Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – nơi nuôi dưỡng nhân tài

(VOH) - Trở thành học sinh của trường Petrus Ký – Lê Hồng Phong là niềm mơ ước của biết bao thế hệ học sinh ở Sài Gòn và miền Nam. Trải qua gần một thế kỷ (1927 - 2017) với những thay đổi qua nhiều thời kỳ, hướng đến mục đích giáo dục trí tuệ, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong xứng đáng là ngôi trường chắp cánh ước mơ, ươm mầm tài năng cho học sinh toàn miền Nam và tự hào mang tên cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong.

Ngược dòng lịch sử, vào năm 1927, trường Petrus Ký – tiền thân của trường chuyên Lê Hồng Phong là ngôi trường mơ ước của rất nhiều người. Từ năm 1934, bên cạnh các giáo sư người Pháp, ngày càng nhiều giáo sư người Việt được bổ nhiệm về trường dạy như: thầy Nguyễn Văn Chì, Phạm Thiền, Lê Văn Huấn… Đây đều là những tên tuổi lớn trong giới học thuật lúc bấy giờ. Các thầy đã dẫn dắt học sinh trên hành trình khám phá tri thức và cả trong công cuộc tìm kiếm những giá trị văn hoá, đạo đức.

Nghe bài viết

Đến năm 1976, Trường Petrus Ký chính thức mang tên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và học giỏi của trường, đào tạo ra những tên tuổi như: Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Bình...

Năm học 1980 – 1981, trường tuyển sinh lớp chuyên Toán 10 đầu tiên của TP.

Từ năm học 1989 – 1990, trường được TP giao nhiệm vụ đào tạo học sinh giỏi theo hướng chuyên ban thi đại học. Có thể xem đây là cột mốc son trong lịch sử phát triển nhà trường và chắp cánh cho trường phát triển cho đến nay. 

Bà Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Nhờ không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giữ vững chất lượng đào tạo theo quy chuẩn của Bộ GD-ĐT, trường chuyên Lê Hồng Phong được Giám đốc Sở GD-ĐT TP ra quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 3, cấp độ cao nhất. Điều kiện học tập của học sinh, điều kiện giảng dạy của giáo viên ngày càng thuận lợi. Học sinh của trường không chỉ được học tập trong một môi trường được đầu tư trang thiết bị hiện đại mà được giáo dục toàn diện.”

Xứng đáng mang tên cố Tổng Bí thư, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong là cái nôi đào tạo những con người lừng danh. Đó là anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Hảo Hớn, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, vị tướng Trần Đại Nghĩa… Đặc biệt, có hai vị nguyên thủ quốc gia đều là cựu học sinh của trường, là Nguyễn Minh Triết và Trương Tấn Sang.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (thứ 3 từ bên trái), nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (thứ 4 từ bên trái) dự lễ khai giảng tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh Thùy Linh

Trở về thăm trường với bao xúc cảm, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết – cựu học sinh khoá 1960-1961 bồi hồi nhắc lại những kỷ niệm thời đi học tại ngôi trường giàu truyền thống này. Đặc biệt, ông bày tỏ tình cảm tri ân sâu sắc đến người thầy Lê Quang Vịnh – một nhà giáo yêu nước, nhà cách mạng trung kiên, từng bị lưu đày 14 năm ở Côn Đảo, được nhà thơ Tố Hữu cảm tác nên bài thơ Tiểu đội anh hùng, với những câu “

Lê Quang Vịnh và các anh

Tiểu đội anh hùng của tuổi xanh

Mười hai tên mạnh như tên lửa

Chấp hết gươm treo án tử hình”.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, chia sẻ: “Tôi chỉ muốn nói hai điều tâm đắc. Một là truyền thống dạy tốt và học tốt của trường Petrus Ký - Lê Hồng Phong. Hai là truyền thống yêu nước cách mạng và đấu tranh cách mạng. 90 năm qua, nhà trường đào tạo lớp lớp học sinh của trường tốt nghiệp đỗ đạt, tiến lên những cấp cao hơn, thành tài, thành đạt và thành danh ở trong nước cũng như ngoài nước. Đó là niềm vui, niềm tự hào của các thế hệ học sinh và thầy cô giáo chúng ta”.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: TNO

Tiếp nối truyền thống anh hùng đó, các thế hệ học sinh tiếp tục giữ vững chất lượng giáo dục nhà trường, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, liên tục giành giải nhất trong các kỳ thi nghiên cứu khoa học quốc gia và quốc tế. Được vinh dự trở thành học sinh của trường, đó không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm của mỗi học sinh.

Em Hoàn Vũ và Phương Đài, lớp 11 của trường, bày tỏ: “Chúng em cảm thấy rất tự hào, rất yêu ngôi trường của mình. Bởi vì nó là nơi nuôi dưỡng nhiều nhân tài. Chúng em cũng mong muốn sau này mình sẽ trở thành nhân tài đóng góp cho đất nước. Sẽ cố gắng noi gương những người đi trước để làm nên thành tựu cho trường”.

Tại buổi lễ khai giảng ngày 5/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trong bài nói chuyện với học sinh của trường, đã nói đại ý rằng, đã là học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, nhất định các em phải đến được Côn Đảo. Bởi vì đó là nơi cụ Lê Hồng Phong bị tù đày và mất tại đây, ngày 6/9/1942, và ngày 6/9 cũng là ngày sinh của cụ. Vì vậy, các em nên đến đây, như một lời nhắc nhớ về người anh hùng này và tiếp tục nối tiếp truyền thống yêu nước của nhà trường, phấn đấu trở thành những nhân tài cho đất nước.