Nhớ lời di chúc của Bác Hồ

(VOH) - Cách đây hơn 30 năm, thời còn bao cấp dù vật chất rất thiếu thốn, nhưng nhóm thân hữu của Hai Sài Gòn xây dựng được thói quen là cứ vào dịp Quốc khánh là phải tổ chức họp mặt nhau, trước là để vừa ôn lại truyền thống của ngày lịch sử vẻ vang của đất nước, vừa tổ chức giỗ Bác Hồ, sau là tổ chức liên hoan vui vẻ. Năm nay cuộc họp mặt còn có ý nghỉa “lớn” hơn một chút, đó là giỗ lần thứ 45 của Người. Thành phần tham dự buổi họp mặt ngoài những gương mặt cũ như Hai Sài Gòn, Tư hưu trí, Ba thợ hồ, Năm thầy giáo.v.v...còn có gần chục gương mặt trẻ là con cháu của những “sáng lập viên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh (ảnh tư liệu)

Mở đầu buổi họp mặt, Tư hưu trí với tư cách là “chủ xị” tuyên bố hôm nay “lũ trẻ” cứ tha hồ muốn hỏi gì thì hỏi, “cánh già” tụi nầy sẵn sàng trả lời tới cùng thắc mắc của “cánh trẻ”. Được dịp mấy cô cậu hỏi tới tấp, toàn những vấn đề “hóc búa” không hà. Con gái út Tư hưu trí nêu câu hỏi đầu tiên: “Tại sao sau khi giành được Chính quyền về tay nhân dân rồi mà nước ta khó khăn thách thức như chỉ mành treo chuông”? Tư hưu trí chỉ định Hai Sài Gòn giải thích. Hai Sài Gòn lẩm bẩm trong đầu “lũ trẻ bây giờ đáo để thật”.

Sau khi suy nghĩ, Hai Sài Gòn trả lời: “Ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng, các thế lực đế quốc, phản động quốc tế đã cấu kết, bao vây, chống phá hòng thủ tiêu mọi thành quả cách mạng của nhân dân ta, đặt lại ách thống trị của chúng, xoá bỏ nền độc lập mà dân tộc ta vừa giành được. Gần 20 vạn quân của chính quyền Tưởng Giới Thạch (Trung Quốc) - đồng minh của đế quốc Mỹ, kéo vào miền Bắc. Dưới danh nghĩa quân đội đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật, nhưng âm mưu của Quốc dân đảng Trung Hoa là: "Tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân, để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng".

Ở Nam Bộ ngày 12-9-1945, quân Anh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ, che chở cho lực lượng của Pháp biểu tình khiêu khích ở Sài Gòn. Chúng tự ý duy trì trật tự trong thành phố, giao cho quân Nhật làm nhiệm vụ cảnh sát, thả 1500 lính Pháp bị Nhật giam giữ trước đây và trang bị cho lực lượng này, đồng thời trắng trợn đòi lực lượng vũ trang Việt Nam nộp vũ khí.

Ngày 23-9-1945, được quân Anh và quân Nhật giúp sức, quân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp hòng đặt lại ách thống trị ở Việt Nam và Đông Dương. Chưa bao giờ trên đất nước ta lại có nhiều kẻ thù xâm lược hung bạo và xảo quyệt dựng nên các tổ chức phản động tay sai chống phá quyết liệt nhân dân ta như vậy. Và ngày 23/9 là ngày Nam bộ vùng lên chống quân xâm lược nên mới có bài hát “Mùa thu rồi ngày 23 ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…” Mấy cô cậu nghe Hai Sài Gòn kể, ai cũng “ồ, hèn chi, hèn chi…”. Một cậu trai trẻ là cháu của Ba thợ hồ nêu câu hỏi: “Vì sao trong Cách mạng tháng 8 năm 1945 chúng ta chỉ có khoảng 5000 đảng viên Cộng Sản mà lãnh đạo được nhân dân cả nước làm cuộc cách mạng dân tộc có một không hai trong lịch sử. Tư Hưu trí lại phân công Hai Sài Gòn thuyết trình luôn. Theo Hai Sài Gòn cái độc đáo của cuộc cách mạng ấy không phải chỉ ở chỗ chúng ta giành được độc lập mà là cách giành độc lập hết sức độc đáo, sáng tạo. Căn nguyên của sự sáng tạo này là Việt Minh, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết dựa vào dân, biết khơi dậy ở nhân dân sức mạnh của lòng yêu nước, khát vọng được sống trong độc lập, tự do. Đảng viên Cộng sản lúc ấy rất ít, đa số là còn trong tù đày của kẻ thù, ở Nam bộ sau thất bại Nam Kỳ Khởi Nghĩa, số Đảng viên cốt cán bị bắt tù đày, bị giết gần hết. Thế nhưng người Đảng viên Cộng sản lúc ấy gắn bó mật thiết với người dân, sống chết với người dân được họ che chở đùm bọc. Từ khi có Đảng Cộng sản đến Cách mạng tháng 8/1945 không có đảng phái nào có số lượng đảng viên dám chết, dám chịu tù đày vì dân vì nước nhiều như Đảng CSVN. Trong Mặt trận Việt Minh, những người Cộng sản mọi nơi mọi lúc đều đi đầu vào chổ hiểm nguy nhất để thực hiện duy nhất mục tiêu lo cho dân, cho nước. Chính những hành động cụ thể của những người Cộng sản đã tạo nên sức hút nhân dân đồng hành cùng Cách mạng, đồng hành cùng những người Cộng sản làm nên Cách mạng tháng 8 thành công.

Con trai Năm thầy giáo là sinh viên nêu câu hỏi: “Hiện nay không ít bạn trẻ tụi cháu sút giảm niềm tin vào Đảng, lý do tại sao? Đảng làm cách nào khắc phục không ạ?” Hai Sài Gòn nghe cậu sinh viên hỏi mà băn khoăn, nhưng cũng phấn khởi. Băn khoăn vì không hiểu mình đủ lý lẽ để thuyết phục hay không, phấn khởi vì thanh niên trai trẻ, sinh viên trí thức còn quan tâm tới Đảng là điều tốt, chỉ sợ không quan tâm thì mới nguy hiểm. Trả lời cho cậu sinh viên này, Hai Sài Gòn dựa vào di chúc của Bác Hồ, dựa vào bài viết của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân dịp kỷ niệm 69 năm Cách mạng tháng 8 thành công và 45 năm thực hiện di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai Sài Gòn đố các cháu chứ câu mở đầu của phần nội dung Di chúc, Bác Hồ viết như thế nào? Các bạn trẻ im lặng! Hai Sài Gòn nhắc lại, Bác Hồ viết “Trước hết nói về Đảng”. Tại sao trước hết lại nói về Đảng, là vì Đảng lãnh đạo thì Đảng phải gương mẫu đầu tàu, cán bộ Đảng viên phải là đầy tớ thật trung thành của nhân dân, muốn vậy trước hết phải xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Còn trong bài viết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đặt vấn đề: “Cái mà nhân dân hiện nay người ta đang mất lòng tin chính vì không nhìn thấy những cán bộ, đảng viên công chức, quan chức của mình gương mẫu, hy sinh vì dân, mà lại làm hại cho dân. Dù bộ phận này không phải là tất cả, nhưng cũng là một bộ phận đáng kể, rồi Chủ tịch nước nhấn mạnh về công tác cán bộ: “Chúng ta vẫn còn phải trăn trở, đau lòng khi nghe những câu truyền miệng lâu nay trong nhân dân: “Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ, bốn trí tuệ…” trong công tác cán bộ và những nhận xét về thứ “đạo đức bốn mặt”: trước mặt, sau lưng, trước cấp trên và trước đồng bào mình, đang là phương thức hành xử của không ít cán bộ, đảng viên, cũng như trước tình trạng không ít cán bộ “tay đã nhúng chàm” bị dư luận xã hội lên án hoặc đã và đang bị truy tố, xét xử. Đây chính là những điều đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ ta, là mầm họa đối với độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Chủ tịch nước phân tích: Vì vậy, để có đủ sức mạnh vượt qua mọi chướng ngại, chông gai trên con đường bảo vệ nền độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, thì mối quan hệ máu thịt, sinh tử giữa Đảng với nhân dân lại đòi hỏi phải được chăm lo ở một tầm cao mới, với chất lượng mới. Kết thúc bài viết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Phát huy tinh thần và truyền thống vẻ vang của cuộc Cách mạng tháng 8 vĩ đại, tiếp tục học tập và thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng thành một khối vững chắc, nỗ lực phấn đấu, nhất định sẽ vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, sánh vai với các cường quốc năm châu và bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, để dân tộc ta, đất nước ta phồn vinh, mãi mãi trường tồn. Đó cũng là thước đo lòng yêu nước của mỗi chúng ta lúc này…”. Kết thúc phần thuyết trình Hai Sài Gòn hỏi “các em, các cháu còn muốn hỏi gì nửa không? Các cháu đều trả lời: Bác Chủ tịch nước viết trải lòng như thế thì tụi con chẳng những không còn thắc mắc gì hết mà ngược lại tin tưởng là Đảng, Nhà nước và Chính phủ mình sẽ thực hiện tốt yêu cầu bức xúc của người dân, chắc chắn đội ngũ cán bộ Đảng viên sẽ được sàng lọc một cách hiệu quả nhất như trong di chúc của Bác Hồ”.