Tiêu điểm: Nhân Humanity

"Bàn chân voi" vật thể nguy hiểm nhất được sinh ra từ vụ nổ Chernobyl

VOH - Tờ Daily Mail gọi đây là "vật nguy hiểm nhất thế giới", ngay cả việc nhìn vào vật thể này cũng có thể khiến người bình thường bị mất mạng.

"Bàn chân voi" là gì ?

Ngày 26/4/1986, lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl tại Ukraine gặp phải sự cố. Các chuyên gia phát hiện ra vấn đề, cố gắng tắt khẩn cấp nhưng bất thành. Nhiệt độ trong lõi phản ứng tăng đến mức không thể kiểm soát, khiến nước làm mát lập tức bốc hơi khi được bơm vào.

Lò phản ứng nhanh chóng nổ tung do áp suất quá lớn, gây ra thảm họa hạt nhân Chernobyl. Hơn 30 công nhân đã chết vài tháng sau khi xảy ra sự cố. Hàng ngàn người mắc bệnh ung thư và các vấn đề sức khỏe trong những năm sau đó do tiếp xúc với lượng phóng xạ độc hại khổng lồ. 

Mùa thu năm 1986, khi các đội cứu hộ có mặt để ngăn chặn bức xạ, họ lần đầu tiên phát hiện ra "vật thể nguy hiểm nhất thế giới" này.

Theo các nhà khoa học, khi lò phản ứng số 4 nóng lên đã làm tan chảy lớp thép và bê tông bọc xung quanh lò, tạo thành khối "dung nham phóng xạ". Vật thể này chảy xuống, xuyên qua nền bê tông, quét qua nhiều vật liệu khác và hấp thu chúng, trở thành một hỗn hợp phức tạp có nồng độ phóng xạ cực cao nằm ở tầng hầm của lò phản ứng số 4..

Khi nguội đi, thứ này cứng lại thành một vật liệu mới gọi là corium. Nó được đặt tên là "bàn chân voi".

Sự nguy hiểm của "bàn chân voi"

Năm 1986, mỗi giờ "bàn chân voi" thải ra tới 10.000 rơn-ghen (một đơn vị đo lường bức xạ) - liều lượng gấp 1.000 lần mức có thể gây ung thư. Để dễ hiểu hơn, lượng bức xạ đó tương đương với 4,5 triệu tia X mà con người vẫn dùng trong quá trình chụp X-quang.

Khi không trang bị đồ bảo hộ chuyên dụng, nếu tiếp xúc với vật này trong 30 giây, con người sẽ bị chóng mặt và mệt mỏi trong ít nhất một tuần. Nếu tiếp xúc trong 2 phút, các tế bào sẽ bắt đầu xuất huyết. Còn sau 4 phút sẽ gây ra tình trạng nôn mửa, tiêu chảy và sốt. Sau 5 phút ở gần, người tiếp xúc gần như vô phương cứu chữa, qua đời trong vòng 2 ngày.

Cũng chính vì độ nguy hiểm của "bàn chân voi", có rất ít bức ảnh chụp vật thể này. Bức ảnh đầu tiên được ghi lại vào năm 1986 bởi các thành viên của đội cứu hộ.

2-103127
Bức ảnh ông Artur Korneyev đứng cạnh "bàn chân voi". Chất lượng của bức ảnh đã bị nồng độ phóng xạ đậm đặc gây ảnh hương - Ảnh: Dự án An toàn Hạt nhân Quốc tế

Bản thân bức ảnh nổi tiếng nhất về khối vật chất chính là một bí ẩn lịch sử, do ông Artur Korneyev, Phó giám đốc dự án Shelter Object chụp bên dưới phòng phản ứng số 217 năm 1996. 

Được biết, ông này đã dựng máy ảnh hẹn giờ để chụp tấm hình đặc biệt này. Kết cấu mờ ảo, sần sùi của bức ảnh được cho là do lớp bức xạ chết người của “Chân Voi”, ngay cả khi nó đã hình thành từ 10 năm trước.

Shelter Object là cấu trúc bê tông thép khổng lồ bao bọc toàn bộ khu lò phản ứng bị hư hại, bên trong nó ước lượng có khoảng 200 tấn chất corium, 30 tấn bụi phóng xạ cùng 16 tấn urani và plutoni.

Phó giám đốc Artur Korneyev đã đến Chernobyl nhiều hơn bất kỳ ai, đồng nghĩa với việc bị nhiễm xạ nhiều nhất. Theo Daliy Mail, đến năm 2021, ông Artur vẫn còn đang sống ở Ukraine.

Tuy nhiên, ông Artur là chuyên gia nhiều kinh nghiệm, đã mang theo đồ bảo hộ nghiêm ngặt khi tiếp xúc. Giới khoa học vẫn cảnh báo về độ nguy hiểm của "bàn chân voi" bất chấp vật thể này đang dần nguội đi sau 4 thập kỷ.

Đến tận 10 năm sau, Bộ Năng lượng Hoa Kỳ mới có thể thu thập thêm được một số bức hình chụp về nó.

 

Bình luận