Điều chỉnh chính sách ưu tiên: Cần lắng nghe ý kiến xã hội

(VOH) - Cứ mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện về cộng điểm ưu tiên lại nóng trở lại và gây bức xúc dư luận.

Đặc biệt, trong năm nay, dư luận càng bức xúc hơn khi nhiều thí sinh mặc dù có điểm thi rất cao nhưng vẫn rớt đại học vì không cạnh tranh nổi với thí sinh có số điểm thấp hơn, nhưng lại được cộng điểm ưu tiên với mức tối đa đến 3,5 điểm.

Chính sách ưu tiên khu vực và đối tượng cần phải điều chỉnh như thế nào để tạo sự công bằng hợp lý hơn cho các đối tượng giáo dục tiếp tục được bàn ở mùa tuyển sinh năm nay.

Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) phỏng vấn Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về vấn đề này.

* VOH: Thưa ông, với mức điểm ưu tiên tối đa 3,5 điểm được áp dụng trong kỳ tuyển sinh những năm qua, nhất là trong kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có ảnh hưởng đến việc xét tuyển đại học như thế nào?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh là việc mà Bộ đã làm từ rất nhiều năm nay. Việc này cụ thể hoá các chính sách của Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành phố.

Trong quá trình làm quy chế tuyển sinh, đặc biệt là từ khi tổ chức kỳ thi hai mục đích, Bộ cũng đã bàn lại việc chúng ta điều chỉnh lại điểm cộng ưu tiên sao cho phù hợp. Bởi vì, trước đây khi tổ chức kỳ thi đại học riêng, dải điểm xét tuyển rộng từ 0 đến 30 điểm.

Khi tổ chức kỳ thi 2 mục đích, khoảng 60% thuộc kiến thức cơ bản, 40% thuộc kiến thức nâng cao để phân hoá. Như vậy, phần dải điểm để phân loại thí sinh bị thu hẹp lại. Vì vậy, nếu giữ nguyên mức điểm ưu tiên thì thí sinh được cộng điểm ưu tiên có lợi hơn so với trước.

Tuy nhiên, khi Bộ đưa ra thảo luận để điểu chỉnh lại mức điểm ưu tiên thì khi đó có rất nhiều ý kiến khác nhau nên Bộ chưa điều chỉnh được.

Cho nên, tới giờ phút này, điểm ưu tiên theo đối tượng không có thay đổi gì nhiều so với thời tổ chức thi ba chung. Còn ưu tiên theo khu vực đã có nhiều thay đổi, đối với những xã trước đây thuộc diện nghèo nay được chăm lo tốt, nay không còn được ưu tiên khu vực 1 nữa nên nhiều thí sinh cũng đã giảm điểm ưu tiên diện này.

* VOH: Có ý kiến cho rằng đối với một số ngành đặc thù như công an, quân đội, y dược chỉ nên tuyển đầu vào bằng chính thực lực của thí sinh, nghĩa là không áp dụng cộng điểm ưu tiên, Thứ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Cộng điểm ưu tiên là áp dụng cho tất cả các ngành bình đẳng như nhau nên không có chuyện ngành này cộng, ngành kia không cộng. Bởi vì đây là chính sách xã hội nhân văn của Đảng và Nhà nước.

* VOH: Trước những bất cập trong việc cộng điểm ưu tiên ở đợt xét tuyển vừa qua, theo ông chính sách ưu tiên khu vực và đối tượng nên duy trì như thế nào để đảm bảo công bằng?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Kết thúc đợt tuyển sinh năm nay, Bộ sẽ phân tích kết quả, đánh giá lại toàn bộ quá trình tổ chức và kết quả mà chúng ta đạt được.

Việc điều chỉnh điểm cộng ưu tiên nếu có sẽ được thực hiện một cách khoa học, bài bản để chúng ta thống kê lại số thí sinh được cộng điểm ưu tiên trúng tuyển đại học so với các em không được cộng điểm ưu tiên.

Mức điểm cộng như vậy có phù hợp hay chưa; đánh giá tác động đối với những đối tượng được hưởng điểm ưu tiên trước đây so với khi chúng ta thay đổi điểm ưu tiên. Mặt khác, việc cộng điểm ưu tiên là chính sách xã hội, nên chúng ta cần tham gia ý kiến rộng rãi trong xã hội để lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành liên quan như: Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội, Uỷ ban Dân tộc của Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội…

Nói chung, chúng ta phải nghiên cứu rất bài bản trước khi đưa ra sự thay đổi trong cộng điểm ưu tiên và phải được sự đồng thuận của xã hội.

* VOH: Đợt 1 xét tuyển vào đại học đã kết thúc. Ông có lưu ý gì dành cho thí sinh trong đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung sắp tới?

- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Sau khi kết thúc đợt 1 này vào ngày 07/08, các trường sẽ thống kê số lượng thí sinh xác nhận nhập học vào trường mình, cập nhật lên hệ thống chung cho đến ngày 12/08.

Từ ngày 13/08 trở đi các trường sẽ xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Ở đợt này, các trường chủ động hoàn toàn.

Vì vậy, thí sinh theo dõi thông tin trên các trang thông tin điện tử các trường để quy định cụ thể: điểm nhận hồ sơ, điều kiện nhận hồ sơ, điều kiện xét tuyển, thời gian công bố kết quả…

Tất cả thí sinh chưa nộp giấy báo kết quả thi để xác nhận nhập học ở đợt 1 đều có thể tham gia xét tuyển đợt này. Thống kê, vẫn còn 150 trường đại học chưa đủ chỉ tiêu trong đợt 1 sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

* VOH: Cám ơn ông!