Nhớ về Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao – Nhà giáo, nhà khoa học tận tụy với đất nước

(VOH) - Trong ký ức của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo, Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao dù ở cương vị nhà khoa học hay nhà giáo dục, ông cũng đã cống hiến tận tụy cho đất nước.

Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp TPHCM (tiền thân Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn và Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM), Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TPHCM vừa qua đời ở tuổi 80. Trong ký ức của nhiều thế hệ cán bộ, lãnh đạo, Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao dù ở cương vị nhà khoa học hay nhà giáo dục, ông cũng đã cống hiến tận tụy cho đất nước.

Với Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TPHCM, Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao là người có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến ông. Từ khi còn là Bí thư Đoàn trường, ông Võ Văn Sen đã ấn tượng mạnh với người thầy Nguyễn Ngọc Giao khi ấy ở cương vị lãnh đạo, Giáo sư luôn trăn trở và lo lắng cho thế hệ trẻ. Phó Giáo sư Tiến sĩ Võ Văn Sen bày tỏ: "tôi học tập được ở thầy Giao rất nhiều. Thứ nhất, thầy Giao có cái nhìn đối với thế hệ trẻ rất tin tưởng, hết sức thông cảm. Thầy chia sẻ những băn khoăn, thắc mắc của người trẻ và tìm cách giúp đỡ họ. Tôi nhớ khi tôi bảo vệ luận án, đích thân thầy là hiệu trưởng mà vẫn đến dự suốt buổi. Trong bước đường công tác, có chuyện gì khó khăn thầy cũng hay tâm sự, thầy là người rất độ lượng. Đồng thời, thầy cũng là người hết sức am hiểu, quản lý tốt, chú ý đến việc đào tạo thế hệ trẻ. Có thể nói rằng, tôi được như ngày hôm nay chính là nhờ công lao rất lớn của thầy Nguyễn Ngọc Giao”

Cố Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao. Hình: TTO

Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao sinh năm 1939 tại Sài Gòn. Thời niên thiếu, ông học trường Trung học Pétrus Ký - nay là trường Lê Hồng Phong vào năm 1951-1954. Ông tập kết ra Bắc tháng 12/1954, hoàn thành chương trình Trung học phổ thông, trở thành sinh viên khoa Vật lý Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1958. Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM nhớ lại người bạn cũ: “Tôi với thầy Giao dù không làm việc chung với nhau, nhưng đều là học sinh miền Nam nên biết nhau. Giao là người làm việc nghiêm túc, công tâm. Ông sinh ở Sài Gòn nhưng gốc ở Bến Tre, Giao là một người tốt, nghiêm túc trong khoa học, đức độ, công tâm, tính tình rất Nam Bộ”

Giáo sư Trần Hồng Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhớ lại: “Tôi có thời gian làm việc rất lâu với anh Giao. Anh Giao được đắc cử Hiệu trưởng Đại học Tổng hợp TPHCM, sau khi thành lập Đại học Quốc gia TPHCM thì anh Giao được phân công là Phó Giám đốc. Giao là nhà khoa học hết sức tận tụy, một nhà giáo tốt, nên nhiều thế hệ học trò của thầy Nguyễn Ngọc Giao luôn nhớ đến ông. Đứng về mặt khoa học cũng như giáo dục, thầy Giao là người có uy tín. Khi hay thầy Giao mất, tôi hết sức bất ngờ và có nhiều cảm xúc”

Từ 1990, Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao là ủy viên thường vụ Hội Vật lý Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Vật lý, Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM. Là người có thời gian công tác, làm việc với Giáo sư Nguyễn Ngọc Giao ở cả hai cương vị: Liên hiệp Hội và Hội đồng khoa học của TP, ông Phan Minh Tân, Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP, hiện là Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM chia sẻ, Giáo sư Giao là người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Liên hiệp Hội, cũng như sự phát triển chung của Thành phố. “Trong thời gian thầy Giao làm Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật TPHCM ba nhiệm kỳ vừa qua, Liên hiệp Hội đã đạt nhiều thành tích. Có thể nói là một trong những Liên hiệp Hội mạnh nhất trong các địa phương trên cả nước. Với đội ngũ hơn 60.000 hội viên thuộc 48 hội thành viên, đã đóng góp rất nhiều trong các hoạt động kinh tế xã hội của Thành phố như chương trình chống ngập, giảm kẹt xe, chương trình đào tạo nguồn nhân lực…” - ông Phan Minh Tân nói.

Trong gần 50 năm, Nhà giáo nhân dân, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao đã có nhiều cống hiến trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và hoạt động xã hội. Các giáo trình do ông viết đã được nhiều sinh viên sử dụng trong học tập. Ngoài công tác giảng dạy và quản lý, ông còn dành nhiều công sức cho nghiên cứu khoa học và đào tạo đội ngũ kế cận. Ông đã công bố trên 40 công trình về lý thuyết hạt cơ bản và vũ trụ học trên các tạp chí khoa học và các hội nghị khoa học.