Cứu mình hay cứu hành lý khi gặp tai nạn máy bay?

(VOH) - Video ghi lại cảnh các hành khách trên chuyến bay Emirates nhốn nháo lấy hành lý sau vụ tai nạn hạ cánh ở Dubai đang là chủ đề được báo chí thế giới bàn tán. Điều khiến nhiều người chẳng hiểu nổi là “tại sao trong tình huống nguy cấp như vậy, hành khách lại không nhanh chóng thoát thân” như hướng dẫn an toàn của các hãng hàng không?

Vấn đề hành khách không tuân thủ quy định thoát hiểm và kéo theo hành lý trong khi đang bị đe dọa tính mạng là một tình huống khó xử lớn nhất đối với các hãng hàng không. Bởi trong các tình huống này, các nhân viên hàng không không dễ để “xử lý” những người cản trở việc sơ tán.

Video hành khách nhốn nháo lấy hành lý (Nguồn: Youtube)

Video ghi lại cảnh sơ tán khẩn cấp của máy bay Boeing 777 (hãng hàng không Emirates) cho thấy, hàng chục hành khách cố tình lấy túi xách, hành lý ra khỏi khoang hành lý trên đầu ngay cả khi tiếp viên và phi hành đoàn hối thúc thoát hiểm.

Foxnews dẫn lại sự kiện tháng 7/2013, khi chiếc máy bay của hãng Asiana gặp nạn lúc hạ cánh tại sân bay quốc tế San Fancisco, Mỹ. Hình ảnh sau vụ tai nạn cho thấy một số hành khách thoát ra khỏi đống đổ nát cùng với hành lý và cả rượu, iPad…

Một số hành khách trên chuyến bay Asiana 214 "không quên" hành lý khi thoát hiểm (Reuters)

Trong vụ tai nạn máy bay British Airways ở Las Vegas, video quay lại cho thấy, các hành khách chạy trên đường băng với vali, túi xách… và không ít trong số họ dừng lại để quay phim, chụp ảnh chiếc máy bay bốc khói.

Chuyên gia tư vấn hàng không Trevor Jensen chia sẻ với ABC News, nhiều người coi thường quy định của ngành hàng không, ngay cả với việc đơn giản là thắt dây an toàn khi máy bay cất cánh hay chỉ tháo dây an toàn khi cảnh báo được tắt khi hạ cánh.

Với trường hợp máy bay gặp sự cố khẩn cấp, nhiều người sẽ rơi vào trạng thái sốc và phản ứng tự nhiên là tìm kiếm túi xách trước khi thoát hiểm.

Tuy nhiên, theo ông Trevor Jensen: “Trường hợp tương tự hành khách nên tuân theo các nguyên tắc an toàn của ngành hàng không và nhanh chóng ra khỏi máy bay. Hộ chiếu và tiền bạc luôn luôn có thể kiếm lại nhưng cuộc sống thì không thể. Đây là bài học đơn giản của cuộc sống”.

Còn Leslie Mayo, Điều phối viên truyền thông của Hiệp hội Viên chức Hàng không của Mỹ (APFA) nói với tờ Wall Street Journal: "Bạn chỉ có 90 giây hoặc ít hơn để di tản. Nếu mọi người cứ lo lắng về hành lý thay vì lo cho những người đứng sau thì đây quả là một vấn đề lớn''.

Chính vì vậy, các hãng hàng không luôn phải hướng dẫn hành khách thoát hiểm trong vòng 90 giây khi gặp trường hợp khẩn cấp; hành lý cồng kềnh hoặc bất cứ thứ gì trong tay có thể gây trở ngại cho việc tìm lối ra thì nên bỏ ngay.

Việc cố tình tìm kiếm hành lý còn gây cản trở người khác thoát hiểm và dễ dẫn đến tình trạng hỗn loạn, mất kiểm soát, nhất là thời điểm sống còn khi tai nạn xảy ra.

Điều quan trọng nhất là ý thức của mọi người về vấn đề thoát hiểm và nên nhớ, trong các trường hợp gặp tai nạn máy bay, nhiều điều có thể giúp bạn có tăng cơ hội sống sót nhưng hành lý không phải là một trong những điều này.