Tư hưu trí hỏi lý do tại bị thế nào, bởi hiện nay chương trình chống ngập là một trong những đột phá của lãnh đạo TP tập trung giải quyết rốt ráo. Ba thợ hồ nói theo lời bà con ở đây thì do cốt nền đường Sinco hiện quá thấp so với đường An Dương Vương từ sau khi nâng nền đường. Mỗi khi đến kỳ triều cường, tuyến đường bị ngập nặng. Nhiều đoạn nước dâng cao hơn nửa mét, tràn vào nhà dân khiến cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Triều cường mà gặp mưa thì ngập nhiều hơn, nước trên đường thì đen ngòm, bốc mùi hôi thối, nhiều người lưu thông qua khu vực phải lội nước đi lại. Một số đoạn nước dâng cao hơn nửa mét khiến xe chết máy, phải đẩy bộ. Khi xe hơi chạy qua tạo sóng nước tràn vào nhà dân hai bên đường và gây hư hỏng đồ dùng sinh hoạt.
Tư hưu trí cho rằng: “Nhìn rộng ra, TP mình đâu phải chỉ khu vực Sinco, Tên Lửa ở quận Bình Tân bị đâu, ở quận 6 sau khi tuyến đường Lò Gốm, Phạm Văn Chí được nâng cấp, hàng loạt nhà dân biến thành hầm sâu, cuộc sống bị đảo lộn. Mỗi khi mưa xuống, phần thì người dân lo nước tràn từ đường vào bên trong nhà, phần thì lo nước bẩn từ ống cống nhà vệ sinh dội lên… Hay như ở quận Thủ Đức, sau khi đường Tam Bình được nâng cao, khu vực này như biến thành đại công trường vì người dân phải chạy đua sửa nhà, nâng nền chống ngập. Có nhà bị thụt sâu khoảng 2 mét nên nước không thoát được, người dân phải chuyển đi nơi khác sống...”.
Nghe Tư hưu trí, Ba thợ hồ than thở, Anh em trong bàn “dí” Hai Sài Gòn: “Sao kỳ vậy, TP mình bỏ cả chục ngàn tỷ để chống ngập mà sao “vũ như cẩn” là thế nào?”.
Hai Sài Gòn nói theo thông tin mà anh có được thì mấy năm nay lãnh đạo TP rất quyết tâm chống ngập cho nội thành, trong chương trình này, anh em thử nghỉ coi, nhà thành hầm, buộc phải sửa nhà, có tiền sửa nhà là một lẽ, nhưng nếu vay mượn để làm rồi quy hoạch triển khai sau đó như thế nào chưa biết thì gia đình lại vất vả phải kiếm chỗ ở khác với cục nợ cũ chưa giải quyết xong. Việc nâng đường đã gây thiệt hại cụ thể cho người dân đang yên ổn, tui nghĩ bằng cách nào đó Nhà nước phải có chính sách bồi thường, hỗ trợ cụ thể để sửa chữa nhà cửa.
Từ đơn thư khiếu kiện nhà thành hầm, đường thành sông của bà con gởi về lãnh đạo TP, Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, Đoàn luật sư TPHCM phân tích tất cả dự án, công trình khi triển khai thi công ảnh hưởng, gây hại đến quyền lợi của người dân thì hộ dân bị ảnh hưởng có quyền khiếu nại yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị phê duyệt dự án bồi thường thiệt hại, trường hợp nâng đường chống ngập cũng không ngoại lệ. Nếu không được giải quyết thỏa đáng, người dân có thể kiện ra tòa để đòi quyền lợi…”.
Đường cao bằng nửa cửa nhà ở lô C đường Phạm Văn Chí, quận 6, TPHCM. Ảnh: Kienthuc
Trước thực trạng này, Sở Xây dựng có tờ trình UBND TPHCM về quy định mức hỗ trợ cho chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ bị ảnh hưởng bởi các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông, có cao độ chênh lệch so với cao độ hiện trạng. Theo ước tính nguồn ngân sách hỗ trợ số lượng nhà bị ảnh hưởng khoảng 305 tỷ đồng, đó là khoản dự chi ban đầu, nhưng theo tui có lẻ còn phát sinh nhiều thứ lắm đây.
Anh em ai cũng kêu lên số tiền hỗ trợ hơn 300 tỷ đồng, phải chi mấy ông nâng đường chống ngập mà phối hợp chặt chẽ đồng bộ từ nghiên cứu tiền khả thi rồi quy hoạch tới đầu tư thi công các dự án chống ngập một cách khoa học thì đâu có mất vừa tiền nâng đường chống ngập vừa tiến hỗ trợ đến bù cho người dân bị ngập. Tư hưu trí cho là rõ ràng là có chuyện mâu thuẫn nghịch lý trong một số dự án do Chương trình chống ngập TP thực hiện.
Hai Sài Gòn “túm” lại vấn đề là tiền chi cho dự án là tiền của người dân đóng thuế, UBND TP phải chi đúng, cho thật hiệu quả, mà muốn chi đúng hiệu quả phải được tính toán trên cơ sở phản biện của các nhà khoa học. Đây là đề xuất của tui không những chỉ dự án chống ngập mà tất cả dự án nào tác động đến dân sinh của nhiều người dân ở TP mình đều phải lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhứt là ý kiến phản biện.