Lấy dân làm gốc

(VOH) - Trong lúc đàm đạo chuyện Thời sự tuần qua, Tư hưu trí cho rằng kể từ sau Đại hội 12 của Đảng thì phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác dân vận được tổ chức ngày 27/5 vừa qua là đã nhìn thẳng sự thật và nói đúng sự thật.

Nghe bài viết:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” phải trở thành khẩu hiệu hành động, thành phương châm công tác vận động quần chúng. Ảnh: VGP

Ba thợ hồ hỏi cụ thể chuyện đó như thế nào? Là người thường xuyên cập nhật Thời sự, Tư hưu trí nhắc lại phát biểu của Tổng bí thư Đảng ta là “Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng một lần nữa rút ra các bài học, trong đó có bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc, dân là gốc, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Tổng bí thư cũng mạnh mẽ phê phán: “Ở không ít nơi, cấp uỷ đảng và chính quyền chưa quan tâm đến công tác vận động quần chúng, chưa thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Một số cán bộ, đảng viên nói đến quyền làm chủ của nhân dân như hô một khẩu hiệu suông, không có hành động gì thiết thực. Không ít đảng viên có thái độ coi thường quần chúng, không lắng nghe ý kiến, không học hỏi người lao động, không tích cực làm công tác giáo dục, thuyết phục, vận động quần chúng. Một số cán bộ, công chức, nhân viên trực tiếp có quan hệ với dân thì cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây đủ thứ phiền hà, khó khăn cho dân, thiếu lễ độ với dân. Có người còn ăn chặn của dân, vòi vĩnh đòi quà cáp, biếu xén.

Một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng, phụ trách địa phương nào, đơn vị nào, thì như một "ông vua con" ở đấy. Điều nghiêm trọng là có không ít cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ cao cấp, bị những ham muốn vật chất cám dỗ, cũng chạy theo tiền tài, địa vị, sống ích kỷ, buông thả, tự do chủ nghĩa, không còn tư cách đảng viên. Đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng chân chính hết sức bất bình trước những hiện tượng đó và lo ngại về sự xói mòn bản chất cách mạng và truyền thống tốt đẹp của Đảng”.

Hai Sài Gòn thấy anh em đưa nội dung “lấy Dân làm gốc” ra bàn thì phấn khởi vô cùng “Dân vi quý” mà suy cho cùng đất nước ta có được ngày hôm nay là truyền thống dựa vào dân của Ông cha ta.

Cách đây gần cả ngàn năm, khi xây dựng đền thờ các Vua Trần ở Nam Định, người xưa đã khắc 2 câu đối rất hay “Dân vi bang bản thiên niên sách/Công tại nhân tâm vạn cổ trường”. Ba thợ hồ hỏi vậy có nghĩa thế nào?

Hai Sài Gòn giải thích: “Lấy dân làm gốc”, đó là sách lược ngàn năm Công lao ở lòng người sẽ ghi tạc muôn thuở. Chính vì vậy mà Nguyễn Trãi luôn nhắc nhở những nhà lãnh đạo đất nước rằng: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, có nghĩa người dân mới là quan trọng nhất đối với một quốc gia. Lịch sử đã chứng minh những triều đại được coi là thịnh trị, là triều đại mà mọi người dân đều được sung túc, lúa gạo đầy bồ, dân tình phấn khởi, “của rơi ngoài đường không ai thèm lượm”.

Những triều đại bị coi là suy đồi là những triều đại không chăm lo được cho dân, đất nước nghèo đói, mất mùa, quan lại tham nhũng. Những nhà lãnh đạo không quan tâm được tới dân, tàn ác với dân bị gọi là loại “vua quỷ” như Lê Uy Mục, ăn chơi trác táng trên mồ hôi xương máu của dân là “vua heo, vua lợn” như Lê Tương Dực. Nhân có hòa thì nước mới thái bình, chính sách có đáp ứng được với tâm tư, nguyện vọng của người dân thì dân mới phấn khởi, lòng dân mới yên, đất nước mới ổn định và phát triển.

Điều tâm đắc nhất của HSG sau khi nghe và xem bài phát biểu của Tổng bí thư Đảng mình là đã khẳng định: “Vấn đề có ý nghĩa quyết định để tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân; thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức đảng thật trong sạch, khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, làm cho Đảng thật sự xứng đáng là người lãnh đạo và người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Chăm lo lợi ích, hạnh phúc của nhân dân là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng. Xây dựng, chăm lo đời sống nhân dân là mục đích trực tiếp, là một nội dung quan trọng trong hoạt động của Đảng và các cơ quan nhà nước, là vấn đề quyết định sự tín nhiệm và sự gắn bó của nhân dân đối với Đảng, là một động lực to lớn tạo ra phong trào hành động cách mạng của quần chúng. Nếu không chăm lo một cách cụ thể, thiết thực đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì dù có nói bao nhiêu về quan điểm quần chúng, về quyền làm chủ của nhân dân cũng đều là vô nghĩa và không có sức thuyết phục…”.

Tư hưu trí cho rằng, để phát huy có hiệu quả quyền làm chủ của nhân dân thực hiện các chủ trương nghị quyết của Đảng, thì MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội phải giám sát chặt chẽ tình hình làm chủ ngay tại địa phương, đơn vị mình, mạnh dạn đấu tranh giữa đúng sai, không sợ bị trù dập, mọi suy nghĩ hành động của mình chỉ vì mục tiêu duy nhất là “lấy dân làm gốc”.