Thay đổi cách dạy để thích ứng với phương thức thi mới

(VOH) - Sau khi công bố phương án thi tốt nghiệp và tuyển sinh 2017, Bộ GD&ĐT cũng đã đưa ra các đề thi minh hoạ. Thành phố cũng đã ban hành phương án thi chính thức năm 2017 theo phương thức chung của Bộ, thời điểm này các trường ráo riết chuẩn bị cho việc giảng dạy và học tập thích ứng với yêu cầu của kỳ thi.

Thích ứng với hình thức thi mới

Tuy chỉ đang ở thời điểm giữa học kỳ 1, nhưng không khí học tập tại các trường nhất là khối lớp 12 đã trở nên khẩn trương và nghiêm túc. Năm học cuối cấp, cùng với những thay đổi trong phương thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh 2017 đã ít nhiều tạo cho học sinh ý thức học tập và sự nỗ lực nhiều hơn. Đồng thời, các trường cũng áp lực hơn trong dạy và học để đạt được kết quả tốt nhất.

Gác lại những băn khoăn về tính hiệu quả của hình thức thi trắc nghiệm, những trăn trở về khối lượng kiến thức môn học, các trường đã bắt tay vào công tác giảng dạy, học tập nhằm thích ứng tốt nhất với hình thức thi mới. Trong đó, đổi mới phương pháp dạy và học nhằm giúp học sinh có thể nhanh chóng nắm bắt được nội dung bài học mà không gây áp lực quá nhiều cho các em được các trường đặt ra. Đặc biệt, đối với những môn khoa học xã hội, các trường lên kế hoạch tổ chức nhiều chuyên đề vừa tạo không khí vui tươi, hào hứng khi tiếp nhận tri thức, vừa là cách để học sinh làm quen với việc lựa chọn đưa ra những quyết định phù hợp dựa trên nền kiến thức hiện có của mình. Ngoài ra, tổ hợp bài thi khoa học xã hội, còn tạo động lực để học sinh đầu tư, thay đổi cách nghĩ đối với những môn học vốn được xem là nền tảng xây dựng nhân cách con người.

Em Nguyễn Thanh Huyền, lớp 12A4, trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, cho rằng: "Bài thi KHXH là Sử- Địa-GDCD. Trước đây các bạn cứ nghĩ Sử, Địa học cho qua thôi. Và lần đầu tiên em thấy môn GDCD được đưa vô thi, mà lại thi trắc nghiệm, Sử, Địa cũng thi trắc nghiệm, các bạn sẽ tôn trọng 3 môn học này hơn, không xem đây là những môn phụ nữa, thay vào đó, các bạn sẽ học nghiêm túc hơn".

Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM trong giờ học - Ảnh: TNO

Tập trung truyền đạt kiến thức quan trọng

Theo bà Bùi My Thuý, giáo viên bộ môn Lịch sử trường THPT Gia Định, quận Bình Thạnh, đề thi minh hoạ môn Lịch sử của Bộ GD&ĐT không yêu cầu học nhiều, không quá nặng về các chi tiết, nhưng quan trọng trên lớp các em phải nghe giảng và hiểu bài. Ngoài ra, đề thi hạn chế tối đa việc học tủ vì hầu như các câu hỏi trải đều trong từng bài học. Ra đề theo hướng này, học sinh không phải học thuộc lòng, giáo viên không cần phải tốn thời gian vào việc dò bài, kiểm tra bài. Thay vào đó, giáo viên phải suy nghĩ tìm những cách thức, những câu hỏi, nhằm truyền đạt được những kiến thức quan trọng, đảm bảo các em hiểu bài, nắm được những yếu tố then chốt của bài.

Cô Thúy cho biết, giáo viên sẽ cực hơn, nhưng học để thi theo hình thức trắc nghiệm sẽ giúp học sinh học tập nhẹ nhàng hơn:

"Những sự kiện chính trong bài mình phải nhấn, đồng thời phải thường xuyên đặt nhiều câu hỏi phát vấn hoặc mình có nhiều cách thức dạy như: cho học sinh chuẩn bị bài hoặc một vấn đề nhỏ trong bài, qua đó giúp cho các em dễ nhớ và dễ học hơn. Dạy chủ yếu phải cho học sinh hiểu", cô Thúy nói.

Để có kết quả giảng dạy học tập tốt nhất, ngay từ khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo phương án thi, phần lớn các trường đã tổ chức thống kê số lượng học sinh chọn thi theo từng tổ hợp môn để thực hiện tăng thời lượng ôn tập thích hợp.

Nhiều trường bắt đầu điều chỉnh cách dạy, học để thích ứng với cách thi mới - Ảnh: TNO

Kỹ năng giải toán trên máy tính và làm bài trắc nghiệm

Đối với môn Toán, để đáp ứng tốt nhất với đề trắc nghiệm, ông Phạm Đức Hùng, Hiệu trưởng THPT Tạ Quang Bửu, quận 8, cho biết sẽ hướng dẫn học sinh hoàn thiện kỹ năng giải toán bằng máy tính. Hình thức thi trắc nghiệm yêu cầu có được kết quả đúng trong thời gian sớm nhất, không đòi hỏi học sinh phải thể hiện từng bước tư duy như tự luận. Vì vậy, máy tính sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho học sinh trong một số câu hỏi trắc nghiệm nhất định.

Không chỉ hướng dẫn học sinh cách thức làm bài, các trường còn quan tâm tập huấn giáo viên về kỹ thuật ra đề thi trắc nghiệm, cũng như trang bị công cụ hỗ trợ. Trường THPT Tạ Quang Bửu, đầu tư phần mềm chấm và đánh giá câu hỏi trắc nghiệm, qua đó sẽ chỉ ra những lựa chọn chưa thực sự tốt, cần phải điều chỉnh. Từ đó, đảm bảo những câu hỏi trắc nghiệm giáo viên đưa ra luôn chuẩn xác.

Ngoài ra, để xây dựng được ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm cho từng môn học, các trường còn liên kết giữa các tổ bộ môn, phát huy sức mạnh của trí tuệ tập thể để tạo nên nguồn dữ liệu đủ lớn phục vụ nhu cầu học tập của các em.

Ông Phạm Đức Hùng, Hiệu trưởng THPT Tạ Quang Bửu, quận 8, cho hay: "Phần mềm sẽ chỉ ra trong câu hỏi trắc nghiệm này lựa chọn nào kém, căn cứ vào đó mình điều chỉnh, từ đó, sẽ xây dựng được những câu hỏi trắc nghiệm tốt, đánh giá câu trắc nghiệm ở mức độ nào trong ma trận đề kiểm tra. Hiện giờ ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm chưa nhiều, một trường thì không bao nhiêu nhưng mình sẽ lấy từ nhiều trường".

Đồng thời, để tránh áp lực tâm lý, tạo sự an tâm, nhiều trường đã trao đổi, khẳng định cho phụ huynh, học sinh về mục tiêu hướng đến của sự thay đổi chính là sự phát triển tốt hơn cho các em.

Với sự quan tâm của toàn xã hội, cũng như mức độ chuyên nghiệp từ đội ngũ ra đề thi của Bộ GD&ĐT, cũng như sự hỗ trợ từ chính đội ngũ giáo viên tâm huyết, chắc chắn kỳ thi sẽ được đầu tư ở mức tốt nhất.

Ông Võ Văn Dũng, hiệu trưởng THPT Nguyễn Thượng Hiền, quận Tân Bình cho rằng: "Nhà trường khẳng định rằng thay đổi cách thi, cách đánh giá như thế nào thì cuối cùng cũng là chất lượng dạy và học của trường. Thầy phải luôn nghĩ phương pháp truyền đạt sao cho hiệu quả, học sinh phải tích cực học tập để hiểu bài. Trắc nghiệm cũng có những ưu điểm mà tự luận không có được. Đó là chính xác, khách quan, không có tiêu cực, không có mệt mỏi, cảm tính trong đó. Nhà trường vẫn tập trung, luôn phấn đấu dạy tốt, học tốt"

Với sự chuẩn bị chu đáo, ý thức thích ứng với những yêu cầu ngày càng cao trong đổi mới giáo dục, thầy trò các trường đang từng bước chinh phục kiến thức, đồng thời vượt lên, thay đổi những quan niệm, những định kiến thiên lệch về vai trò từng môn học. Từ đó, hướng đến sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, có kỹ năng và nhân cách tốt.