Picture of the author
Picture of the author
SGK Hóa Học 8»Dung Dịch»Bài 40: Dung Dịch

Bài 40: Dung Dịch

Lý thuyết bài Dung Dịch môn hóa 8 bộ sách giáo khoa. Cùng nhau tìm hiểu lý thuyết và bài tập minh họa một cách đầy đủ, dễ hiểu.

Xem thêm

I. Dung môi - chất tan - dung dịch

Thí nghiệm 1: Hòa tan muối ăn trong nước (hình 1).

bai-40-dung-dich-1
Hình 1

- Hiện tượng: Muối ăn tan hết trong nước tạo thành nước muối, không còn phân biệt được đâu là nước, đâu là muối ăn.

- Ta nói: Muối ăn là chất tan, nước là dung môi của muối ăn, nước muối là dung dịch.

Thí nghiệm 2: Cho một thìa dầu ăn vào cốc đựng xăng và vào cốc đựng nước, khuấy đều (hình 2).

bai-40-dung-dich-2
Hình 2
(Nguồn: SGK Hóa học 8 – trang 135)

- Hiện tượng: Với cốc đựng xăng, dầu ăn bị hòa tan tạo thành dung dịch. Còn nước thì không hòa tan được dầu ăn.

- Ta nói: Xăng là dung môi của dầu ăn còn nước không phải là dung môi của dầu ăn.

Kết luận:

  • Dung môi là chất có thể hòa tan chất khác để tạo thành dung dịch.
  • Chất tan là chất bị hòa tan trong dung môi.
  • Dung dịch là hỗn hợp đồng nhất của dung môi và chất tan.

II. Dung dịch chưa bão hòa. Dung dịch bão hòa

Thí nghiệm: Cho dần dần và liên tục đường vào cốc nước, khuấy nhẹ (hình 3).

bai-40-dung-dich-3
Hình 3

Hiện tượng:

  • Khi mới thêm đường vào cốc, lượng đường thêm vào bao nhiêu thì bị hòa tan hết bấy nhiêu. Ta nói lúc này dung dịch chưa bão hòa.
  • Sau một thời gian, đường thêm vào cốc nhưng dung dịch đường không thể hòa tan thêm nữa. Ta nói dung dịch lúc này đã bão hòa.

Kết luận:

Ở một nhiệt độ nhất định:

  • Dung dịch chưa bão hòa là dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.
  • Dung dịch bão hòa là dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan.

III. Làm thế nào để quá trình hòa tan chất rắn trong nước xảy ra nhanh hơn?

Muốn quá trình hòa tan xảy ra nhanh hơn ta phải làm tăng sự tiếp xúc của chất rắn với các phân tử nước bằng các cách sau:

  • Khuấy dung dịch

Sự khuấy làm cho chất rắn bị hòa tan nhanh hơn, vì nó luôn tạo ra sự tiếp xúc mới giữa các chất rắn và phân tử nước.

  • Đun nóng dung dịch

Đun nóng dung dịch làm cho chất rắn bị hòa tan nhanh hơn. Vì ở nhiệt độ càng cao các phân tử nước càng di chuyển nhanh, tăng số lần va chạm của phân tử nước và chất rắn.

bai-40-dung-dich-4

Hình 4: Ảnh hưởng của nhiệt độ đến độ tan trong nước của một số muối.

(Nguồn: SGK Hóa học 8 – trang 140)

Tuy nhiên có một số ít chất rắn thì ngược lại, độ tan trong nước lại giảm đi khi nhiệt độ của nước tăng lên. 
Ví dụ: Natri sunfat (Na2SO4), liti cacbonat (Li2CO3).

Đối với những chất lỏng có nhiệt độ sôi thấp hơn nước (dưới 100oC), thì sự đun nóng sẽ làm giảm sự hòa tan.
Ví dụ: Rượu etylic tan vô hạn trong nước ở nhiệt độ phòng, còn khi nhiệt độ của dung dịch vượt quá 78cC thì rượu etylic lại không tan trong nước nữa.

Đối với chất khí, nhiệt độ của dung dịch càng cao thì quá trình hòa tan trong nước của chất khí càng giảm.

  • ​Nghiền nhỏ chất rắn

Khi nghiền nhỏ chất rắn, diện tích tiếp xúc của chất rắn với các phân tử nước tăng lên dẫn đến chất rắn bị hòa tan nhanh hơn.


Bài tập luyện tập Dung dịch của trường Nguyễn Khuyến

1. Bài tập trắc nghiệm hóa 8 về dung dịch

Bài 1: Hòa tan 3 gam muối NaCl vào trong nước thu được dung dịch muối. Chất tan là  

  1. Muối NaCl. 
  2. Nước.
  3. Muối NaCl và nước.           
  4. Dung dịch nước muối thu được.

Bài 2: Dung dịch không thể hòa tan thêm chất tan là  

  1. Dung môi. 
  2. Dung dịch bão hòa.
  3. Dung dịch chưa bão hòa.                
  4. Cả A và B.

Bài 3: Làm sao để quá trình hòa tan chất rắn vào nước diễn ra nhanh hơn?  

  1. Khuấy dung dịch. 
  2. Đun nóng dung dịch.
  3. Nghiền nhỏ chất rắn.           
  4. Cả ba cách đều được.

Bài 4: Dung dịch chưa bão hòa là  

  1. Dung dịch có thể hòa tan thêm chất tan.
  2. Tỉ lệ 2 : 1 giữa chất tan và dung môi.
  3. Tỉ lệ 1 : 1 giữa chất tan và dung môi.
  4. Làm quỳ tím hóa đỏ.

Bài 5: Vì sao đun nóng dung dịch cũng là một phương pháp để chất rắn tan nhanh hơn trong nước?

  1. Làm mềm chất rắn.
  2. Có áp suất cao.
  3. Ở nhiệt độ cao, các phân tử nước chuyển động nhanh hơn làm tăng số lần va chạm giữa các phân tử và bề mặt chất rắn.
  4. Do nhiệt độ cao các chất rắn dễ nóng chảy hơn.
ĐÁP ÁN
12345
ABDCC

  

2. Bài tập tự luận hóa 8 về dung dịch

Câu 1: Biết ở nhiệt độ phòng thí nghiệm (khoảng 20oC) 10 gam nước có thể hòa tan tối đa 20 gam đường. Lấy 5 gam đường cho vào cốc đựng 5 gam nước, khuấy đều. Dung dịch nước đường thu được là dung dịch đã bão hòa hay chưa?

ĐÁP ÁN

10g nước ở 25oC hòa tan tối đa 20g đường

5g nước ở 25oC hòa tan tối đa x? g đường  


Vậy dung dịch nước đường chưa bão hòa, còn có thể hòa thêm được 5g đường nữa

Câu 2:  Hòa tan đường vào nước thu được nước đường, khi đó đường là ……………, nước là ……………. Và nước đường là ……………….

ĐÁP ÁN

Hòa tan đường vào nước thu được nước đường, khi đó đường là chất tan, nước là dung môi và nước đường là dung dịch.  

Câu 3: Trong phòng thí nghiệm có sẵn một dung dịch NaCl. Bằng phương pháp thực nghiệm, em hãy xác định dung dịch NaCl này là bão hòa hay chưa bão hòa. Trình bày cách làm.

ĐÁP ÁN

Ta lấy khoảng 50ml dung dịch NaCl cho vào bình chứa. Cân khoảng 1g NaCl tinh khiết cho vào bình đựng dung dịch NaCl và lắc kỹ 1 thời gian. Nếu:

   - Có hiện tượng NaCl bị hóa tan 1 ít hoặc hoàn toàn, ta kết luận dung dich ban đầu chưa bão hòa ở nhiệt độ thường.

   - Không thấy hiện tượng gì xảy ra, ta kết luận dung dịch NaCl ban đầu đã bão hòa ở nhiệt độ phòng.

  


Giáo viên soạn: Vương Lê Ái Thảo

Đơn vị: Trường THCS và THPT Nguyễn Khuyến Bình Dương

Tác giả: Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến - Tổ Hóa

Bài 41: Độ Tan Của Dung Dịch