El Nino Southern Oscillation (ENSO) là một trong những hiện tượng khí hậu quan trọng nhất trên trái đất, bởi có thể làm thay đổi hoàn lưu khí quyển toàn cầu. Trong ENSO, chứa đựng hai trạng thái El Nino và La Nina, khi El Nino kết thúc cũng là lúc La Nina xuất hiện. Vậy hiện tượng La Nina là gì, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Hiện tượng La Nina là gì?
La Nina (hay còn gọi là bé Hài Đồng nữ, El Viejo hay Anti - El Nino), là một hiện tượng thời tiết trái ngược với hiện tượng thời tiết El Nino. Hiểu đơn giản, đây một hiện tượng khí hậu tự nhiên xảy ra do sự lạnh đi của bề mặt nước biển ở khu vực xích đạo thuộc trung và đông Thái Bình Dương. Nó thường xảy ra với chu kỳ tương tự hoặc thưa hơn El Nino.
Những đặc điểm thường thấy khi La Nina xuất hiện là:
- Bắt đầu hình thành từ tháng 3 đến tháng 6 hàng năm, và gây ảnh hưởng mạnh nhất vào cuối năm cho tới tháng 2 năm sau.
- Quá trình diễn ra không đều đặn, nhưng sau vài năm sẽ lặp lại một lần. Thông thường khi El Nino kết thúc cũng là lúc La Nina xuất hiện.
- Nhiệt độ bề mặt biển giảm từ khoảng 0.5 độ C trở lên so với mức trung bình.
- Gió mậu dịch thổi mạnh hơn bình thường, từ đông sang tây qua Thái Bình Dương.
- Thời tiết lạnh và ẩm ướt hơn ở một số khu vực này, trong khi hạn hán có thể xuất hiện ở một số khu vực khác.
La Nina có phải biến đổi khí hậu không?
Biến đổi khí hậu là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài. Nó xảy ra do bị tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, với những biểu hiện đặc trưng là sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan.
Còn La Nina là một hiện tượng khí hậu tự nhiên thuộc chu kỳ dao động Nam (ENSO), xảy ra khi nhiệt độ bề mặt nước biển tại khu vực trung và đông Thái Bình Dương lạnh đi.
La Nina diễn ra theo chu kỳ và có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm, gây ra những biến đổi thời tiết tạm thời như lượng mưa gia tăng hoặc bão ở một số nơi. Tuy nhiên, La Nina là hiện tượng ngắn hạn và tự nhiên, không phải là dấu hiệu của sự thay đổi lâu dài.
Như vậy, hiện tượng La Nina không phải là biến đổi khí hậu, nhưng biến đổi khí hậu có thể làm khuếch đại các tác động của các sự kiện tự nhiên như La Nina và đang ngày càng ảnh hưởng đến các hình thái thời tiết như nắng nóng gay gắt hơn, hạn hán, nguy cơ cháy rừng cũng như lượng mưa và lũ lụt kỷ lục.
Biến đổi khí hậu cũng sẽ khiến cho mùa bão trên các khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương đến sớm và hiện tượng La Nina sẽ kéo dài hơn.
Hiện tượng La nina gây ra hậu quả gì?
WHO cảnh báo, La Nina xuất hiện có thể gây ra tình trạng mưa trên mức trung bình và lũ lụt tại các khu vực như Đông Nam Á, Ấn Độ, Úc và phần phía bắc của Nam Mỹ.
Còn ở các khu vực như Tây Nam Hoa Kỳ và phần phía nam của Nam Mỹ sẽ xuất hiện tình trạng hạn hán.
Ngoài ra, do sự biến đổi về nhiệt độ biển và dòng chảy hải lưu ảnh hưởng đến sự phân bố của cá và các loài sinh vật biển khác.
La Nina tác động tới Việt Nam ra sao?
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những tác động do La Nina gây ra, dẫn đến xuất hiện một số hiện tượng thời tiết cực đoan như:
Tăng lượng mưa và nguy cơ lũ lụt
Tình trạng La Nina thường làm cho lượng mưa ở Việt Nam gia tăng, đặc biệt là các khu vực miền Trung và miền Bắc, dẫn đến lũ lụt nghiêm trọng, lũ quét và sạt lở đất.
Theo ghi nhận, đa số những năm xuất hiện La Nina đều có những kỷ lục về lượng mưa lớn nhất trong 24 giờ và số tháng liên tục không có mưa ở một số nơi.
Ngoài ra, La Nina còn gây ra hiệu ứng dương đối với mực nước biển ở ven biển và hải đảo, làm giảm độ mặn của nước biển.
Dòng chảy năm các sông vào thời điểm xuất hiện La Nina cũng thường lớn hơn trung bình nhiều năm, có năm, một số sông lớn có dòng chảy lớn hơn tới 80 - 100%.
Tăng số lượng và cường độ bão
La Nina xuất hiện kéo theo nhiều cơn bão nhiệt đới và cường độ bão cũng mạnh hơn. Khu vực miền Trung và miền Bắc thường sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề từ những cơn bão này.
Các cơn bão trên biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta nhiều hơn bình thường khoảng 28%. Mùa bão cũng sẽ kết thúc muộn hơn bình thường.
Miền Bắc có thời tiết lạnh hơn
Hiện tượng La Nina có thể khiến cho thời tiết mùa đông ở miền Bắc lạnh hơn bình thường, cùng với đó là những đợt không khí lạnh kéo dài và mạnh hơn.
Miền Nam có khả năng hạn hán
Trong khi miền Bắc có kiểu thời tiết lạnh thì ở miền Trung và miền Nam có thể sẽ trải qua những đợt nắng nóng cục bộ, do sự phân bố lượng mưa không đều.
Sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng
Với những bất ổn về khí hậu và lượng mưa, hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trồng lúa có thể bị ảnh hưởng. Lũ lụt và sạt lở đất cũng có thể gây thiệt hại lớn đến hoa màu. Còn hạn hán có thể gây thiếu nước tưới tiêu.
Các hiện tượng La Nina từng xảy ra trong quá khứ
Việt Nam đã từng trải qua rất nhiều đợt La Nina, trong đó các đợt La Nina điển hình xảy ra vào những năm 1998 - 2000, năm 2007 - 2008, năm 2010 - 2011 và năm 2020 - 2022.
Trong đó, đợt rét đậm rét hại xảy ra vào tháng 1 - 2/2008, đã làm 180.000 ha lúa, gần 110.000 vật nuôi bị chết, thiệt hại ước tính lên đến 400 tỷ đồng.
Đợt La Nina vào năm 2020 - 2022 cũng gây ra nhiều thiệt hại trên cả nước. Theo thống kê năm 2020, cả nước có 16/22 loại hình thiên tai với 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 265 trận giông lốc, sét... làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại ước tính gần 40 tỷ đồng.
Và 2022, những kiểu thời tiết đi kèm theo hiện tượng La Nina đã làm 175 người chết và mất tích, thiệt hại kinh tế ước tính trên 19 tỷ đồng.
La Nina và El Nino đều là những kiểu hình thái thời tiết có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống khí hậu toàn cầu. Mặc dù La Nina không phải là biến đổi khí hậu nhưng những sự tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến cho kiểu thời tiết La Nina trở nên nguy hiểm hơn với con người.
Đừng quên cập nhật thêm những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Thường thức.