Trường đại học xây dựng Trạm quan trắc khí nhà kính tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen

(VOH) - Sáng 9/5, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức khánh thành trạm quan trắc khí nhà kính đồng thời giới thiệu Trung tâm nghiên cứu Khí nhà kính và Biến đổi khí hậu.

Đặc điểm nổi bật của Trạm quan trắc khí nhà kính là sử dụng công nghệ tiên phong Eddy Covariance. Các dữ liệu thu thập theo thời gian thực gồm: dòng năng lượng bức xạ, phản xạ bề mặt thảm phủ, diễn biến nhiệt và ẩm độ không khí, nhiệt và ẩm độ đất/mực nước dưới đất, diễn biến mức ngập lũ, phát thải CO2, CH4. Đặc biệt, trạm sử dụng điện mặt trời để hoạt động.

Trạm quan trắc khí nhà kính,  Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM

Lễ khánh thành Trạm quan trắc khí nhà kính tại Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen diễn ra tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM cùng với Viện nghiên cứu biến đổi toàn cầu (CzechGlobe), Trường đã thành lập “Trung tâm nghiên cứu Khí nhà kính và Biến đổi khí hậu” đồng thời lắp đặt trạm quan trắc phát thải khí nhà kính đầu tiên trên ruộng lúa tại vùng đệm của khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, tỉnh Long An.

Trạm đã chính thức đi vào vận hành từ tháng 4/2019. Các dữ liệu được thu thập liên tục theo thời gian thực và truyền về trung tâm tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Trạm quan trắc khí nhà kính,  Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM

Hình ảnh Trạm quan trắc khí nhà kính thực tế

Thời gian tới, các trạm khác sẽ được tiếp tục lắp đặt trên hệ sinh thái rừng ngập, bưng lúa ma, lung sen tại khu bảo tồn Láng Sen.

Việc khánh thành Trạm quan trắc khí nhà kính cũng là khởi đầu hợp tác khoa học lâu dài giữa trường Đại học Khoa học Tự nhiên và CzechGlobe và khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, và hy vọng cũng sẽ là nơi kết nối mở rộng hợp tác với các đơn vị có quan tâm./.