Báo cáo này, Cơ quan Theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên minh Châu Âu thực hiện, được công bố ngày 7/11, trước buổi Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu lần thứ 29 của Liên hợp quốc (COP29) tại Azerbaijan vào tuần tới, nơi các quốc gia sẽ cố gắng đạt được sự đồng thuận về việc tăng cường tài trợ để giải quyết biến đổi khí hậu.
C3S cho biết, từ tháng 1 đến tháng 10/2024, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã cao đến mức chắc chắn rằng năm 2024 sẽ là năm nóng nhất trên thế giới, trừ khi độ chênh lệch nhiệt độ trong 3 tháng còn lại của năm giảm xuống gần bằng không.
Giám đốc C3S, ông Carlo Buontempo, cho biết, biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ năm nay đạt kỷ lục, và xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi khí hậu càng nóng lên trên toàn cầu.
Các nhà khoa học cho biết, năm 2024 cũng sẽ là năm đầu tiên hành tinh này có nhiệt độ cao hơn 1,5°C so với giai đoạn trước Cách mạng Công nghiệp từ năm 1850 đến 1900, khi con người bắt đầu đốt cháy nhiên liệu hóa thạch. Lượng khí thải CO2 từ việc đốt than, dầu và khí tự nhiên là nguyên nhân chính gây ra sự nóng lên toàn cầu.
Giáo sư Sonia Seneviratne, nhà khoa học khí hậu tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH Zurich), cho biết, bà không ngạc nhiên về cột mốc này.
Bà Seneviratne kêu gọi các chính phủ tại COP29 phải hành động mạnh mẽ hơn để giảm dần nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vì các ngưỡng giới hạn của Hiệp định Paris đang bị phá vỡ do tiến độ hành động vì khí hậu trên toàn thế giới quá chậm.
Các quốc gia đã đồng ý trong Hiệp định Paris 2015 sẽ cố gắng ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu vượt quá 1,5°C để tránh những hậu quả tồi tệ nhất của nó. Hiện tại, thế giới vẫn chưa vượt qua ngưỡng này, do đây là mức nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5°C trong nhiều thập kỷ.
Nhưng C3S dự đoán rằng, thế giới sẽ vượt qua ngưỡng của Hiệp định Paris vào khoảng năm 2030. Ông Buontempo cho rằng: "Thực tế, nó đã ở ngay trước mắt rồi".
Mỗi mức tăng nhiệt độ dù là nhỏ nhất đều làm gia tăng hiện tượng thời tiết cực đoan. Trong tháng 10 vừa qua đã xảy ra nhiều trận lũ quét thảm khốc đã cướp đi hàng trăm sinh mạng ở Tây Ban Nha, cháy rừng kỷ lục đã tàn phá Peru, và lũ lụt ở Bangladesh đã phá hủy hơn 1 triệu tấn gạo, khiến giá thực phẩm tăng vọt. Tại Mỹ, cơn bão Milton cũng trở nên nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu do con người gây ra.