Tết Thường Tân là ngày gì? Nguồn gốc, ý nghĩa ngày Tết Thường Tân

VOH - Tết Thượng Nguyên, Tết Trung Nguyên hay Tết Hạ Nguyên là những ngày lễ tết được nhiều người biết. Tuy nhiên, chắc hẳn rất ít người biết về Tết Thường Tân 10/10 âm lịch.

Người dân Việt Nam có truyền thống hướng đến những ngày lễ, tết trong năm để gìn giữ và lưu truyền cho các thế hệ sau những truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời. Thế nhưng, với nhiều người Tết Thường Tân lại là một ngày đặc biệt mà không phải ai cũng biết đến.

Tết Thường Tân là gì?

Tết Thường Tân, hay còn gọi là Tết Cơm Mới tháng mười, Tết của các thầy thuốc, diễn ra vào ngày 10/10 âm lịch hàng năm.

Theo sách Dược lễ, ngày 10/10 âm lịch là ngày hội tụ khí âm - dương của đất trời, là sự kết hợp của 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, rất thích hợp cho các cây thuốc quý sinh trưởng và mang lại tác dụng tốt nhất. Do đó, đối với các thầy thuốc, Tết Thường Tân là ngày tết vô cùng quan trọng.

Còn trong dân gian có truyền thuyết kể, Tết Thường Tân là ngày của ông Đồng, bà Cốt - những người có khả năng siêu nhiên, có thể cho ma quỷ, thần linh và linh hồn người mất nhập vào thân thể mình để nói chuyện với người sống. Cho nên, Tết 10/10 âm lịch là ngày lễ lớn của họ và thường được tổ chức các buổi tiệc linh đình.

Thế nhưng, theo thời gian người dân nhiều địa phương cũng tổ chức ăn lễ Tết Thường Tân như một cách gìn giữ và lưu truyền những truyền thống văn hóa cổ truyền, những nét đẹp dân tộc…

voh-tet-thuong-tan
Tết Thường tân có nguồn gốc và xuất phát từ Trung Quốc - Ảnh: Internet

Tết Thường Tân 2024 diễn ra vào ngày nào?

Tết Thường Tân thường được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm.

Theo lịch vạn niên, năm 2024 Tết Thường Tân (10/10 âm lịch) sẽ rơi vào Chủ Nhật, ngày 10 tháng 11.

Làm gì vào ngày Tết Thường Tân ?

Mặc dù có nguồn gốc và xuất phát từ Trung Quốc, nhưng khi đến Việt Nam, người dân khắp nơi đón Tết Thường Tân với nhiều ý nghĩa và phong tục khác nhau.

Đối với một số vùng nông thôn, vào ngày mùng 10 tháng 10 âm lịch, người dân sẽ chuẩn bị bánh giầy, chè kho dâng lên cúng gia tiên và thần, Phật mừng được mùa.

Một số địa phương lại tổ chức làm những món ăn từ gạo như bánh bột lọc, bánh dẻo, xôi, chè… để tạ ơn đất trời, thần linh, ông bà đã phù hộ, giúp họ có được mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa. Sau đó, mang biếu cho hàng xóm và người thân cùng thưởng thức.

Với những người dân ở vùng núi Tây Nguyên hoặc Việt Bắc, thì Tết Thường Tân thường tổ chức cùng lễ hội mừng lúa mới. Điều đó người dân xem là hậu tạ cho vị thần trời đất, sông suối và “Giàng”.

Người Tày thường cúng ngày Tết Thường Tân với một bát nước cùng bông lúa đẹp nhất bên trong, với hy vọng mùa màng sẽ bội thu. Với người Thái, trong mâm cơm ngày Tết Thường Tân sẽ có 2 con gà trống, 1 con gà mái, lươn, ếch, nhái, rượu, cơm…

Những món ăn không thể thiếu trong Tết Thường Tân

Cũng giống như các ngày Tết khác trong năm, vào ngày Tết Thương Tân, người dân mỗi vùng lại có những cách bày biện mâm cơm cúng khác nhau. Thế nhưng, mỗi năm Tết Thường Tân sẽ có những món ăn thay đổi và có những món ăn vẫn được giữ nguyên.

Dưới đây là một số món ăn rất thường gặp trong ngày Tết Thường Tân:

Cơm lam ống tre

Cơm lam ống tre được làm từ gạo, mang hương vị vô cùng thơm ngon khi có sự kết hợp của vị thơm của gạo và mùi hương của ống tre, khiến cho hạt cơm thêm ngọt, dẻo và bùi.

Vào ngày Tết Thường Tân, món ăn này thường được bày biện trên mâm cơm cúng cùng với một đĩa muối vừng.

Bánh giầy

Bánh giầy được xem là một món ăn phổ biến thường thấy trong dịp Tết Thường Tân. Cùng với bánh chưng, bánh giầy được làm từ gạo nên cố có thể xem là tinh hoa của đất trời. Món ăn sau khi chín có màu trắng đẹp mắt, mùi vị thơm và dẻo.

voh-tet-thuong-tan-1
Bánh giầy là một món ăn thường thấy trong Tết Thường Tân - Ảnh: Internet

Bánh bột lọc

Một số địa phương thường làm bánh bột lọc để cúng vào ngày Tết Thường Tân. Món ăn này có vị ngọt từ tôm và vị đậm đà từ thịt khi ăn cùng nước mắm pha thêm ít đường và ớt lại vô cùng ngon miệng.

Bánh đúc lạc

Bánh đúc lạc cũng là một món ăn thường thấy vào dịp Tết Thường Tân. Bánh có nguyên liệu chính là bột gạo lọc và đậu phộng. Khi ăn có vị bùi và thơm.

Gà nướng đất sét

Một món ăn khác cũng khác mới lạ nhưng lại rất phổ biến trong mâm cúng Tết Thường Tân, đó là món gà nướng đất sét.

Với những bí quyết tẩm ướp, thịt gà nướng đất sét thường mền, thơm mùi khói bếp, bên ngoài có màu sắc vàng ươm. Khi đặt lên mâm cúng thì cực kỳ đẹp mắt.

Chè kho

Là một trong những món ăn thơm ngon với nguyên liệu chính là đậu xanh, chè kho thường xuất hiện trong mâm cứng của nhiều gia đình Việt trong ngày Tết Thường Tân.

Rượu táo mèo

Ngoài các món ăn thì rượu táo mèo cũng là một loại thức uống đặc trưng của ngày Tết Thường tân đối với người dân Tây Bắc. Quả táo mèo sau khi được ngâm cùng rượu thơm cho ra hương vị đậm đà mà không phải loại rượu nào cũng có thể sánh được.

So với các ngày lễ tết như Tết Nguyên Đán hay Tết Đoan Ngọ, có thể rất nhiều người không biết đến Tết Thường Tân. Thế nhưng, nhìn chung đây là cũng ngày Tết có nghĩa quan trọng và nắm giữ giữ vị trí không thể quên trong truyền thống văn hóa dân tộc.

Đừng quên theo dõi các bài viết mới của chúng tôi thông qua VOH thường thức.

Bình luận