Chương trình nhằm đẩy mạnh hoạt động giáo dục kỹ năng cho học sinh theo định hướng phát triển toàn diện phẩm chất năng lực.
Đến với ngày hội học sinh sẽ được sắp xếp để tham gia lần lượt các trạm rèn luyện tương ứng với 4 nhóm kỹ năng: phòng chống xâm hại, phòng chống đuối nước, sống đẹp sống văn minh và sử dụng internet an toàn. Sau khi hoàn thành mỗi trạm rèn luyện học sinh sẽ được cấp chứng chỉ hoặc sticker. Những em thu thập được đủ chứng chỉ hoặc sticker sẽ được nhận phần thưởng vào cuối buổi.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, Quận Tân Bình tham gia tiết học về kỹ năng phòng chống đuối nước.
Để chương trình đạt chất lượng và hiệu cao nhất, giáo viên các trường đã được tham gia khoá tập huấn với các đơn vị giáo dục kỹ năng chuyên nghiệp.
Bà Tô Thuỵ Diễm Quyên, chuyên gia Giáo dục toàn cầu Microsoft, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn và Phát triển giáo dục InnEdu, đơn vị phối hợp tập huấn kỹ năng sử dụng internet an toàn, cho biết: "Sau khi được tập huấn, các thầy cô có nhiều kiến thức hình thành kỹ năng cho chính mình. Sau đó, các thầy cô sẽ dạy cho các em về các kỹ năng này trong suốt cả năm học, chứ không chỉ triển khai trong ngày hội này.
Ngày hội chỉ tác động các em ở mặt biết và hiểu để các em hình thành hành vi, sau đó trở thành thói quen. Để các em có thể bảo vệ chính mình và giúp đỡ hỗ trợ người khác, cần phải là một hành trình được giáo dục, trải nghiệm nhiều chứ không chỉ qua một ngày hội".
Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai chương trình qua 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn đầu, từ đây đến cuối năm học, chương trình tổ chức tại 10 trường tiểu học ở các quận vùng ven, ngoại thành, với khoảng 15.000 học sinh tham gia. Giai đoạn 2, từ năm học 2019-2020, sẽ triển khai rộng rãi trên toàn thành phố.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền, Quận Tân Bình học cách làm việc nhóm thông qua giải quyết vấn đề được yêu cầu.
Ông Trần Nguyên Thục, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo, khẳng định trong bối cảnh hiện nay, việc trang bị cho học sinh các kỹ năng là vô cùng cần thiết.
"Làm sao vừa chơi vừa học, đồng thời tăng tính thực tiễn thực hành nhiều hơn, đặc biệt tương tác các cháu càng nhiều càng tốt. Đưa ra nhiều tình huống cụ thể, xử lý tình huống cụ thể thì các cháu nhận thức vấn đề dễ dàng hơn rất nhiều. Tiết học nhẹ nhàng nhưng các cháu cảm nhận được rất nhiều tình huống các thầy cô đưa ra, trong đời sống hàng ngày" - ông Trần Nguyên Thục nói.
Nguồn kinh phí tổ chức chương trình cho Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện từ nguồn xã hội hoá.