Hàng loạt 'ông lớn công nghệ' đồng loạt 'cấm vận' Huawei

(VOH) - Google, Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom đều sẽ tuân theo lệnh của chính phủ Mỹ và ngừng cung cấp linh kiện, công nghệ cho Huawei.

Sắc lệnh được ký tuần trước nhằm mục đích cấm cửa các công ty gây nguy hại đến an ninh quốc gia bán sản phẩm vào Mỹ, cũng như cấm các công ty Mỹ bán công nghệ cho họ.

Google là công ty đầu tiên đưa ra phản hồi về sắc lệnh này.  Theo nguồn tin thân cận của Reuters, Google đã đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Theo đó, Huawei sẽ không được tiếp cận các bản cập nhật Android trong tương lai, cũng như không được sử dụng các dịch vụ, ứng dụng của Google.

Điều đó có nghĩa là Huawei sẽ không được sử dụng hệ điều hành Android cùng những thiết bị phần cứng, bản quyền công nghệ do các công ty Mỹ sở hữu.

Huawei đang đứng trước thời điểm cực kỳ khó khăn bởi ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Ảnh: AP.

Theo Bloomberg cho biết, tiếp sau Google, các công ty sản xuất chip bao gồm Intel, Qualcomm, Xilinx và Broadcom cũng đã ra thông báo nội bộ rằng họ sẽ tạm thời không bán linh kiện cho Huawei.

Đây là động thái đã được dự báo từ trước, và nó sẽ khiến cho Huawei phải khốn đốn. Công ty Trung Quốc này là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, và nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2.

Việc tuân theo lệnh của chính phủ và ngừng hợp tác với Huawei cũng ảnh hưởng không nhỏ tới các công ty Mỹ cũng như quá trình phát triển mạng 5G trên toàn thế giới.

Intel hiện là nhà cung cấp chip lớn nhất cho các máy chủ của Huawei. Qualcomm bán cho công ty Trung Quốc các bộ xử lý và modem trên nhiều mẫu smartphone. Xilinx cung cấp chip lập trình sử dụng trong thiết bị viễn thông, còn Broadcom cung cấp chip chuyển mạch, một linh kiện rất quan trọng.

“Huawei phụ thuộc rất nhiều vào các linh kiện bán dẫn của Mỹ và chắc chắn sẽ gặp khó khi không có các linh kiện này. Lệnh cấm của Mỹ sẽ khiến việc triển khai mạng 5G của Trung Quốc bị chậm lại cho tới khi hết bị cấm, đồng thời ảnh hưởng tới nhiều nhà cung cấp trên toàn thế giới”, ông Ryan Koontz, nhà phân tích tại Rosenblatt Securities nói với Bloomberg.

Trước đó, Huawei cho biết họ đã mua đủ số chip và các linh kiện quan trọng để duy trì hoạt động ít nhất 3 tháng. Các nguồn tin cho biết Huawei đã chuẩn bị cho một lệnh cấm từ giữa năm 2018, cùng lúc đó đẩy mạnh phát triển và thiết kế chip của riêng mình.

Nhà sáng lập Nhậm Chính Phi của Huawei mới đây cho biết công ty này đã chuẩn bị sẵn cho viễn cảnh bị các hãng công nghệ Mỹ quay lưng. Ảnh: Kyodo.

Những lãnh đạo của Huawei tin rằng công ty này giữ vị trí rất quan trọng trong quá trình đàm phán thương mại Mỹ - Trung, và họ sẽ tiếp tục hợp tác với công ty Mỹ nếu như đàm phán thành công.

Ngoài mảng viễn thông, mảng di động đang phát triển rất nhanh của Huawei cũng nhận cú đánh rất mạnh. Việc bị Google rút giấy phép khiến cho Huawei chỉ có thể sử dụng bản Android mã nguồn mở. Họ sẽ không được sử dụng những dịch vụ Google như tìm kiếm, bản đồ, Gmail… Điều đó sẽ khiến smartphone Huawei khó bán được ở thị trường quốc tế.

Động thái mới của các công ty Mỹ có thể làm gia tăng căng thẳng, thậm chí tạo nên một cuộc “chiến tranh lạnh” giữa 2 siêu cường.

Ngoài sức ép đối với các công ty trong nước, chính phủ Mỹ đã liên tục hối thúc các nước đồng minh không sử dụng linh kiện 5G của Huawei trong các mạng viễn thông.

“Khả năng tệ nhất là mảng kinh doanh thiết bị viễn thông của Huawei sẽ bị bóp nghẹt, kéo Trung Quốc trì trệ nhiều năm, và đây có thể coi là động thái chiến tranh với Trung Quốc. Điều này cũng sẽ khiến ngành viễn thông toàn cầu bị ảnh hưởng”, ông Koontz nhận định.

Những smartphone tương lai của Huawei có thể sẽ phải sử dụng phiên bản Android "nội địa", không có dịch vụ Google. Ảnh: The Verge.