Cách xử lý khi nhiễm độc amoniac

(VOH) - Khí amoniac (NH3) nồng độ cao rất độc hại cho con người và môi trường nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý khi không may tiếp xúc với khí này.

Vụ rò rỉ khí amoniac (NH3) trong quá trình nạp khí ngày 10/10 tại huyện Bình Chánh khiến 4 người bị thương, hàng ngàn người phải di tản, nhiều động vật, cây cối bị chết. Nếu rơi vào tình huống tương tự, người dân nên làm gì?

Amoniac độc hay không tùy thuộc nồng độ

Amoniac là chất hóa học tự nhiên trong không khí. Ở nhiệt độ phòng, amoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước.

Amoniac là một yếu tố cần thiết cho thực vật, động vật và đời sống con người. Nó được tìm thấy trong đất, nước, không khí và là nguồn nitơ rất cần thiết cho cây trồng vật nuôi. Amoniac trong môi trường xuất phát từ sự phân hủy tự nhiên của phân bón, thực vật đã chết và động vật, nhà máy điện, nguồn điện thoại di động và khí thải sản xuất khác.

Con người hấp thu khoảng 18mg amoniac mỗi ngày từ đạm, thực phẩm, không khí, nước, đồng thời cơ thể sản xuất khoảng 17g amoniac mỗi ngày, trong đó khoảng 4g được hấp thu vào hệ thống tuần hoàn của cơ thể, phần còn lại bài tiết qua nước tiểu.

Ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp xúc amoniac

- Amoniac có tính ăn mòn. Tiếp xúc với nồng độ cao amoniac trong không khí gây bỏng niêm mạc mũi, cổ họng và đường hô hấp. Điều này có thể phá hủy đường thở dẫn đến suy hô hấp. Hít nồng độ thấp hơn có thể gây ho và kích ứng mũi họng, kích ứng mắt gây chảy nước mắt.

- Nếu tiếp xúc với amoniac đậm đặc, da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng. Những vết bỏng có thể gây mù vĩnh viễn, bệnh phổi, hoặc tử vong.

- Vô tình ăn hoặc uống amoniac đậm đặc có thể bỏng ở miệng, cổ họng và dạ dày, đau dạ dày nghiêm trọng, nôn.

- Không có bằng chứng cho thấy amoniac gây ung thư. Không có bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với nồng độ amoniac tìm thấy trong môi trường gây ra dị tật bẩm sinh hoặc các hiệu ứng phát triển khác.

Biểu hiện khi ngộ độc amoniac

Ngộ độc xảy ra nếu hít, nuốt hoặc chạm vào các sản phẩm có chứa một lượng rất lớn các amoniac.

- Hô hấp: Ho, đau ngực (nặng), đau thắt ngực, khó thở, thở nhanh, thở khò khè.

- Mắt, miệng, họng: Chảy nước mắt và đốt mắt, mù mắt, đau họng nặng, đau miệng, môi sức.

- Tim mạch: Nhanh, mạch yếu, sốc.

- Thần kinh: Lẫn lộn, đi lại khó khăn, chóng mặt, thiếu sự phối hợp, bồn chồn, ngẩn ngơ.

- Da: Môi xanh lợt màu, bỏng nặng nếu tiếp xúc lâu.

- Dạ dày và đường tiêu hóa: Đau dạ dày nghiệm trọng, nôn.

Xử trí khi bị nhiễm độc amoniac

Amoniac nhẹ hơn không khí nên thường không tụ lại ở những nơi thấp. Tuy nhiên, trong môi trường ẩm ướt, amoniac có thể chuyển thành dạng hơi nước nặng hơn không khí, hoặc lan ra trên mặt đất và những vùng thấp. Hầu hết nạn nhân ngộ độc amoniac là do hít phải, một số trường hợp nuốt hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da. 

- Nếu khu vực nhiễm đầy khí amoniac cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân đến nơi thoáng hơn, cởi bỏ quần áo dính amoniac; súc sạch miệng trong trường hợp lỡ nuốt phải khí độc...

Nếu vụ việc xảy ra trong nhà, hãy đi ra ngoài. Nếu xảy ra ở bên ngoài hãy vào trong nhà, đóng tất cả các cửa ra vào và cửa sổ, tắt máy điều hòa.

- Nhanh chóng cởi bỏ quần áo dính amoniac. Nếu là áo chui đầu nên cắt bỏ, tránh cởi qua đầu để hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Cho quần áo vào túi nhựa và cột kín miệng để tránh gây nhiễm thêm cho nạn nhân và người khác. Để các túi này ở nơi an toàn, tránh xa mọi người, nhất là trẻ em.

- Nhanh chóng rửa sạch amoniac dính trên da với xà phòng và nước, rửa mắt sạch với nhiều nước. Nếu mang kính sát tròng thì tháo bỏ. Không dùng chất tẩy để rửa amoniac trên da.

- Trong trường hợp nuốt phải amoniac cần nhanh chóng nới lỏng cà vạt, khăn, cổ áo nạn nhân và cho nạn nhân súc miệng nhiều lần bằng nước lạnh và nhổ đi. Tiếp tục cho nạn nhân uống từ một đến 2 chén sữa.

Không gây nôn và không cho nạn nhân uống các loại dầu với mục đích trung hòa axit, không cho nạn nhân uống natri cacbonat hoặc các loại nước giải khát có ga. Nếu nạn nhân nôn thì phải để đầu thấp hơn chân để tránh vật nôn lọt vào phổi. Sau đó đưa nạn đến trạm y tế hoặc bệnh viện để cứu chữa.

Cần quan sát những nạn nhân có triệu chứng nghiêm trọng như ho nặng, kéo dài, phỏng họng… cần đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay. Xét nghiệm có thể giúp phát hiện amoniac trong máu và cơ thể nhưng không thể khẳng định là nhiễm amoniac từ bên ngoài vì chất này bình thường cũng có trong cơ thể.

Khi bị tiếp xúc với amoniac, nạn nhân có thể nhận biết ngay vì nó có mùi, vị nồng, khó chịu và gây kích ứng da, mắt, mũi và họng, vì vậy xét nghiệm trong trường hợp này là không cần thiết.