Tiêu điểm: Bệnh Sởi
Chờ...

Hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm lây lan các loại virus từ Bắc Cực

(VOH) - Theo một nghiên cứu được công bố ngày 18/10, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể gây "lây lan virus" từ Bắc Cực, nơi chúng đã bị nhốt trong băng cho đến nay.

Các virus cần những vật chủ như con người, động vật, cây cối hoặc rêu để tái tạo và lây lan, thậm chí chúng có thể tấn công sang các vật chủ thiếu khả năng miễn dịch khác nếu cần thiết, chẳng hạn như tình trạng đã xảy ra với con người trong đại dịch Covid-19.

Các nhà khoa học Canada đã tìm hiểu xem liệu biến đổi khí hậu có thể tạo ra một kịch bản lây lan như vậy trong môi trường Bắc Cực của hồ Hazen hay không. Nằm ở phía bắc của Canada, hồ Hazen là hồ lớn nhất nằm ngoài vòng Bắc Cực.

Hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể làm lây lan các loại virus từ Bắc Cực 1
Các nhà nghiên cứu khoan băng lấy mẫu ở hồ Hazen. Ảnh: AFP

Các nhà nghiên cứu đã lấy mẫu từ con sông nhận lượng nước mỗi khi băng ở hồ tan đổ về vào mùa hè, cũng như từ đáy hồ. Việc này đòi hỏi phải khoan 2m băng trước khi chạm được đến đáy của vùng nước băng giá trong hồ cách đó gần 300m.

Bằng cách sử dụng dây thừng và sau đó là một chiếc xe trượt tuyết kéo các lớp trầm tích đã được giải trình tự DNA và RNA của chúng, từ đó lập mã di truyền và công cụ sao chép của sự sống.

"Điều này giúp chúng tôi xác định được loại virus nào đã ở trong môi trường này cũng như đang có những vật chủ tiềm năng nào đang ở đó", Stéphane Aris-Brosou, phó giáo sư khoa sinh học tại Đại học Ottawa, người giám sát nghiên cứu nói với AFP.

Sau đó, nhóm nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu mức độ nhạy cảm của virus đối với việc chuyển đổi vật chủ, bằng cách xem xét cây phả hệ tương ứng của chúng.

"Chúng tôi đã cố gắng đo lường mức độ giống nhau của những cây phả hệ này", nhà nghiên cứu Audree Lemieux thuộc Đại học Montreal, tác giả đầu tiên của nghiên cứu giải thích.

Các phả hệ tương tự cho thấy virus đã tiến hóa cùng với vật chủ của nó, trong khi sự khác biệt cho thấy nó có thể đã chuyển đổi vật chủ. Và nếu virus đã làm điều đó ít nhất một lần, chúng có khả năng sẽ làm thêm một lần nữa.

Các phân tích cũng cho thấy sự khác biệt rõ rệt giữa các cây phả hệ của virus và vật chủ của chúng trong các lớp trầm tích chiết xuất từ ​​đáy hồ.

Những khác biệt này ít rõ ràng hơn đối với các mẫu từ đáy sông. Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng nước tan chảy từ các sông băng đã làm xói mòn lớp trầm tích ở đáy, do đó hạn chế sự tương tác giữa virus và vật chủ tiềm năng.

Mặt khác, sự tăng tốc trong quá trình tan chảy mà các sông băng đổ về hồ cũng đã làm tăng số lượng trầm tích được vận chuyển đến đó.

Nhà nghiên cứu Audree Lemieux cho biết điều này sẽ kết hợp các vật chủ và virus mà thông thường không tiếp xúc với nhau.

Các tác giả của nghiên cứu, được công bố trên tạp chí nghiên cứu sinh học của Hiệp hội Hoàng gia "Proceedings B", đã cẩn thận chỉ rõ rằng họ không lường trước được sự lây lan của virus hoặc một đại dịch.

Theo Audree Lemieux, xác suất xảy ra tình huống nguy hiểm này là rất thấp. Mặc dù vậy, rủi ro có thể tăng cao nếu trái đất tiếp tục ấm lên, vì các vật chủ mới có thể chuyển đến những nơi khắc nghiệt mà trước đây chúng không thể sinh sống được.

Audree Lemieux cũng cho biết thêm, vật chủ mới có thể là bọ ve hoặc muỗi hoặc các động vật khác, nhưng cũng có thể là vi khuẩn và virus.

Do đó, khả năng xảy ra lây lan là "hoàn toàn không thể đoán trước và hậu quả của nó cũng rất khó dự báo, có thể vô hại nhưng cũng có thể gây ra một đại dịch thực sự", nhà nghiên cứu Lemieux nhận định.