Ông Nguyễn Xuân An Việt, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD-ĐT cho rằng, với số lượng gần 6 triệu học sinh, sinh viên từ bậc đại học đến trung học phổ thông, chúng ta không thể đòi hỏi học sinh nào cũng có dự án khởi nghiệp.
Mục đích chính của giáo dục chính là giúp học sinh, sinh viên có tinh thần đổi mới sáng tạo trên mọi lĩnh vực từ xã hội đến khoa học công nghệ, thúc đẩy các em trở thành chuyên gia, nhà sáng tạo giỏi qua các ngành nghề, lĩnh vực mà các em đang học. Hình thành cho học sinh, sinh viên văn hoá cũng như cách giải quyết khủng hoảng sau thất bại, có tinh thần doanh nhân, vì cộng đồng, dám nghĩ, dám làm vì cộng đồng.
Chính vì vậy, năm 2018 Bộ GD-ĐT và Hội đồng Anh đã ký kết chương trình phối hợp nhằm thúc đẩy tinh thần sáng tạo xã hội và phát triển doanh nghiệp xã trong cộng đồng các trường đại học (ĐH) Việt Nam. Mục đích là trang bị tinh thần doanh nhân xã hội cũng là một hành trang để sinh viên có thể nắm bắt được các cơ hội trong tương lai, có được việc làm tốt hơn, đặc biệt với các em có mong muốn tự khởi nghiệp.
Các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo
Với một năm thực hiện, chương trình phối hợp này đã triển khai được nhiều hoạt động hỗ trợ cho các trường ĐH tại Việt Nam. Từ việc hỗ trợ đào tạo 200 cán bộ hỗ trợ khởi nghiệp, chương trình còn tổ chức các hội thảo liên quan đến đổi mới sáng tạo trong các trường đại học và hoạt động trao đổi kinh nghiệm giữa các trường đại học ở Việt Nam và những trường đại học hàng đầu của Anh.