Đây là một hoạt động hàng năm nhằm thông tin kịp thời kết quả Giáo dục - Đào tạo trên địa bàn Thành phố đến hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp.
Tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Bùi Thị Diễm Thu cho biết, trong năm học qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố tập trung chỉ đạo các trường tăng cường triển khai các hoạt động quản lý thuộc thẩm quyền, chức năng của ngành đã được các vị Ủy viên UBMTTQ Việt Nam Thành phố góp ý và kiến nghị. Cụ thể là tăng cường đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, giáo dục, kiểm tra - đánh giá theo hướng hiện đại, phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, phát triển năng lực học sinh. Các trường cũng quan tâm trang bị cho học sinh những kỹ năng xã hội cần thiết...
Mọi hoạt động thu - chi của nhà trường được công khai và chịu sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và phụ huynh thông qua việc triển khai thí điểm phần mềm quản lý tài chính nhà trường, giúp phụ huynh có thể đóng tiền học cho con không dùng tiền mặt, không cần phải đến trường.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM và Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bùi Thị Diễm Thu tại hội nghị.
Về công tác chuẩn bị năm học mới được các ngành, các cấp triển khai thực hiện tốt, có sự quan tâm đầu tư về nhiều mặt như chuẩn bị trường lớp, tuyển giáo viên, vận động 100% trẻ đến trường; Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2019 - 2020, công khai các khoản thu học phí, thực hiện tốt công tác tuyển sinh đầu cấp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của một số quận, huyện thì hiện nay việc xây thêm trường học mới đang gặp khó khăn.
Theo bà Nguyễn Thanh Nguyệt - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam quận Bình Tân thì hiện quận chỉ có thể xây thêm phòng học chứ không thể xây thêm trường. Việc xây thêm phòng học sẽ làm thu hẹp sân chơi dành cho trẻ.
Theo bà Nguyệt, do dân số tăng nhanh, ngay cả việc cập nhật danh sách trẻ em để đi học cũng đã gặp khó khăn. Trường lớp thì không xây mới mà chỉ xây thêm phòng học nhưng vẫn không đảm bảo sỹ số so với quy định.
Chỉ khoảng 30% là lớp học 2 buổi. Bên cạnh đó thì số học sinh ở trọ cứ nay đến mai đi cũng làm ảnh hưởng tới sĩ số, học sinh bỏ học, chuyển đi mà không chuyển hồ sơ cũng làm cho công tác vận động học sinh trở lại lớp hơi khó.
Bà Triệu Lệ Khánh - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Thành phố - người trực tiếp tham gia đi khảo sát công tác chuẩn bị năm học mới tại các quận huyện - cho biết, khó khăn hiện nay là tăng dân số cơ học, tỷ lệ học sinh tăng cao so với năm học 2018 – 2019, nên việc đảm bảo cho trẻ học 2 buổi là khó khăn.
Thứ hai là việc tuyển giáo viên. Dù số lượng cao hơn so với nhu cầu nhưng một vài chuyên ngành như anh văn, mỹ thuật, âm nhạc thì lại thiếu ứng viên. Do đó, ngành dục và đào tạo phải hết sức quan tâm, làm sao phối hợp với các trường đại học định hướng cho sinh viên ngành sư phạm quan tâm.
Tại hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM đề nghị Phòng Giáo dục quận, huyện tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra các trường trong việc thu các khoản thu, chi đầu năm, công khai rõ ràng các khoản thu, chi.
Phát huy vai trò của Ban Đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường và gia đình. Đồng thời phối hợp quản lý tốt các trường học, nhất là các trường mầm non, tư thục ngoài công lập, kiểm tra bằng cấp của giáo viên, đảm bảo giáo viên phải có phương pháp, kỹ năng giảng dạy để hạn chế việc bạo hành trė em.
Phối hợp kịp thời với các ngành chức năng để đảm bảo an toàn trước cổng trường, tránh mua bán, lấn chiếm trước cổng trường. Tiếp tục quan tâm đề xuất chế độ hỗ trợ đối với giáo viên dạy trẻ khuyết tật, dạy trẻ hòa nhập trên địa bàn Thành phố.
Bà Tô Thị Bích Châu cho biết, ngành giáo dục quan tâm nhất là các vùng sâu vùng xa, tăng cường kỹ năng và giảm tải chương trình học, giúp học sinh ngày càng có kỹ năng hội nhập.