Trẻ nhỏ thường sợ bóng tối bởi bộ não non nớt của trẻ có xu hướng tưởng tượng ra những hình ảnh đáng sợ cho một việc hoặc điều gì đó có thể xảy đến khi mọi thứ tối om. Tuy vậy, nỗi sợ bóng tối cũng khá phổ biến ở người lớn, mà theo các nhà khoa học thì đây là một đặc điểm tiến hóa mà con người tích lũy từ thời cổ đại.
Theo Martin Antony, giáo sư tâm lý học tại Đại học Toronto, Canada, nỗi sợ bóng tối (tên khoa học là Nyctophobia) xuất hiện một cách rất tự nhiên trong suy nghĩ của con người, giống như thể đã được lập trình sẵn.
Cũng giống như nỗi sợ độ cao, sợ rắn, sợ nhện,… nỗi sợ bóng tối bắt nguồn từ những gì có thể gây nguy hiểm cho con người. Sự sợ hãi là cách giúp con người tránh khỏi những mối đe dọa.
Theo các thuyết về tiến hóa, sợ bóng tối đã từng là một “chiến thuật” giúp tổ tiên chúng ta tồn tại trong tự nhiên vào thời xa xưa. Không giống các loài khác, con người phụ thuộc rất lớn vào thị giác để tồn tại. Trong bóng tối, thị lực con người biến mất, không thể nhận biết ai hay thứ gì ở xung quanh.
Tổ tiên của loài người luôn phải sống trong tình trạng có thể bị tấn công bởi các loài động vật săn mồi sống về đêm. Chính vì thế, con người đã hình thành một sự nhạy cảm đặc biệt với bóng tối.
Trải qua quá trình tiến hóa và thông qua chọn lọc tự nhiên, con người dần “ghi nhớ” những nỗi sợ này.
Nỗi sợ bóng tối về bản chất là sự sợ hãi về những điều chưa biết. Vì không thể nhìn thấy những gì đang diễn ra kết hợp với trí tưởng tượng, con người có xu hướng nghĩ về những điều tồi tệ.
Màu sắc trong tự nhiên cũng có ảnh hưởng đến tâm lý con người. Theo Leatrice, chuyên gia màu sắc, giám đốc điều hành Viện Màu Pantone, bóng tối gắn liền với màu đen, là màu có thể che giấu những thứ trước mắt, ngụy trang hoàn hảo dưới vỏ bọc của bóng tối.
Ngoài ra, nỗi sợ bóng tối của con người còn bắt nguồn từ những trải nghiệm không vui hoặc những tổn thương tâm lý trong quá khứ. Ví dụ: một số người lớn sợ bóng tối là do trải nghiệm tiêu cực mà họ đã gặp phải vào ban đêm như cướp giật, bị tấn công; lúc nhỏ bị phạt quỳ trong bóng tối; xem những bộ phim kinh dị vào ban đêm,… dẫn đến hình thành nỗi sợ bóng tối.
Về cơ bản, nỗi sợ bóng tối là một điều tự nhiên đã in sâu vào tiềm thức mỗi người khi còn nhỏ. Theo thời gian, nỗi sợ này sẽ tự giảm bớt khi chúng ta trưởng thành. Con người cũng sẽ không cảm thấy sợ bóng tối ở những nơi quen thuộc như trong nhà, phòng ngủ. Nhưng nỗi sợ đó có thể xuất hiện khi chỉ có một mình ở nơi hoang vắng.