Theo Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), tảng băng Greenland đã giảm khối lượng liên tục từ năm 1998, trở thành nguyên nhân lớn thứ hai gây mực nước biển dâng, chỉ sau sự giãn nở nhiệt của nước biển do nhiệt độ toàn cầu tăng.
Để theo dõi biến động này, Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) và NASA đã triển khai các vệ tinh CryoSat-2 và ICESat-2. CryoSat-2 sử dụng radar đo độ cao bề mặt Trái Đất, trong khi ICESat-2 áp dụng công nghệ laser. Sự kết hợp dữ liệu từ hai vệ tinh này giúp tăng độ chính xác trong việc đo lường sự thay đổi của lớp băng.
Kết quả phân tích cho thấy, trong 13 năm qua, độ dày trung bình của lớp băng Greenland giảm 1,2 mét. Đáng chú ý, các rìa của dải băng mất trung bình 6,4 mét, trong khi các sông băng đầu ra chịu tổn thất nghiêm trọng nhất. Sông băng Zachariae Isstrøm ghi nhận mức giảm tối đa lên tới 75 mét.
Sự tan chảy nhanh chóng của băng Greenland không chỉ góp phần làm tăng mực nước biển, mà còn gây ra hiện tượng nhô lên của tầng đá nền do mất áp lực từ khối băng. Nghiên cứu công bố trên tạp chí Geophysical Research Letters vào tháng 1/2024 cho thấy, ở một số khu vực, sự suy giảm băng ở sông băng chịu trách nhiệm cho gần 1/3 tổng chuyển động theo chiều dọc của mặt đất.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu xu hướng này tiếp tục, nhiều khu vực ven biển trên thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ ngập lụt nghiêm trọng. Việc theo dõi và nghiên cứu sự biến đổi của băng Greenland là cần thiết để dự báo và ứng phó với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với môi trường và con người.