Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quảng cáo bia trên Tivi có vi phạm Nghị định 24/2020?

(VOH) - Thấy Hai Sài Gòn vừa bước vô quán cà phê, Ba thợ hồ mừng tíu tít lên “Anh Hai, anh ngồi đây cho tui hỏi chuyện này coi".

Sau khi Hai Sài Gòn “an tọa”, Ba thợ hồ “phát sóng” liền: “Nghị định 100/2019 nghiêm cấm, phạt rất nặng người có nồng độ rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông, vậy tại sao hàng ngày rất nhiều đài truyền hình quảng cáo bia đủ các hiệu, từ trong nước tới ngoại nhập búa lua xua luôn, như thế mấy "ông" truyền hình có vi phạm nghị định 100 không?

Hai Sài Gòn chưa kịp trả lời thì Tư hưu trí chặn họng liền: “Các đài truyền hình là cơ quan nhà nước, chắc chắn phải được phép mấy ổng mới quảng cáo “búa xua” thôi”.

Tới đây, Hai Sài Gòn mới trả lời anh em trong bàn cà phê: “Theo khoản 3 Điều 12 của Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì: không được quảng cáo trên truyền hình trong thời gian từ 18 giờ đến 21 giờ hàng ngày, trừ trường hợp quảng cáo có sẵn trong các chương trình thể thao mua bản quyền tiếp sóng trực tiếp từ nước ngoài, không quảng cáo trên báo nói, trên truyền hình ngay trước, trong và sau chương trình dành cho trẻ em".

Ba Thợ hồ phản ứng liền: “Anh mở Tivi (TV) coi thì biết ngay, mọi lúc mọi nơi, từ bia Việt đến bia ngoại tùm lum hết”.

Quảng cáo bia trên TV có vi phạm Nghị định 24/2020?

Quảng cáo bia trên TV có vi phạm Nghị định 24/2020?. Ảnh minh họa: SGGP

Tư hưu trí hỏi Hai Sài Gòn: Tui nhớ sau Tết Nguyên đán, Chính phủ có nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia mà. Hai Sài Gòn trả lời róp rẻn: “Đúng vậy, ngày 24/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24/2020 có hiệu lực ngay lập tức – đưa ra các quy định chi tiết của một số điều của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Khoản 3 Điều 5 Nghị định 24/2020 nêu rõ: Trường hợp quảng cáo rượu, bia hoặc có độ cồn dưới 15 độ phải có cảnh báo để phòng, chống tác hại của rượu, bia, phải đảm bảo có những nội dung sau: “Uống rượu, bia có thể gây tai nạn giao thông”, “Uống rượu, bia có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi”, “Người dưới 18 tuổi không được uống rượu, bia”. Hình thức thể hiện nội dung cảnh báo có thể được được quảng cáo trên báo nói, báo hình, trên sản phẩm quảng cáo rượu, bia, ghi âm, ghi hình, trên mạng xã hội, phương tiện điện tử, thiết bị đầu cuối và thiết bị viễn thông khác có hình ảnh.

Tư hưu trí cho là Ba thợ hồ nói đúng, các quảng cáo bia trên TV tui không thấy cảnh báo này mà chỉ thấy cụng ly rồi nào là “đậm tình miền Trung", nào là "uống bia trúng mấy chục lượng vàng", còn giờ giấc thì bất kể, nhứt là trong giờ chiếu phim dù lúc đó là buổi nào.

Ba thợ hồ chắc lưỡi hít hà: “Chà, cơ quan nhà nước mà không gương mẫu chấp hành Nghị định 24 thì làm sao nói dân nghe, nước mình như thế, không biết mấy nước xung quanh mình quảng cáo rượu bia thế nào?".

Tư hưu trí chỉ ngay Hai Sài Gòn: Chuyên gia du lịch nước ngoài đây, cứ hỏi anh ấy thì ra ngay thôi.

Bị "bắt cóc" không trốn được, Hai Sài Gòn đành “xuất khẩu”: Trong khi tại Việt Nam đang gây tranh cãi thì tại châu Á, các nước ASEAN như Malaysia, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Philippines và các quốc gia phát triển có mức tiêu thụ rượu, bia cao như Nhật Bản, Hàn Quốc đều đã có các chính sách quản lý quảng cáo rượu, bia với mục đích hạn chế việc sử dụng đồ uống có cồn.

Cụ thể, Malaysia cấm quảng cáo đồ uống có cồn trên sóng truyền hình và radio từ năm 1995. Tất cả quảng cáo đồ uống có cồn không được hướng tới đối tượng thanh thiếu niên hoặc có ý nghĩa khuyến khích nhóm này sử dụng bia rượu.

Ở Thái Lan, đạo luật kiểm soát đồ uống có cồn năm 2008 quy định cá nhân không được phép quảng cáo một cách gián tiếp hoặc trực tiếp, tên hay nhãn hiệu rượu bia với ngụ ý cho thấy tính chất của chúng hoặc kích thích người khác sử dụng. Tháng 8/2017, 3 phụ nữ Thái Lan đã bị cảnh sát bắt giữ sau khi livestream kêu gọi khách hàng đến thưởng thức bia tại quán bar nơi họ đang làm việc.

Tại Indonesia, quảng cáo rượu bia bị cấm trên tất cả phương tiện truyền thông đại chúng.

Còn tại Philippines, tất cả các đoạn quảng cáo phải kèm theo thông điệp “Uống có trách nhiệm”.

Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã thông báo chính sách hạn chế quảng cáo đồ uống có cồn vào ngày 13/11/2019. Chính phủ Hàn Quốc cấm các hoạt động quảng cáo đồ uống có cồn trong khung giờ từ 7 giờ đến 22 giờ trên nhiều nền tảng phát sóng, bao gồm truyền hình kỹ thuật số đa phương tiện và truyền hình trên giao thức Internet.

Có rấ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cấm triệt để quảng cáo rượu, bia trên các hệ thống truyền thông.

Ba thợ hồ chặn lời Hai Sài Gòn, rồi hùng hồn tuyên bố: Tui ủng hộ phải mạnh tay với quảng cáo rượu, bia trên hệ thống truyền thông. Tui hỏi mấy anh, Nghị định 100 phạt rất mạnh người có nồng độ cồn, bất kể cỡ nào, tình hình tai nạn giao thông gây thương vong giảm liền đáng kể thì không lý do gì cả hệ thống truyền thông nhà nước cứ vô tư quảng cáo rượu, bia.

Tư hưu trí liền khen Ba thợ hồ là có quan điểm lập trường rất vững vàng trước rượu, bia.

Bình luận