà, bàn cà phê.

Tư hưu trí cho là khác với mấy lần chất vấn và tranh luận trước đây, Quốc hội chọn một số Bộ trưởng, thành viên Chính phủ đã chuẩn bị trả lời chất vấn, lần này các Đại biểu Quốc hội cứ “vô tư” mà chất vấn, mà tranh luận theo nguyên tắc “hỏi 1 phút trả lời 3 phút”.

Nghe bài viết: 

Đã có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 19 Bộ trưởng, Trưởng ngành, hai Phó Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tóa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn về vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý điều hành của mình.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Quốc hội khóa 14

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên chất vấn và tranh luận tại kỳ họp lần thứ 6 Quốc hội khóa 14

Hai Sài Gòn cho rằng thông qua chất vấn tranh luận lần này thể hiện công khai minh bạch. Anh dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá về phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, tiếp tục có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi không chỉ giữa đại biểu với người trả lời chất vấn, mà còn tranh luận giữa các đại biểu với nhau để làm rõ thêm vấn đề.

Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, nên còn nhiều ý kiến tranh luận, trao đổi lại.

Tư hưu trí cho rằng đó mới là dân chủ, theo tui kỳ họp nầy Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ - không biết gọi là bị hay được- nhiều đại biểu Quốc hội “chăm sóc hơi bị kỹ”. Hai Sài Gòn dẫn chứng, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (đoàn Phú Yên) đánh giá dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh sinh viên có nội dung sinh viên mại dâm lần thứ tư sẽ bị đuổi học gây phản cảm, thiếu cơ sở và đi ngược lại mục tiêu giáo dục. Nhiều cử tri nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy giáo dục hiện nay. Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm quản lý của mình khi thường xuyên nêu quan điểm "sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm" song rồi lại tiếp tục sai. Giải pháp nào để duy trì sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều. Bộ đang rà soát các văn bản trong đó có thông tư trong nhiều năm gần đây. Quy định bán dâm đối với học sinh sinh viên được nêu trong nội quy từ năm 2007, đến đầu năm 2016 lại có. Như vậy, thực tế quy định này đã có. Khi rà soát, Bộ quy định tất cả những nội dung không phù hợp thì phải bỏ hoặc sửa trong đó có nội dung này. Tuy nhiên, khi sửa thì ban soạn thảo, đặc biệt là những cá nhân trực tiếp làm công việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, đã đưa lên website dẫn đến phản ứng của xã hội”.

Đại biểu không đồng tình với việc đổ lỗi cho cấp dưới, đại biểu thẳng thắn: "Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu. Chỉ khi nào Bộ trưởng nhận ra năng lực quản trị của bộ máy giúp việc của bộ có vấn đề hạn chế, thì mới có giải pháp để lấy lại được sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục. Tôi rất mong bộ trưởng nhìn thẳng vào sự thật này. Không tránh né, không tác động, để có những giải pháp tích cực hơn".

Còn đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM) thì cho rằng “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo không phải là một nhà hùng biện và phần trả lời chất vấn chưa thuyết phục tôi. Tôi lấy ví dụ, trong việc dự thảo có quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị buộc thôi học gây xôn xao những ngày qua, nếu tôi là Bộ trưởng, tôi sẽ không đổ lỗi cho cấp dưới. Trong chất vấn, Bộ trưởng phải làm sao cho đại biểu hiểu được cảm xúc của Bộ trưởng, làm sao để chúng tôi đồng cảm với Bộ trưởng về vấn đề đó. Chứ không phải loay hoay tìm cớ để đổ, như vậy suy ra việc mình không dũng cảm. Tôi trách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là bởi Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm cao nhất, chịu trách nhiệm của hệ thống giáo dục, đào tạo ra những người thầy sau này. Tôi thì cũng cho rằng không nên đổ hết lỗi cho Bộ trưởng, nhưng tôi đánh giá với một ghế “nóng” như vậy, với nhiều vấn đề tồn đọng như vậy thì Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khó đủ sức để vượt qua. Còn nếu đủ sức thì xin Bộ trưởng hãy chứng minh!”

Có nhiều đại biểu chưa “thông cảm” cho Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Tư hưu trí cho là anh rất khoái  câu trả lời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong câu chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) về phẩm chất, trí tuệ của các thành viên Chính phủ và những cộng sự của Thủ tướng. Thủ tướng nêu các giải pháp lớn như: thứ nhất Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc tốt hơn với Bộ trưởng và UBND tỉnh; thứ hai các thành viên Chính phủ phải nêu gương tốt hơn, đổi mới phương pháp công tac kiểm tra cán bộ thực hiện đúng quy chế làm việc, chấm dứt tình trạng “trên nóng dưới lạnh”; thứ ba tự rèn luyện tự học tập dân sát cơ sở sát địa phương để không “đuổi gà qua đám giỗ” làm sơ sài vô trách nhiệm và cuối cùng nếu làm không được thì phải thay công tác cho phù hợp”. Hai Sài Gòn cho là đây là lời cảnh tỉnh sâu sắc nhứt, đanh thép nhứt của Thủ tướng.