Bằng đại học chính quy, tại chức, từ xa, liên thông có giá trị ngang nhau từ 1/7/2019

(VOH) - Theo luật Giáo dục đại học sửa đổi, bằng đại học chính quy, tại chức, từ xa, liên thông sẽ có giá trị ngang nhau từ ngày 1/7/2019.

Từ ngày 1/7, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học (được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2018) sẽ có hiệu lực thi hành với nhiều thay đổi lớn ảnh hưởng đến hoạt động của các trường.

Theo đó, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7 không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.

đại học chính quy, đại học tại chức, đại học từ xa, liên thông đại học

Bằng đại học chính quy, tại chức, từ xa, liên thông có giá trị ngang nhau từ 1/7/2019. (Ảnh minh họa: LH)

Khoản 23 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 như sau:

Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương. Điều này đồng nghĩa với việc không ghi hình thức đào tạo khi cấp bằng cử nhân. 

Luật Giáo dục đại học 2018 cũng quy định “người học hoàn thành chương trình đào tạo, đạt chuẩn đầu ra của trình độ đào tạo theo quy định, hoàn thành các nghĩa vụ, trách nhiệm của người học thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng ở trình độ đào tạo tương ứng”.

Trước đây hình thức đào tạo đại học ở nước ta có 2 loại hình chính là hệ chính quy và không chính quy (từ xa, tại chức, liên thông). Trong luật Giáo dục Đại học sửa đổi, đào tạo chính quy là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là không tập trung.

Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của giáo dục đại học. Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra... của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau.

Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo. Bởi vậy, luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng các hình thức đào tạo khác nhau.

Mục đích chính của quy định mới là tạo điều kiện cho các sinh viên theo học các hình thức đào tạo khác nhau khi tốt nghiệp đại học có cơ hội ngang nhau trong việc công nhận văn bằng, tuyển dụng lao động.

Ngoài ra, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy, quy định mới khuyến khích cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên, phát triển và ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo thay vì ưu tiên tuyển dụng người có trình độ từ thạc sĩ trở lên làm giảng viên theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục đại học 2012.

TPHCM chấm bài thi THPT quốc gia 2019 từ 30/06 - Kết thúc kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2019, TPHCM bắt tay ngay vào chuẩn bị cho công tác chấm thi.

Bộ GD-ĐT sẽ thanh, kiểm tra việc chấm thi ở tất cả 63 Hội đồng thi - Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.

Bình luận