Khoảng 500 loài cá mập còn tồn tại cho đến ngày nay và có khả năng còn những loài chưa được phát hiện. Cá mập có thể rất to lớn, chẳng hạn cá mập voi khổng lồ (Rhincodon typus); hay có kích cỡ bằng bàn tay người như cá mập bỏ túi (Mollisquama parini). Tuy nhiên, cá mập trắng khổng lồ (Carcharodon carcharias) mới là loài cá mập điển hình trong tưởng tượng của nhiều người.
Những con cá mập nổi tiếng hay tấn công con người này được khắc họa qua phim ảnh và trở thành cơn ác mộng đáng sợ. Trên thực tế, những miêu tả sinh động về nỗi kinh hoàng đối với loài cá mập trắng khổng lồ lan tràn khắp nơi, đến nỗi chúng khiến cho một số người tự hỏi, liệu thế giới có tốt hơn nếu cá mập không còn tồn tại.
Song, đại dương sẽ ra sao nếu cá mập hoàn toàn biến mất?
Cá mập sinh sống ở các hệ sinh thái trên toàn thế giới, bao gồm cả rừng ngập mặn, rạn san hô nhiệt đới, vùng Bắc Băng Dương lạnh giá và trên khắp các đại dương mênh mông. Cho dù cá mập sống ở đâu hay to lớn đến mức nào, chúng đều là động vật săn mồi. Vì vậy, chúng có tầm quan trọng lớn đối với sự lành mạnh của môi trường sống xung quanh chúng, Jenny Bortoluzzi - nghiên cứu sinh thuộc khoa động vật học tại trường Đại học Trinity Dublin, Ireland cho hay.
Một đàn cá nhám búa (Sphyrna lewini) bơi lội ở Galapagos. Tại Trung tâm Bảo tồn Hải dương học Galapagos, những con cá mập tụ họp lại thành từng đàn với hàng trăm cá thể. ( Nguồn: livescience.com )
Loài cá mập săn mồi sẽ loại bỏ những con ốm yếu ra khỏi đàn để đảm bảo rằng đàn cá sẽ luôn duy trì khỏe mạnh và phù hợp với các nguồn tài nguyên trong môi trường. Những động vật ăn thịt đáng sợ này thậm chí có thể giúp duy trì hệ sinh thái thông qua sự hiện diện của chúng, Bortoluzzi tường thuật trong một bản tin điện tử tại trang web Khoa học Đời sống. Bà cho ví dụ rằng, cá mập hổ cát (Galeocerdo cuvier) thường bơi xung quanh khu vực đồng cỏ biển sẽ khiến những con rùa biển không dám đến gần và cách ly chúng khỏi thảm thực vật này.
Cá mập cũng đóng vai trò điều tiết lượng oxy trong đại dương, bằng cách ăn những loài cá con - là những loài tiêu thụ những sinh vật phù du sản sinh ra oxy, Victoria Vásquez - nghiên cứu sinh Phòng thí nghiệm Hàng hải Moss Landing ở California đã trình bày trên bản tin điện tử của trang Khoa học Đời sống.
Môi trường rạn san hô là một ví dụ điển hình về tầm quan trọng của cá mập đối với sự đa dạng sinh học và sức khỏe hệ sinh thái, Toby Daly-Engel - trợ lý giáo sư ngành khoa học hải dương kiêm giám đốc Phòng thí nghiệm bảo tồn cá mập tại Đại học Công nghệ Florida cho biết.
"Nếu cá mập biến mất, những loài cá nhỏ sẽ sinh sôi nảy nở do không có kẻ thù,"
Daly-Engel trình bày trong kênh Khoa học Đời sống. "Chẳng bao lâu, thức ăn của chúng là những sinh vật phù du, vi sinh vật, tôm nhỏ sẽ dần cạn kiệt, cuối cùng nhiều loài sẽ biến mất."
Khi diễn cảnh đó xảy ra, tảo và vi khuẩn sẽ biến thành đá ngầm, bao phủ san hô đến mức khiến nó không thể quang hợp. "San hô sẽ chết, chỉ còn sót lại bộ xương của nó và cuối cùng biến thành đá vôi," Daly-Engel cho biết. "Sau đó, đến lượt các loài động vật khác như sao biển và nhím biển; chúng được coi là động vật sống nhờ trong các rạn san hô chết. Thế nên thay vì một quần thể đa dạng như cá mập, cá nhiều xương, động vật không xương và động vật thân mềm, nó lại kết thúc như một rạn đá chỉ có bốn hay năm loài sinh sống bên trong. Và nó sẽ trở thành một rạn đá chết."
Cá mập có một vai trò quan trọng nữa trong mạng lưới thức ăn của đại dương: Chúng là thức ăn cho các động vật săn mồi khác trong đại dương. Xác của những con cá mập trắng khổng lồ bị mất gan trôi dạt vào bờ biển Nam Phi được cho là nạn nhân của các cuộc tấn công từ cá voi sát thủ. Và cảnh quay được ghi lại gần đây cho thấy một con cá mập nhám chó (Squalus clarkae) bị ăn thịt dưới đáy Đại Tây Dương, một con cá mú đang nuốt chửng toàn bộ cơ thể của nó. Thậm chí bạch tuộc cũng được biết đến như kẻ thù của cá mập, theo một minh chứng trong một video được đăng tải trên Youtube của National Geographic vào năm 2009.
Các loài cá mập di cư, như cá mập sọc trắng (Carcharhinus amblyrhynchos), cũng cung cấp thức ăn cho các sinh vật khác trong đại dương, bằng cách thải phân giàu nitơ ở những nơi mà chúng đi qua, nhà nghiên cứu sinh vật học đại dương Melissa Cristina Márquez đã tường thuật trên tờ báo Forbes đầu năm nay. Márquez là nhà sáng lập của chương trình The Fins United Initiative cung cấp nguồn giáo dục kiến thức về cá mập và những loài cá đuối có quan hệ gần với chúng.
Thực tế là, cá mập sọc trắng thường hay qua lại giữa thềm nước ven biển và vùng nước sâu thuộc rạn san hô vòng Palmyra ở Thái Bình Dương, cung cấp cho các rạn san hô ở nơi này 95 ki-lô-gam nitơ bổ dưỡng mỗi ngày, theo Márquez.
Tương lai đầy nguy cơ
Theo tin tức của Khoa hải dương thuộc Viện nghiên cứu Smithsonian, khoảng 25% số cá mập, cá đuối ngày nay đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Lí do là cá mập sinh ít con và trưởng thành chậm nên số lượng của chúng không đủ để bổ sung kịp cho số lượng thiệt hại do hoạt động đánh bắt cá của con người, Daly-Engei giải thích.
Cá mập chanh (Negaprion brevirostris) sống chủ yếu ở vùng ven biển như rừng ngập mặn, các vịnh và rạn san hô ngầm.
Theo Bortoluzzi, trong vài chục năm gần đây, số lượng cá mập bị sụt giảm lên đến 90%, phản ánh tình trạng khai thác quá mức không thể kiểm soát các loài sinh vật trong đại dương.
"Nhiều loài cũng đang phải đối mặt với việc thiếu môi trường sống, với những nơi ẩn náu như vùng ngập mặn, đang bị tàn phá để cung cấp chỗ ở cho dân số đang phát triển của chúng ta, những môi trường sống như đáy biển và các rạn đá ngầm cũng đang bị phá hủy bằng các phương pháp khai thác cá như giăng lưới vét," Bortoluzzi nói.
Tương lai của loài cá mập sẽ đi về đâu?
Luật pháp liên bang và các hiệp ước quốc tế như Công ước thương mại quốc tế về những loài động thực vật có nguy cơ tuyệt chủng của Wild Fauna và Flora có thể có tác dụng trong việc bảo vệ những loài có số lượng ít ỏi. Nhưng nhiều loài cá mập có tính công kích có thể gây cản trở cho những nỗ lực bảo tồn sự tồn tại của chúng, theo Michael Scholl - tổng giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận Save Our Seas.
"Cơ quan chính phủ cần phải hợp thức hóa thông tin để xác nhận rằng một số lượng lớn cá mập đã suy giảm nặng nề," Scholl đề cập trên bản tin Khoa học Đời sống, "Với mục đích này, Save Our Seas làm việc dọc theo đại dương, các nhà nghiên cứu tập hợp dữ liệu về cá mập để đúc kết ra những phương án cần thiết để bảo vệ cá mập; họ cũng góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về sự đa dạng của cá mập và tầm quan trọng của chúng đối với hệ sinh thái trong đại dương, Scholl cho biết thêm.
Song, cá mập có thể không có đủ thời gian. Và nếu chúng biến mất, những tác động từ các mạng lưới thức ăn trong đại dương sớm muộn cũng sẽ ảnh hưởng tới con người.
"Nhiều ngư trường có thể sụp đổ, những người đánh bắt cá thủ công có khả năng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ vào cá mập cũng sẽ tổn thất nặng nề," Bortoluzzi dự đoán.
"Thật quan trọng để hiểu rằng đại dương cần cá mập nhiều đến thế nào, và cả chúng ta cũng vậy," bà nói thêm.