Năm nay xuất hiện thời tiết cực đoan dị thường

(VOH) - Trước tình trạng sạt lở bờ sông nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh An Giang và những tác động lớn đến toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 vào chiều 3/7, ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang kiến nghị Chính phủ kịp thời chỉ đạo hỗ trợ 107 hộ bị sạt lở ở Mỹ Hòa Đông, Chợ Mới tỉnh An Giang.

Theo ông Thạnh, tỉnh An Giang đã chi kinh phí khắc phục để đầu tư khu tái định cư cho các hộ này khoảng 4,8 hecta. Tỉnh cũng đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn san lấp hố xoáy bước đầu với kinh phí kiến nghị chi khắc phục khoảng 123 tỷ đồng:

“Chúng tôi đã làm việc với Bộ Nông nghiệp, Bộ Tài chính, chúng ta thực hiện trước mắt 70 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ quyết định sớm. Hiện giờ An Giang lấy quỹ dự phòng ra làm 40-50 tỷ.

Giai đoạn tới, nếu không triển khai thì các hộ bị ảnh hưởng. Không xử lý bờ kè bước đầu thì sẽ lở luôn trường học khoảng 600 em, 10 phòng. Do đó, đề nghị Chính phủ quyết vấn đề này cho sớm”- ông Thạnh cho biết.

Phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6/2017 (Ảnh: Quang Hiếu/VGP)

Đánh giá tác động nghiêm trọng này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận: Năm nay, nước là yếu tố đầu tiên để tổ chức sản xuất. Hiện 3 khu vực: Bắc, Trung, Nam đều cơ bản đủ nước. Việt Nam năm nay cũng không có cực đoan hạn và mặn như năm vừa qua. Tuy nhiên, năm nay lại xuất hiện hình thái cực đoan dị thường về thời tiết mà từ xưa đến nay chưa từng xảy ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nổi lên đó là hiện tượng lệch đông của yếu tố gió mùa Đông Bắc và kéo dài. Chính yếu tố này làm cho mưa phùn, mưa liên tục, mưa trái mùa suốt và tác động lớn đến toàn bộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và vùng Tây Nguyên của Việt Nam, tác động trực tiếp đến toàn bộ cây công nghiệp, nhất là hai loại cây: điều và cà phê ra hoa từ tháng 2 đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Cường cảnh báo: “Tác động sạt lở với tốc độ rất nhanh của bờ biển đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra bất bình thường. Các địa phương cần rà soát lại năng lực ứng phó theo hướng lường trước để thích ứng. Năm nay, theo đăng ký của các tỉnh là 850.000 hecta tăng 15.000 so với năm ngoái. Theo dự báo của nhà khí tượng, năm nay, mưa sẽ về sớm, lũ cao hơn 2 năm vừa rồi”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị rà soát lại toàn bộ cơ cấu, đảm bảo an toàn, có đê bao, hệ thống thì mới tổ chức làm kinh tế. Theo ông Cường, năm ngoái, An Giang có 33.000 hecta lúa nếp tiêu thụ rất tốt. Nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là phòng chống thiên tai. Nếu lũ về sớm thì một số vùng sẽ bị tổn thương nghiêm trọng.

Toàn bộ hệ thống hồ của Trung Bộ và Tây Nguyên cần rà soát lại trước khi vào mùa mưa bão. Một lưu ý nữa là toàn bộ Đồng bằng sông Hồng đang gieo vụ mùa thứ 2.

Rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay, các địa phương cần chủ động có các biện pháp sinh học để phòng chống lũ bằng cách cấy tăng mật độ lên để khi xảy ra cơn bão thì có thể tái phục hồi cấy nhanh, không để bị động thời vụ. Riêng khu vực miền núi phía Bắc, ông Cường cũng lưu ý hết sức quan tâm đến sạt lở.

Với Đồng bằng sông Cửu Long, việc sạt lở hai bờ sông lớn là sông Tiền và sông Hậu với 746 km ven biển rất nghiêm trọng: “Trước mắt, đề nghị 45 điểm sạt lở nghiêm trọng thì Bộ cũng đã tổng hợp báo cáo Chính phủ với tổng số 2.000 tỷ đồng.

Nhưng riêng ở đây có 5 điểm sạt lở rất nghiêm trọng bao gồm: Vàm Nao (An Giang), Cà Mau, Bạc Liêu, Gành Hào, Đồng Tháp, Thanh Bình, ven đường 30. Đặc biệt nghiêm trọng nữa là kè sạt lở đến chân thành phố Nam Định. Chi phí này 452 tỷ đồng, rất mong Thủ tướng Chính phủ quyết định sớm đảm bảo an toàn cho người dân tại những khu vực này. Vừa qua các tỉnh cũng bỏ ra ít kinh phí nhưng năng lực không đủ".