Thịt sạch tìm ở đâu?

(VOH)- Ba thợ hồ khoe với anh em trong nhóm: “cô em gái ở Đồng Nai lúc này nhờ nuôi heo mà khá lên, cất nhà đủ tiện nghi sinh hoạt, mà không phải chỉ có em gái anh thôi, những người trong xóm ai cũng nhờ nuôi heo mà khá hết”.

Nghe nội dung bài viết

Quầy hàng VietGap của Vissan. Ảnh: Bá Nam

Tư hưu trí “đâm hông” liền: Không dám đâu, hiện nay bà con mình không ai dám ăn thịt không rõ nguồn gốc, thời buổi này thiệt là khổ, ăn cái gì cũng sợ tẩm hóa chất hết.

Vài anh em cho rằng Tư hưu trí bi quan, nhìn đâu cũng xám xịt. Tức khí, Tư hưu trí chứng minh liền: người nuôi heo chỉ trong 2 - 3 tháng đã biến heo con 10 kg lên tới trên tạ, khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Liệu thịt heo thương phẩm này ăn vào có bị ảnh hưởng tới sức khỏe hay không vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người.

Thông thường, heo nuôi khoảng 6 tháng mới được 1 tạ. Thế nhưng, với một loại "thần dược" siêu tăng trọng, chỉ cần 3 tháng là có thể xuất chuồng. Đây là hàng từ Trung Quốc, chỉ cung cấp cho các mối thân thiết vì nếu bị lộ thì cơ quan thú y đến kiểm tra xử phạt ngay.

Loại thuốc cấm đáp ứng nhu cầu tăng trọng nhanh cho heo được giới chăn nuôi tìm mua nhiều nhất là salbutamol, clenbuterol... mà salbutamol chỉ dùng để cấp cứu bệnh nhân hen lên cơn co thắt phế quản không thở được. Nếu không cắt cơn hen bệnh nhân sẽ chết. Chỉ có giữa cái sống và cái chết mới phải sử dụng salbutamol vì đây là chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Khi ăn thịt heo có salbutamol cũng giống như uống thuốc này. Salbutamol còn trong thịt heo bao nhiêu là con người sử dụng bấy nhiêu, ăn vào dễ bị ung thư.

Bổ sung thông tin về nuôi heo có chất cấm, Hai Sài Gòn "hạch toán" liền, công thức phổ biến hiện nay là nuôi bằng cám cộng với thuốc, thuốc dùng được cho cả mấy chục con. Cám thì cao, có giá từ 250.000 - 350.000 đồng/bao. Mỗi con heo ăn khoảng 4 bao cám hết hơn 1 triệu đồng, trong 2 tháng có thể xuất chuồng.

Chi phí khá cao nhưng bán lời “khẳm”. Heo hơi xuất chuồng giá 55.000- 57.000 đồng/kg, tính bình quân mỗi con khoảng 80 - 90kg, thu được 4-5 triệu đồng/con, phần  lời chiếm quá nửa. Hiện tại, không nuôi con gì lời bằng heo, hơn nữa có thể tận dụng chất thải để nuôi cá, dùng làm Biogas nấu nướng, tiết kiệm tiền gas.

Khổ một điều là nuôi heo giờ lời quá, nên thu hút nhiều người chăn nuôi, cũng đồng nghĩa với an toàn thực phẩm bị đe dọa tới tất tần tật bữa cơm mọi gia đình.

Ba thợ hồ cho biết bây giờ ai cũng chạy theo lợi nhuận bất chấp cả lương tâm nghề nghiệp, anh dẫn chứng mới đây Chi cục Thú y TPHCM phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra cửa hàng buôn bán thịt sạch trên đường Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3 phát hiện các nhân viên tại đây đang sơ chế thịt heo nái thành thịt bò.

Chủ cửa hàng thừa nhận, nhập heo nái từ Đồng Nai về sơ chế rồi ngâm vào huyết bò hòa lẫn với hóa chất để biến thành thịt bò đem đi bỏ ra thịt trường với giá 130 – 150.000/kg. Hóa chất là Metabisulfite mua từ chợ Kim Biên với giá 25.000 đồng/kg. 

Theo các chuyên gia về thực phẩm thì hóa chất Metabisulfite được dùng trong việc tẩy uế, chống oxy hóa và chất bảo quản, nếu dùng trong việc chế biến thịt heo nái thành thịt bò thì cực kỳ nguy hiểm. Metabisulfite bị cấm dùng trong việc bảo quản, chế biến thịt, người ăn phải loại thịt giả bò được ngâm Metabisulfite sẽ ảnh hưởng lớn đến đường hô hấp.

Tư hưu trí than là cả tháng nay, cả nhà anh không dám ăn thịt, chỉ ăn rau, cá mà không biết an toàn không vì thấy ti vi đưa tin rau tưới bằng dầu nhớt tẩm thuốc trừ sâu, tôm cá thì ướp thuốc bảo quản của Trung Quốc, rồi anh xuống giọng bi ai liền “thôi đành ăn chay cho chắc”.

Ba thợ hồ “chọc quê” liền: Thì cũng phải ăn rau củ quả, có thứ nào không có chất bảo quản đâu.

Thấy không khí căng thẳng, Hai Sài Gòn thông tin cho anh em là không nên bi quan, vì từ ngày 15/4, tất cả 146 điểm bán thịt heo của Vissan tại các chợ truyền thống và gần 310 điểm ở  các siêu thị tại TPHCM và các tỉnh lân cận đều đạt chứng nhận VietGAP. Đây là bước tiến của Vissan trong tiến trình xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm chất lượng, an toàn và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho cộng đồng, đáp ứng được việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. 

Đến nay, Vissan có gần 230 trang trại chăn nuôi đạt chuẩn VietGAP cung cấp nguồn thịt cho công ty. Toàn bộ nguồn heo do Vissan giết mổ đều được kiểm soát chặt chẽ. Công ty còn tự đầu tư riêng bộ kiểm tra nhanh các chất cấm trong chăn nuôi, kiểm tra nghiêm ngặt lượng lợn thu mua.

Việc Vissan công bố cung cấp 100% thịt heo VietGAP cho người dân được xem là tính hiệu đáng mừng cho ngành thực phẩm thành phố, giúp người dân an tâm hơn với bữa cơm hàng ngày.

Về mặt luật pháp, điều rất mừng là nhằm nâng cao tính răn đe, đối với cơ sở sản xuất, mua bán thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi và cơ sở giết mổ có sử dụng chất cấm, Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 quy định mức cao nhất đối với tội danh này là chung thân, mức phạt tiền trước đây là 200 triệu đồng giờ lên đến 3 tỷ đồng cho thấy sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn tình trạng này.

Nghe Hai Sài Gòn thông tin, Tư hưu trí hỏi “khăm” như thế chờ tới 1/7 mới ngăn chặn được chất cấm trong chăn nuôi, vậy từ nay tới đó ăn thịt gì đây? Hai Sài Gòn cà lăm luôn.