Tư hưu trí trả lời nói chung là bà con đi xe máy thì vui tưng bừng, còn cánh tài xế thì “phấn khởi tơi bời” tại sao vậy, vì cầu Vàm Cống vừa thông xe được sử dụng miễn phí họ rất mừng vì không còn cảnh kẹt phà. Tuy nhiên khi xe từ An Giang đi ngã ba Lộ Tẻ qua cầu để về thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại thì phải trả phí toàn tuyến BOT Quốc lộ 91, dù họ chỉ sử dụng khoảng 300 mét của dự án này”.
Các tài xế liên tục phản đối việc nộp phí tại trạm BOT T2. Ảnh: TTO
Anh em ai cũng bất ngờ “dí” lý do tại bị làm sao? Hai Sài Gòn cho là cũng tại ông Giao thông vận tải mà ra. Anh em “dí” tiếp Hai Sài Gòn thông tin theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT thừa nhận hiện có 17 trạm BOT có bất cập về vị trí, nhưng vẫn kiến nghị giữ lại phần lớn những trạm thu phí này và cho phép hoạt động. Trạm BOT T2 ở Ấp Thới Hòa, Phường Thới thuận, Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ, cũng chặn đường thu phí tất tần tật bất kể xe cộ đi gần xa, thậm chí chỉ 300 mét cũng phải trả thấp nhất 35.000 đ/xe. Anh em nghe ai cũng kêu trời như bọng, Hai Sài Gòn nói ngày 23/5 bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Đại biểu quốc hội Hồ Thanh Bình, đoàn An Giang không tỏ ra bất ngờ, bởi tình trạng này đã được An Giang dự báo từ lâu mà nguyên nhân chính là do vị trí đặt trạm. Mặc dù, kế hoạch xây dựng Cầu Vàm Cống đã có từ lâu, khi làm dự án cải tạo Quốc lộ 91 đặt trạm BOT T2 thu vốn hoàn phí đầu tư các bên cũng đã có nghiên cứu nhưng khi chọn vị trí đặt trạm lại đặt ở nơi có thể gây lên sự bất hợp lý mà ai cũng có thể nhìn ra.
Đại biểu Hồ Thanh Bình cho biết, nguyên nhân xảy ra điều này bản thân cũng biết nhưng đó là sự "nhạy cảm" không tiện nói ra. Theo đại biểu Hồ Thanh Bình, trách nhiệm chính trong xử lý vụ việc này thuộc về Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư. Lúc đề xuất dự án đã không tính đến những bức xúc của người dân khi thông cầu Vàm Cống để có những dự báo và phương án giải quyết. Cách tốt nhất để giải quyết bây giờ là đi bao nhiêu trả tiền bằng đó. Mức phí đi từ BOT T2 qua cầu Vàm Cống và ngược lại cần phải được nghiên cứu để cho có hợp lý, chấp nhận được. Nếu các bên đều đặt lợi ích của người dân lên trên hết thì sẽ giải quyết được ngay.
Nhiều anh em hỏi vậy chứ ông Giao thông vận tải, các tỉnh có liên quan có bàn bạc tháo gỡ gì không? Hai Sài Gòn trả lời róp róp rẻn “có sao không”. Cách đây mấy bữa đại diện các tỉnh Đồng Tháp, An Giang và Thành phố Cần Thơ cùng Tổng Cục Đường bộ ngồi với nhau mà chẳng giải quyết được gì. Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí được sự đồng thuận của các tỉnh, thành phố đề xuất những xe đi từ hướng Kiên Giang hoặc từ cầu Vàm Cống về An Giang thì được phát một tấm thẻ tới trạm rồi trả thẻ đó và mua vé 2.000 đồng để qua trạm (tương đương 200 mét đường BOT của dự án). Những xe đi từ hướng An Giang về Kiên Giang qua cầu Vàm Cống thì có thể là bán vé 2.000 đồng, đối với xe đi Cần Thơ khi tới trạm T1 mua tiếp vé 33.000 đồng. Phương án 2, nếu nhà đầu tư sợ thất thu thì bán vé cho tài xế ở trạm T2, nhưng khi phương tiện vào Quốc lộ 80 để về Kiên Giang hoặc về cầu Vàm Cống đi thành phố Hồ Chí Minh thì trạm phải trả lại 33.000 đồng.
Anh em ai nghe cũng cười ngất họ tận thu cho bằng được, ở đó mà trả lại, chờ Tết Congo trạm mới trả tiền lại, còn ông Tổng Cục đường bộ thì sao? Hai Sài Gòn cho biết sau khi họp bàn với lãnh đạo địa phương quanh khu vực trạm thu phí lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay: Trước mắt, sẽ xem xét mở rộng diện miễn giảm tiền vé qua trạm thu phí T2 cho phương tiện của người dân phía tỉnh Đồng Tháp bên cạnh số phương tiện bán kính 8 km quanh trạm thu phí phía Thành phố Cần Thơ đã miễn giảm từ năm 2018. Tuy nhiên, số phương tiện cụ thể ra sao phải đợi địa phương rà soát, báo cáo. Sau đó, các bên sẽ thống nhất quyết định áp dụng theo quy định. Anh em lại ôm bụng cười “đúng là tư tưởng của mấy ông “thu giá, bây giờ là thu tiền, chỉ nghĩ tiền và tiền mà thôi” Hai Sài Gòn cho rằng “vấn đề trạm BOT T2 phải như đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình là đặt lợi ích của người dân lên trên hết thì sẽ giải quyết được ngay".