Học sinh tăng quá nhanh, trường lớp theo không theo kịp!

(VOH) - Sáng 30/5, Ban Văn hoá- Xã hội, Hội đồng nhân dân thành phố đã có buổi làm việc về tình hình triển khai tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Huyện Bình Chánh nằm ở vị trí cửa ngõ phía nam thành phố, có địa bàn rộng, tập trung nhiều khu công nghiệp, nên thu hút lượng dân nhập cư lớn. Trung bình tăng 20.000 dân/năm, kéo theo số học sinh tăng mỗi năm khoảng 8.500 em, trong đó tăng cơ học 4.000 em. 

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội HĐND TPHCM phát biểu tại buổi làm việc.

Hiện trên địa bàn huyện vẫn còn tồn tại nhiều điểm trường lẻ. Trong năm học 2016-2017, huyện đưa vào sử dụng 15 công trình với hơn 250 phòng học. Ngoài ra, có 8 công trình hiện đang thi công dự kiến đưa vào sử dụng trong năm học 2017-2018. Mặc dù vậy, cục bộ tại một số xã có tốc độ tăng dân cao, nhất là Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và Tân Kiên, tình trạng cơ sở vật chất trường lớp vẫn còn khá chật vật. 

Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh thông tin: "Năm học 2017-2018 sắp tới sẽ đưa vào 5 trường mầm non mới ở khu công nghiệp Lê Minh Xuân. Hàng năm số trường cũng tăng mà vẫn không đáp ứng được chỗ học cho các cháu do học sinh tăng quá nhanh. Đề nghị các sở, ngành thành phố ưu tiên cho Bình Chánh để bố trí vốn xây dựng các công trình trọng điểm cấp bách cũng như các công trình trường học ở xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng, Tân Kiên. Hiện nay tại các xã này dân thì đông  nhưng công trình thì chậm".

Cùng với sự gia tăng dân số, nâng số phòng học trên địa bàn huyện, nhu cầu giáo viên cũng tăng theo. Năm học vừa qua, toàn huyện cần tuyển 414 giáo viên nhưng chỉ tuyển được khoảng 1/2 nhu cầu. Số giáo viên thiếu nhiều ở các môn nhạc, hoạ, tin học, tiếng Anh và thiếu ở những xã vùng sâu như Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai... Do theo quy định, giáo viên được lựa chọn nguyện vọng ứng tuyển nên phần lớn chọn vào những trường lớn, gần trung tâm. Từ đó dẫn đến thực trạng, các trường xa càng ngày càng thiếu giáo viên, trong khi đó, nhiều ứng viên giỏi nhưng không trúng tuyển do dự tuyển vào trường có tỷ lệ chọi cao. 

Để khắc phục tình trạng này, UBND huyện Bình Chánh định hướng khuyến khích con em địa phương học tập và quay trở lại phục vụ trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện đề xuất thành phố xem xét chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội cho giáo viên công tác tại các xã vùng sâu vùng xa, đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện quy trình tuyển dụng giáo viên. 

Về định hướng phát triển giáo dục huyện Bình Chánh, bà Phan Thị Cẩm Nhung, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết thêm trước đây hướng đến làm sao các em có điểm học, nhưng hiện nay thì hướng đến chất lượng, cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng dạy. Do đó, UBND huyện giao phòng GD&ĐT, phòng Quản lý đô thi và Ban quản lý đầu tư công trình rà soát lại công tác quy hoạch và các dự án trường sắp triển khai trên địa bàn huyện từ nay đến 2020. Những trường nào, vị trí nào chưa đảm bảo thì sẽ tìm vị trí khác thích hợp hơn.

Bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hoá-Xã hội đánh giá cao những nỗ lực của huyện Bình Chánh trong thời gian. Đồng thời, yêu cầu huyện Bình Chánh và các sở, ngành quan tâm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án giáo dục tại địa bàn 4 xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Bình Hưng và Tân Kiên.