028.38225933 (Hotline) - 028 3822 1188 (FM 95.6) - 028 38291 357
icon-radio-fm-999-mhz
logo-voh-radio-online
Điện thoại: 028.38225933 - 028.38225934
Đường dây nóng bạn nghe đài: 028.3891 357 - 0948747571

Nỗi buồn du khách

(VOH) - Mùa hè thường gắn liền với mùa du lịch mà nói đến “nỗi buồn du khách” thì Hai Sài Gòn ngại rằng bà con mình sẽ lại lên tiếng: Biết rồi! khổ lắm, nói mãi! Biết là như vậy, nhưng mà không nói ra thì cứ ấm ức trong lòng, bởi chuyện cũ, nói mãi mà mấy ai chịu “lắng nghe và trao đổi” đâu. Đó là chuyện bắt chẹt giá cả, nói nôm na là “chặt, chém” khách du lịch ở một số thành phố lớn nước ta. Từ bà chủ nhà trọ gian xảo, lão chủ quán lọc lừa, tên tài xế taxi gian manh cho đến tay phó nhòm “đểu” ở một số khu du lịch, bãi tắm được đông người lui tới.

Gần đây nhứt, chuyện nổi cộm mà báo chí loan tin là tình trạng không ít tài xế taxi gian manh tính giá cước “trên trời”. Hai Sài Gòn xin tóm lược vài mẩu chuyện sau đây để bà con bình phẩm.

Ở Hà Nội, ngày 25/4, một nhóm 3 du khách Pháp vừa đến sân bay Nội Bài đã bị tài xế taxi và nhân viên khách sạn trên phố cổ cấu kết lừa đảo, đe dọa tính mạng. Ngày 28/4, du khách Úc David Patrick cùng vợ đi taxi Trung Việt từ bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đến bảo tàng Dân tộc học. Đồng hồ tính cước hiển thị 98.000 đồng nhưng tài xế viết hoá đơn thêm một con số không, tức là ăn gian gấp 10 lần, số tiền phải trả lên đến 980.000. Vụ này, sau đó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cùng quan chức đầu ngành du lịch đã lên tiếng xin lỗi. Tối ngày 9/5, vợ chồng anh James mang quốc tịch Ireland, đón taxi Thanh Nga đi ăn tối với quãng đường ngắn 2 cây số. Khi xe tới nơi, đồng hồ tính cước hiển thị số tiền 30.000 đồng, Anh James đưa tờ giấy bạc mệnh giá 500.000 đồng, thì tài xế chỉ thối lại có 20.000 đồng. Hỏi tại sao? Gã tài xế gian manh trả lời là James chỉ đưa tờ giấy bạc mệnh giá 50.000 đồng nên thối lại 20.000.

Ở TPHCM, tình trạng tương tự cũng diễn ra “hà rầm”, nạn nhân là 2 du khách Tây Ban Nha: Matas và Rviz. Hai vị này đi taxi chỉ hơn 1 cây số bị buộc phải trả 400.000 đồng. Ngày 12/4, ông Hirako (quốc tịch Nhật Bản) bị buộc trả 650.000 đồng trong khi đồng hồ hiển thị 65.000. Do không đồng ý trả cước quá cao, Ông Hirako bị gã tài xế côn đồ đấm thẳng vào mặt. Ngày 23/4, Việt kiều Mỹ - Hồ Sư Phong đi cuốc taxi 2 cây số trả 100.000 đồng, vậy mà cũng chưa vừa lòng tài xế. Khi đưa tờ 500.000 đồng, hắn chỉ thối lại 25.000 rồi phóng xe dong thẳng.


Ông Hirako (áo màu) và phiên dịch đang khai báo sự việc tại Công an phường 7–Q.3, TP HCM - Ảnh: VNE.

Đó là chuyện taxi gian manh, còn nạn “chặt chém” du khách ở bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) thì muôn hình vạn trạng. Một chị bạn kể lại: khi cả nhà chị đang đi dạo trên bãi biển, thấy có một lâu đài cát nho nhỏ nên sà vào chụp ảnh. Khi vừa chụp xong cho con, khoảng 10 kiểu, hai thanh niên xông ra đòi 200.000 đồng. Tối hôm đó gia đình đi hát karaoke, những tưởng chi phí mắc lắm cũng ở mức dăm, bảy trăm ngàn, nào ngờ họ tính giá gói snack nhỏ 50.000 đồng/gói, 2 đĩa hoa quả lèo tèo vài miếng dưa hấu bị tính 700.000 đồng. Bất ngờ nhất là ông xã chỉ uống có 2 chai bia nhưng phục vụ lại lôi ra một đống vỏ chai dưới gầm bàn rồi tính cả vào hóa đơn. Cả tiền Karaoke với tiền trái cây vị chi 2 triệu bạc. Đâu đã hết. Chuyện như đùa nhưng lại là sự thật. Một du khách bị gạ gẫm cưỡi ngựa với giá 5.000 đồng, nhưng khi xuống ngựa thì bị đòi 2 triệu. Tên chủ ngựa ma mãnh cho biết: 5.000 đồng là mỗi bước đi của ngựa, còn 2 triệu là cho 400 bước. Trời ạ! Cưỡi ngựa đi vài trăm bước mất toi 2 triệu, bằng với tiền lương tối thiểu của một công nhân trong 1 tháng.

Kể mấy chuyện này ra để thấy rằng, ngành du lịch nước ta đang gặp vấn nạn lớn mà dù dư luận có lên tiếng cả trăm, cả ngàn lần vẫn chưa thể khắc phục được. Người ta mong đợi sự ra đời của lực lượng Cảnh sát du lịch. Người ta đổ thừa do chính quyền địa phương thiếu kiên quyết ngăn chặn tệ nạn bắt chẹt du khách. Người ta qui trách nhiệm vào ý thức của người dân, của những kẻ hám lợi trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài theo kiểu “tham bát bỏ mâm”. Người ta trách ngành du lịch phát triển chưa theo kịp tình hình thực tế, trong đó lực lượng hướng dẫn viên vừa thiếu lại vừa không chuyên nghiệp. Ai đó, còn trách ngành du lịch thiếu quy hoạch, thiếu tầm nhìn... Xem ra họ trách cũng phải. Dù có ra đời lực lượng Cảnh sát du lịch đi nữa nhưng theo Hai Sài Gòn thì lực lượng này vẫn chưa thể là chiếc đũa thần làm đổi thay cục diện. Điều quan trọng là trách nhiệm của địa phương và ý thức người dân.

Không có sự phối hợp đồng bộ thì “nỗi buồn du khách“ vẫn là chuyện ”biết rồi khổ lắm nói mãi”.

Nói vậy! Liệu có nghe được không, thưa bà con?!

Hai Sài Gòn
;