Theo Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM, năm học 2018-2019, thành phố có hơn 87.000 học sinh đăng ký thi vào lớp 10.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 103 trường THPT công lập là 67.000 nên sau kỳ thi vào lớp 10 – diễn ra hồi đầu tháng 6 – sẽ có khoảng hơn 20.000 thí sinh không trúng tuyển. Những em học sinh này có một số lựa chọn khác là chuyển sang học trường quốc tế, trường ngoài công lập hoặc trường giáo dục thường xuyên, trường nghề.
Học sinh trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, TP HCM (Ảnh: Zing)
Trường ngoài công lập
Không ít phụ huynh băn khoăn khi phải cho con học trường ngoài công lập vì những định kiến trước giờ như trường ngoài công lập là trường của “nhà giàu”, trường của “học sinh học dở”… Tuy nhiên, với sự phát triển và cạnh tranh khốc liệt trong giáo dục như hiện nay thì việc học tại các trường ngoài công lập (dân lập) cũng có khá nhiều ưu điểm hay nói đúng ra là lợi thế!
>>> Học phí các trường tư thục ở TPHCM, cao nhất hơn 48 triệu đồng/tháng
* Cơ sở vật chất tốt
Nếu so sánh về chi phí học tập thì tại các trường dân lập, chi phí thường cao hơn gấp đôi, gấp ba so với trường công lập. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng, cơ sở vật chất tại các trường dân lập được đầu tư tốt, từ các phòng chức năng tới… nhà vệ sinh. Đó là chưa kể tới việc sỹ số lớp khá ít (20-30 học sinh/lớp tùy trường) và không có tình trạng nhồi nhét, quá tải.
Ngoài cơ sở vật chất hiện đại, một số trường dân lập còn hướng tới mô hình giáo dục “nội trú” (boarding school) – thu hút cả các học sinh ngoại tỉnh theo học.
* Tăng cường giáo dục kĩ năng, hoạt động ngoại khóa
Các hoạt động ngoại khóa, chương trình giáo dục kĩ năng cho học sinh tại các trường dân lập hiện nay được đánh giá là được đẩy mạnh hơn so với trường công lập.
Tại các trường dân lập, các học sinh không chỉ được học kiến thức trong sách giáo khoa mà còn có rất nhiều chương trình đào tạo để phát triển bản thân một cách toàn diện. Thay vì cạnh tranh về “điểm số” và “thành tích” thì hầu hết các trường dân lập đều chuyển sang hướng phát triển toàn diện kỹ năng mềm và ngoại ngữ cho học sinh.
Một tiết học của học sinh trường Đinh Thiện Lý (Q.7)
Chẳng hạn, Trường Đinh Thiện Lý (Q.7, TPHCM), ngoài việc giảng dạy chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường còn xây dựng chương trình giáo dục theo hướng mở rộng, nâng cao kiến thức học thuật; đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng (tiếng Anh, nghiên cứu khoa học) và tăng cường giáo dục phẩm chất cho học sinh (Kỹ năng sinh tồn, Kỹ năng hoạt động nhóm, Giáo dục giới tính, nhận biết giới tính và các vấn đề tình cảm/cảm xúc trong Nhà trường, Kỹ năng thích nghi…).
Trong khi đó, tại trường THCS, THPT An Đông (Q.5, TPHCM) ngoài chương trình chính khóa, hàng năm trường còn liên kết với một số trường ở các nước có nền giáo dục phát triển như Singapore, Anh quốc, Australia… để tổ chức liên hoan trại hè cho học sinh tham quan hội nhập, du học có học bổng…; Tổ chức Câu lạc bộ năng khiếu cho học sinh (Văn hóa, nghệ thuật, thể thao…)...
Trong lịch học dày đặc tại các trường công lập, học sinh sẽ khó có được tham gia các chương trình thú vị như thế này.
Trường quốc tế
Trường quốc tế cũng là một dạng trường tư thục nhưng đặc biệt hơn là trường có nhiều giáo viên nước ngoài tham gia giảng dạy, giảng dạy bằng tiếng Anh.
Với mong muốn con được học trong ngôi trường vượt trội về cơ sở vật chất, môi trường giáo dục hiện đại và cơ hội tăng cường kỹ năng tiếng Anh, nhiều bậc phụ huynh sẵn sàng bỏ ra số tiền tương đương với cả gia tài cho con học trường quốc tế.
Những phụ huynh từng cho con học trường quốc tế nhận định rằng, khi học trường quốc tế khả năng Anh ngữ của học sinh phát triển khá nhanh, kiến thức đa dạng, học sinh tự tin nhạy bén, khả năng độc lập và hiểu biết các kỹ năng sống cần thiết.
Học sinh trường quốc tế thường chủ động săn tìm và tìm được học bổng của các trường đại học uy tín tại nước ngoài, nếu không, các em cũng sẵn sàng cho việc chọn học tại các trường đại học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh tại Việt Nam.
Học trường quốc tế có khá nhiều ưu điểm nhưng 2 nhược điểm cần chú ý là học phí và môi trường học. Trong trường hợp phụ huynh có khả năng kinh tế vững vàng thì mới nên cho con học tại trường quốc tế (có những trường học phí nên tới gần 50 triệu đồng/tháng) bởi đa phần học sinh học tại các trường quốc tế có xu hướng sẽ đi du học. Ngoài việc chi khá nhiều tiền cho con học phổ thông, cha mẹ còn có thể phải “đầu tư” chi phí khá lớn cho kế hoạch học tập bậc đại học của con trẻ sau này.
Nếu xét thấy không có khả năng kinh tế lâu dài, cha mẹ cần cân nhắc có nên cho con học trường quốc tế hay không vì nếu "sa cơ" và không tiếp tục chi trả được học phí, con cái có thể phải chuyển qua học trường dân lập, trường thường – lúc này trẻ rất khó bắt kịp chương trình học vì môi trường dạy học và phương thức dạy của trường quốc tế khá khác biệt so với các nhóm trường còn lại.
Trường Giáo dục thường xuyên, trường nghề
Nếu phụ huynh không có khả năng cho con học trường dân lập hay quốc tế, hoặc con trẻ có mong muốn học nghề để đi làm thì một lựa chọn khá hay đó là cho con học tại các trường Giáo dục thường xuyên, trường nghề.
Hệ giáo dục thường xuyên còn được gọi là Bổ túc văn hóa. Nhiều người vẫn cho rằng chất lượng giáo dục của Trung tâm giáo dục thường xuyên không tốt, không thể bằng các trường công lập, tệ hơn có người cho rằng hệ giáo dục này “tập trung” các thành phần cá biệt, quậy phá, lười học… Tuy nhiên, nhìn nhận như vậy chưa hẳn đúng vì không ít những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, gia đình khó khăn, phải đi làm từ khi còn ít tuổi… hiện cũng theo học hệ này.
Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 10 trong giờ học văn hóa (Ảnh: NLĐO)
Hiện nay, chất lượng giáo dục của các Trung tâm giáo dục thường xuyên đang được cải thiện và chương trình học cũng có nhiều ưu điểm.
Hệ Giáo dục thường xuyên dạy số môn học ít hơn (không học các môn thể dục, giáo dục quốc phòng) so với trường phổ thông công lập nên học sinh có nhiều thời gian hơn để tập trung học các môn cơ bản, tạo nền tảng tốt cho kì thi tốt nghiệp và thi tuyển vào đại học.
Ngoài ra, thời gian học của các chương trình Giáo dục thường xuyên cũng ngắn hơn so với các hệ khác, thời gian học linh động (có trường dạy cả buổi tối) nên học sinh có thể có nhiều thời gian để làm thêm hay học nghề…Đó là chưa kể tới việc, một số trung tâm giáo dục thường xuyên chủ động liên kết với trường nghề để vừa dạy văn hóa, vừa dạy nghề nên khi tốt nghiệp, các em học sinh có thể đi làm ngay.
Từ năm 2015, bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông của loại hình giáo dục thường xuyên được điều chỉnh giống như bằng tốt nghiệp THPT công lập, không xếp hạng hay loại hình tốt nghiệp trên bằng tốt nghiệp. Do đó, khoảng cách của Giáo dục thường xuyên và giáo dục phổ thông công lập đã được kéo gần.
Hệ đào tạo phổ thông nào cũng có ưu nhược điểm nhất định, do đó, nếu trượt trung học công lập, các em học sinh vẫn có nhiều lựa chọn để tiếp tục học và phát triển sự nghiệp của mình – với điều kiện các em chọn đúng trường, phù hợp hoàn cảnh và nỗ lực hết mình.