Hà Nội nắng 40 độ C, làm sao để chống nắng cho xe hơi?

(VOH) - Nhiều tài xế vô cùng đau đầu khi đậu xe ngoài trời - dưới cái nóng gay gắt nhất từ đầu mùa hè với nền nhiệt buổi trưa lên tới 40 độ C.

Hà Nội đang bước vào những ngày nắng nóng nhất từ đầu mùa hè. Những người đi xe hơi, đây quả là nỗi lo lắng không hề nhỏ khi chỗ đậu xe quá hạn chế và nhiều người phải đậu xe ở ngoài trời vào buổi trưa.

>>> Dự báo thời tiết hôm nay 2/7: Nắng nóng nhất mùa, nhiệt độ 39-40 độ C từ miền Bắc vào miền Trung

>>> Dự báo thời tiết 3 ngày tới 3/7 - 5/7: Bắc và Trung Bộ cao điểm nóng, Nam Bộ nắng nhẹ, mưa chiều

“Phơi xe” dưới nắng nguy hiểm ra sao?

Khi để xe ngoài trời nắng nóng quá lâu, nhiệt độ trong xe sẽ tăng cao khiến cao su, nhựa vinyl… của các nội thất (da thuộc, bọt biển lót ghế…) trên xe hóa hơi. Những chất này không gây độc ngay lập tức mà có thể gây hại khi tiếp xúc thời gian dài.

Khi để xe dưới nắng, các thiết bị điện trong xe cũng có thể bị ảnh hưởng ít nhiều và dẽ hỏng hóc. Các vật dụng khác (bình cứu hỏa, bật lửa, vỏ xe) tăng nhiệt dẫn đến nguy cơ cháy nổ.

kỹ năng lái xe, chống nắng, nắng nóng

Một loại ô dành riêng để che nắng cho xe ô tô (Ảnh: odditymall).

Hiệu ứng nhà kính có thể khiến nhiệt độ trong xe tăng lên đến 40 hay 50 độ C chỉ trong khoảng 10-20 phút, tùy thuộc vào nhiệt độ môi trường. Do đó, để đảm bảo sức khỏe, khi đi xe hơi dưới trời nắng nóng có thể dẫn đến bị sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, có thể ngất xỉu hoặc đột quỵ.

Đặc biệt với những người có tiền sử bệnh cao huyết áp, cần chú ý đến sốc nhiệt vì có thể gây co thắt mạch máu não...

Chuyên gia Võ Chiêu Cường chia sẻ, nếu để xe lâu dưới trời nắng nóng, tài xế/người đi xe nên mở cửa xe khoảng 1-3 phút để khí nóng trong xe thoát ra ngoài hết trước khi bước vô xe. Khi đi xe nên để hở kính cửa để thoát nhiệt, cân bằng nhiệt độ trong và ngoài xe để tránh hiệu ứng xấu cho sức khỏe.

Khi bắt buộc phải vào ngồi trong xe lúc nóng, tài xế nên hạ kết kính, lái xe vài chục mét để lùa khí nóng ra ngoài, sau đó mới bật điều hòa. Cách này giúp xe mát nhanh, bảo vệ điều hòa, đồng thời cũng tiết kiệm nhiên liệu.

Cách chống nắng cho xe hơi

Để tránh những tác động xấu đến xe và sức khỏe người đi xe hơi trong những ngày nắng nóng gay gắt, tài xế nên chú ý hơn đến vị trí đậu xe và chống nắng cho xe bằng một số cách dưới đây.

* Đậu xe dưới bóng râm

Đậu xe dưới bóng râm, bãi đậu xe có mái che, hầm để chiếc xe không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nắng nóng.

Nếu đỗ xe dưới hầm hoặc bãi xe có mái che, các bác tài nên mở hé cửa, để một khe hở nhỏ để không khí bên trong và bên ngoài xe cân bằng, tránh tình trạng chênh lệch nhiệt độ quá nhiều.

* Phủ bạt tráng nhôm

Theo chuyên gia Võ Chiêu Cường, nếu buộc phải đậu xe dưới trời nắng, tài xế nên che chắn xe bằng những tấm phản quang để tránh bức xạ nhiệt - gây lão hóa những vật dụng bằng nhựa, da trong xe và tạo ra khí độc gây hại cho sức khỏe.

Nên chọn mua những tấm phản quang màu bạc để che chắn táp lô (dash board) ở kính trước hoặc dùng bạt phủ có tráng bạc phản quang là tốt nhất.

Trên thị trường, các loại bạt phản quang che tốt nhất là loại tráng bạc/nhôm, có giá từ trên 1 triệu đồng. Các loại bạt che dạng vải pha ni lon có giá mềm hơn từ 550.000 - 700.000 đồng nhưng chỉ có tác dụng ngăn ngừa bụi bẩn và không có khả năng chống nắng, nóng cho xe.

kỹ năng lái xe, chống nắng, nắng nóng

Nên phủ bạt tráng nhôm hoặc bạt phản quang để chống nắng, nóng cho xe (Ảnh: Coming Soon Cars).

Nếu không phủ bạt tráng nhôm thì nên dùng tấm che nắng phản quang dính vào kính chắn gió để ngăn ánh nắng rọi trực tiếp vào nội thất.

* Dán phim cách nhiệt

Phim cách nhiệt là cách ngăn nhiệt tốt nhưng ít tác dụng khi để xe quá lâu dưới trời nắng. Phim chống nóng của các hãng uy tín có thể loại trừ tới 60% năng lượng mặt trời xuyên qua kính. Khoảng 40% lượng nhiệt xuyên qua kính sẽ làm không gian trong xe nóng lên, tuy nhiên khi có phim cách nhiệt, quá trình tăng nhiệt sẽ chậm hơn so với trường hợp xe chưa dán.

Khi dán phim cách nhiệt cần nhớ dán loại tốt nhất, phim càng trong, sáng màu, tỷ lệ truyền sáng càng cao trên 70%, độ phản gương thấp dưới 15%.

Nếu không thể dán toàn xe, các tài xế nên ưu tiên dán kính lái. Sau đó, tùy khả năng kinh tế có thể dán kính sườn, với kính sau có thể dán phim tối màu hoặc loại phim có giá thấp hơn.

>>> Chống nóng cho xe hơi vào mùa hè

>>> 20 mẹo giảm nóng, tăng mát không hao điện

Bình luận