Phòng tránh ngộ độc cây, lá ở trẻ

(VOH) - Nhiều cây cảnh rất đẹp được trang trí trong gia đình có chứa độc tố và có thể gây ra ngộ độc nếu trẻ nghịch cho vào miệng hoặc bẻ để chơi đồ hàng.

Thực tế không ít cây trồng lấy bóng mát và làm cảnh xung quanh chúng ta chứa độc tính có khả năng gây ngộ độc và nguy hiểm cho sức khoẻ. Chẳng hạn như trúc đào, thông thiên, huỳnh anh, thiên điểu, hoa loa kèn Arum, vạn thiên thanh, thơm ổi, cẩm tú cầu, tulip, chuỗi ngọc, xương rồng bát tiên…

Nhiều loại cây cảnh được lấy từ rừng về, sau đó nhân giống và trồng làm cảnh. Do đó, người bình thường và ngay cả những người chuyên bán cây cũng khó nhận biết cây nào độc hại với cơ thể.

Do đó, trước khi mua cây, người mua cần tìm hiểu kĩ về tên gọi, hỏi xem cây có độc hay không mới đưa về trồng. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, với những cây độc chỉ nên trồng ở vườn đặc dụng, không nên trồng làm cảnh ở nhà hoặc nơi công cộng để tránh bị ngộ độc nếu ăn hoặc hít phải. 

Trong trường hợp trồng cây cảnh trong nhà, dù cây độc hay không cha mẹ cũng nên nhắc nhở trẻ đề phòng và không ăn hoặc bẻ cành, bẻ lá để chơi đồ hàng; rào chắn kĩ hoặc gắn cảnh báo cây độc để trẻ không tới gần.

Tránh ngộ độc cây lá ở trẻ (Nguồn: VOH)

Xử lý khi phát hiện trẻ ngộ độc cây, lá

Khi bị ngộ độc, trẻ có thể bị tiêu chảy, nôn ói, đau bụng, bỏng rát ở họng. Trường hợp ngộ độc nặng, trẻ có thể bị ức chế hệ thần kinh trung ương, rối loạn tim mạch, xuất huyết tiêu hóa.

Hầu hết các độc chất trong hoa, lá kể trên đều không có thuốc giải độc đặc trị nên chỉ điều trị theo triệu chứng như rửa dạ dày, uống than hoạt tính, truyền dịch để bù lượng nước bị mất do nôn...

Vì vậy, trong tình huống nghi ngờ trẻ ăn phải những cây độc, phụ huynh hãy:

     + Loại bỏ tất cả các mảnh lá cây khỏi miệng trẻ

    + Dùng mọi biện pháp làm trẻ nôn ra, càng nôn được nhiều càng tốt. Việc gây nôn chỉ tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Chú ý, không dùng thuốc gây nôn vì khi thuốc tác dụng, bệnh nhân nôn nhiều có thể bị liệt hầu họng, co giật rất dễ sặc phổi.

     + Rửa môi và miệng cho trẻ bằng nước mát.

     + Cho trẻ uống vài ngụm nước.

     + Rửa tay với xà bông và nước.

     + Sau khi sơ cứu tạm thời, hãy khẩn trương đưa trẻ bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị tiếp.

Trong trường hợp trẻ bị gai dính vào da, hãy rút bỏ gai. Ngâm vết thương trong nước vài phút để làm loãng nồng độ nọc độc (nếu có).

- Nếu da bị rát hãy xả nước sạch nhẹ nhàng. Không để nhựa cây dính trên da lâu bởi da có thể bị ngấm độc khiến cơ thể ngộ độc hoặc bỏng.

- Nếu nhựa cây bắn vào mắt rửa mắt nhẹ nhàng dưới vòi nước. Cách rửa: nhúng mắt vào thau nước sạch từ 10 - 15 phút hoặc để mắt dưới vòi nước đang chảy. 

- Không sử dụng dung dịch rửa mắt hoặc thuốc nhỏ mắt vì có thể phản ứng với nhựa trong mắt. Không sử dụng vòi sen áp lực cao để rửa mắt vì thể gây đau mắt thêm.

- Sau khi rửa mắt, cần đưa nạn nhân đến phòng khám chuyên khoa mắt để được điều trị. Trường hợp nặng, nên chuyển gấp lên tuyến trên.

- Nếu gai còn dính lại trong da, da hoặc mắt bị đau hoặc vùng da lớn bị ảnh hưởng, hãy đưa trẻ đến Trung tâm Y tế.