Nên hay không thu phí bảo trì đường bộ xe máy?

(VOH) - Bên bàn trà "quạu" ở nhà Anh Tư hưu trí, mấy anh em trong nhóm thân hữu của Hai Sài Gòn luận bàn sôi nổi xung quanh nội dung nên hay không thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy theo nghị định.

Cả nước hiện chỉ còn TPHCM chưa thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Ảnh minh họa: doisong

Anh Ba thợ hồ tuy không lãnh đồng "xu ten" nào của nhà nước nhưng rất hùng hồn: đã là quy định của nhà nước thì tất tần tật phải thực hiện thôi, mấy anh không thấy ở mấy cơ quan thuế vụ, chỗ nào cũng có câu “Thuế vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của công dân” hay còn thắm thiết hơn nữa “Đóng thuế là yêu nước”.

Tư hưu trí như "đỉa phải vôi": thôi, thôi cho tui xin đi, tui đồng ý là người dân đóng thuế, các loại phí là bổn phận và cũng là yêu nước, ngược lại, người dân cũng đòi hỏi nhà nước thu phí, lệ phí thế nào để thể hiện rõ sự yêu dân chứ, phải không nào? Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên tổ tư vấn Thủ tướng đã đưa thông tin mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khối ASEAN.

Trở lại chuyện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy, tôi thấy nhà nước cần phải xem xét lại sao cho công bằng. Ba thợ hồ không đồng tình với lập luận này, bởi đã là Nghị định của Chính phủ tất nhiên đã cân nhắc kỹ lưỡng, lấy ý kiến các Bộ ngành, lấy ý kiến của các địa phương mới ban hành làm sao không công bằng được.

Tư hưu trí dẫn chứng liền, người dân ở quê tui đã hiến đất làm đường giao thông nông thôn, mấy "ông" ở UBND xã áp dụng phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” nên quy định người dân đóng tiền “đầu công” có nghĩa là mỗi gia đình có bao nhiêu công đất, đóng bình quân một công đất là bao nhiêu để làm đường liên ấp, liên xã, bà con đóng tiền rụp rụp. Hằng ngày, bà con chỉ dùng xe máy đưa đón con đi học, chở trái cây ra chợ trong phạm vi xã, vậy thì bà con chỉ đi trên đoạn đường do chính bà con đóng góp xây dựng, chứ có đi trên đường do nhà nước làm đâu mà bắt đóng phí bảo trì.

Thấy anh em bàn luận sôi nổi nhưng không có lối ra, nên Hai Sài Gòn đưa thêm ý kiến như vầy, trước hết chúng ta cùng thống nhất khái niệm về thuế và phí như thế nào để xác định trách nhiệm công dân. Thuế là khoản nộp bắt buộc mà các thể nhân và pháp nhân có nghĩa vụ phải thực hiện đối với Nhà nước, trên cơ sở các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành. Phí và Lệ phí là khoản thu vừa mang tính chất phục vụ cho đối tượng nộp lệ phí về việc thực hiện một số thủ tục hành chính vừa mang tính chất động viên sự đóng góp cho ngân sách Nhà nước, là khoản thu mang tính chất bù đắp chi phí thường xuyên hoặc bất thường đối với những hoạt động phục vụ người nộp phí. Thứ hai tại sao người dân và các địa phương chưa đồng thuận với việc nộp và thu phí bảo trì đường bộ, qua thông tin báo đài, trong kỳ họp HĐND Tỉnh - Thành phố vào tháng 6/2015, đã có tới 30/63 tỉnh - thành phố cả nước, trong đó có 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương kiến nghị hoãn hoặc không thu phí này vì không khả thi, cụ thể như Cần Thơ năm 2014 chỉ thu được 20% trên tổng  số xe máy hiện có của địa phương này. Còn thành phố Hà Nội cũng chỉ thu được 21% trên tổng số xe máy đăng ký tại thành phố. Hiện nay, cả nước chỉ còn duy nhất TPHCM chưa thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy vì đặc điểm của thành phố có lượng xe máy rất lớn, việc tổ chức thu khó khăn. Và quan trọng hơn là người dân không đồng tình trong việc thu loại phí này.

Theo dự kiến, nếu thu phí bảo trì đường bộ thì năm 2015 TPHCM sẽ thu được 307 tỷ đồng, nhưng phải bỏ ra 36 tỷ để trả lương cho đội quân thu phí. Vấn đề ai, cơ quan nào giám sát việc chi 36 tỷ nầy, nếu không có thì tiêu cực sẽ xảy ra như chơi. Nếu có đội quân chuyên lo thu phí này thì bộ máy biên chế sẽ phình ra, quỹ lương, rồi Nghị quyết của Chính phủ về tinh giảm biên chế sẽ giải quyết thế nào đây? Thứ ba xét về tính pháp lý, theo đại biểu HĐND TP Lâm Thiếu Quân cho biết: Văn bản mới mà Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng gởi cho các địa phương có câu như vầy: Như một biện pháp chữa cháy, giữ thể diện cho cơ quan soạn thảo mà thôi. Xét về những biện pháp chế tài, xử phạt khi hành thu cũng không có thì làm sao mà thực hiện. Văn bản mới sau này chỉ quy định mức thu tối đa mà không có mức tối thiểu cũng giống như đi nước đôi.

Còn theo điểm 8 của quy định 20/2015 của UBND TPHCM thì Công An TPHCM không được phép xử phạt người không đóng phí bảo trì đường bộ mà chỉ được nhắc nhở mà thôi. Như thế có nghĩa là thế nào? Thu cũng được mà không thu cũng chẳng sao. Rõ ràng như vậy là không đảm bảo công bằng…

Tư hưu trí sốt ruột “dí” Hai Sài Gòn. Riêng ý của anh ra sao?

Hai Sài Gòn trả lời: Mấy anh có nhớ hôm kết luận buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về con gà "cõng" tới mấy chục loại phí không? Chủ tịch Quốc hội đã chỉ đạo Bộ trưởng thế này “Khi đã thấy quy định không đúng và bất cập cần hứa ngay trước Quốc hội, lập tức bãi bỏ ngay quy định bất hợp lý đó", Hai Sài Gòn tui khoái câu này lắm.

Bình luận