Chờ...

Lò phàn ứng hạt nhân Đà Lạt: 40 năm xây dựng và phát triển

VOH - Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đã vận hành an toàn, đúng kế hoạch suốt 40 năm qua, với gần 70.000 giờ hoạt động, sản xuất đồng vị phóng xạ, phân tích kích hoạt, nghiên cứu khoa học...

Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm xây dựng và phát triển, trong đó, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình lịch sử này.

Lò phàn ứng hạt nhân Đà Lạt: 40 năm xây dựng và phát triển 1
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt - Ảnh: Báo Lâm Đồng

Với nguồn gốc từ Lò phản ứng hạt nhân TRIGA Mark-2 công suất 250 kWt được Hoa Kỳ xây dựng tại Đà Lạt từ năm 1963 với 3 chức năng chính là: đào tạo, nghiên cứu và sản xuất đồng vị phóng xạ. LPƯ TRIGA Mark-2. Lò phản ứng hoạt động cho đến cuối năm 1967 thì dừng do trục trặc kỹ thuật. Đến tháng 3/1975, toàn bộ các thanh nhiên liệu của Lò đã được tháo dỡ để chuyển về Hoa Kỳ.

Ngày 15/3/1982, công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng được chính thức khởi công. Ngày 20/3/1984, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt được chính thức đưa vào vận hành với công suất danh định là 500 kWt, gấp 2 lần so với công suất của lò TRIGA trước đây.

Lò phàn ứng hạt nhân Đà Lạt: 40 năm xây dựng và phát triển 2
Bộ Khoa học Công nghệ tặng hoa chúc mừng kỷ niệm 40 xây dựng và phát triển Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt - Ảnh: Báo Lâm Đồng

Tiến sĩ Cao Đông Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân khẳng định: 40 năm qua, nhờ có lò Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và nhiều thiết bị khoa học khác, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã thu được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao ứng dụng kỹ thuật hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó cũng góp phần xây dựng tiềm lực về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ để sẵn sàng tham gia vào các nhiệm vụ được giao.

Những thành quả đáng ghi nhận như: điều chế các chất đồng vị phóng xạ, chế tạo thiết bị hạt nhân, phát triển các kỹ thuật phân tích hạt nhân, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị, công nghệ bức xạ và công nghệ sinh học, an toàn bức xạ, xử lý, quản lý chất thải phóng xạ...

Lò phàn ứng hạt nhân Đà Lạt: 40 năm xây dựng và phát triển 3
Ông Hua Liu, Phó Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đánh giá cao kết quả vận hành ứng dụng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt - Ảnh: Báo Lâm Đồng

Bên cạnh các thành tựu trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân, Tiến sĩ Cao Đông Vũ cho biết Viện cũng chú trọng công tác xây dựng nguồn nhân lực và đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực tham gia các hợp tác đa phương, điển hình là với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và hợp tác vùng Châu Á - Thái Bình Dương (RCA), tham gia hợp tác song phương với Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Với các kết quả đạt được, Viện Nghiên cứu hạt nhân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập hạng Ba; Giải thưởng Nhà nước về Khoa học & Công nghệ và nhiều bằng khen, giải thưởng khoa học khác.

Trong thời gian tới, Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng: Tích cực tham gia Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hạt nhân với Lò phản ứng nghiên cứu mới; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận, vận hành an toàn, khai thác hiệu quả lò phản ứng mới đa mục tiêu công suất 10MWt.

Lò phàn ứng hạt nhân Đà Lạt: 40 năm xây dựng và phát triển 4
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Lễ kỷ niệm - Ảnh: Báo Lâm Đồng

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam tự hào vì tập hợp được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật đa ngành, được rèn luyện theo tác phong công nghiệp, từng bước làm chủ được một lĩnh vực khoa học tiên tiến, hiện đại, góp phần thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình giai đoạn đến năm 2020 và Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tiếp tục giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.