Tiết kiệm là một trong những đức tính tốt đẹp mà bất cứ ai cũng nên có. Những câu ca dao, tục ngữ về tiết kiệm được VOH tổng hợp dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra giá trị cũng như sự cần thiết của chúng trong cuộc sống hàng ngày.
Những câu thành ngữ, tục ngữ nói về tiết kiệm
Tục ngữ về tiết kiệm hay thành ngữ về tiết kiệm tuy ngắn gọn nhưng lại chứa đựng nhiều bài học ý nghĩa, sâu sắc. Những gợi ý dưới đây chính là một trong những ví dụ điển hình.
- Bát ăn bát để (của ăn của để).
→ Không chỉ đầy đủ, sung túc mà còn có của tích lũy, để dành. - Thắt lưng buộc bụng.
→ Chỉ sự tiết kiệm, dè sẻn trong chi tiêu, không tiêu xài hoang phí, chỉ tiêu những thứ cần thiết để dành dụm tiền cho việc khác. Câu thành ngữ này thường được dùng trong hoàn cảnh khó khăn, khi con người cần phải tiết kiệm để trang trải cho cuộc sống. - Bóp mồm bóp miệng.
→ Chỉ việc chi tiêu tiết kiệm, hạn chế hết mức cần thiết những việc không cần thiết. - Ăn ít no lâu, ăn nhiều chóng đói.
→ Mỗi ngày ăn một ít, tiết kiệm một ít, nếu ăn nhiều thì chúng ta sẽ chẳng còn gì. - Ăn phải dành, có phải kiệm.
→ Ý chỉ phải biết dành dụm, tiết kiệm cho tương lai, giảm thiểu lãng phí.
- Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.
→ Nếu bạn biết tiết kiệm, chi tiêu hợp lý, làm ăn có kế hoạch thì sẽ được no đủ. - Làm khi lành để dành khi đau.
→ Lúc khỏe mạnh, còn trẻ phải lo làm ăn, dành dụm, phòng khi đau ốm, già yếu. Nói cách khác, chúng ta phải biết tiết kiệm để đề phòng những rủi ro trong cuộc sống. - Tích tiểu thành đại.
→ Nếu biết kiên trì dành dụm, tiết kiệm từng chút một thì bạn sẽ nhận được thành quả xứng đáng. - Ăn chắc, mặc bền.
→ Thể hiện tinh thần tiết kiệm, ăn sao cho no lâu, mặc sao cho lâu bền, không cần phải quá hoang phí. Ngoài ra, câu nói này cũng để cao chất lượng hơn hình thức bên ngoài. - Ở đây một hạt cơm rơi
Ngoài kia bao hạt mồ hôi thấm đồng
→ Để làm ra hạt gạo, hạt cơm, người nông dân phải làm lụng rất vất vả. Vì vậy, chúng ta phải học cách tiết kiệm và biết quý trọng cả hạt cơm bé nhỏ. - Làm người phải biết tiện tần
Đồ ăn thức mặc có ngần thì thôi.
→ Chỉ con người phải biết tiết kiệm, dành dụm; đủ ăn, đủ mặc thì đừng tiêu xài hoang phí.
Những câu ca dao, tục ngữ về tiết kiệm thời gian
Những câu ca dao, tục ngữ về tiết kiệm đặc biệt là tiết kiệm thời gian dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra rằng mình cần phải sống trọn vẹn từng khoảnh khắc để không phải hối hận về sau.
- Thời gian là vàng bạc.
→ Vàng, bạc là những thứ có giá trị trong cuộc sống, thời gian của mỗi người cũng vậy. Câu này ý chỉ chúng ta phải biết trân trọng thời gian, sử dụng chúng một cách có ý nghĩa nhất và không nên lãng phí. - Thời giờ thấm thoát thoi đưa,
Nó đi đi mãi không chờ đợi ai.
→ Thời gian chỉ có đi chứ không chờ đợi ai hay trở lại. Vì vậy chúng ta phải biết trân trọng từng khoảnh khắc trong cuộc sống, sử dụng thời gian một cách có ý nghĩa nhất và không nên lãng phí.
- Mỗi năm, mỗi tuổi, mỗi già
Chẳng lo liệu trước ắt là lụy sau.
→ Chúng ta rồi sẽ già dần theo năm tháng, nếu không biết tận dụng quỹ thời gian của mình, sử dụng chúng một cách hiệu quả để lo liệu trước cho tương lai thì về sau sẽ phải nhẫn nhịn, chiều theo ý người khác vì cần nhờ vả. - Đời người có một gang tay
Ai hay ngủ ngày, còn có nửa gang.
→ Đời người hữu hạn, nếu không biết tiết kiệm thời gian, quý trọng từng giây phút trong cuộc sống thì cuộc đời của bạn sẽ giống như bị rút ngắn xuống còn có một nửa.
Xem thêm:
20 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về thời gian sâu sắc và ý nghĩa
70 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về kinh nghiệm sống hay và ý nghĩa
50+ câu thành ngữ, ca dao tục ngữ về tiền bạc cực kỳ thấm thía
Những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về tiết kiệm tiền của
Để có một cuộc sống thoải mái và không bị động bởi những tình huống bất ngờ, ngoài tiết kiệm thời gian, chúng ta còn phải học cách tiết kiệm tiền của. Nhận thấy tầm quan trọng của việc này, ông cha ta đã đúc kết qua những câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về đức tính tiết kiệm như sau.
- Đi đâu mà chẳng ăn de,
Đến khi hết của, ăn dè chẳng ra.
→ Phê phán, châm biếm những người tham lam, tiêu xài hoang phí, không chịu tiết kiệm; đến khi hết của cải thì chẳng còn gì mà ăn. - Còn gạo không biết ăn dè
Đến khi hết gạo ăn dè chẳng ra.
→ Phê phán những người không biết tiết kiệm, không biết lo cho tương lai. - Tiết kiệm sẵn có đồng tiền
Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai.
→ Con người phải biết tiết kiệm, dành dụm và lo trước cho tương lai. - Tiêu tiền như rác.
→ Chi tiêu phung phí, không biết tiết kiệm, không coi trọng đồng tiền. - Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống.
→ Gió vào nhà trống thường thoát ra rất nhanh, giống như tiền vào gia đình khó khăn cũng chẳng giữ được lâu. Nhà nghèo, thì bao nhiêu của nả cũng không đủ. Hay kiếm được bao nhiêu tiền cũng không thấm tháp gì bởi cách tiêu pha hoang phí. - Ăn hoang phá hoại.
→ Chỉ thói tiêu pha phóng túng, phí phạm, tốn kém, không biết chắt chiu, dành dụm. - Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn.
→ Tích lương thực, ngũ cốc phòng khi đói, tích quần áo phòng khi rét. Nội dung câu tục ngữ này phản ánh tình trạng đói kém của người nghèo thuở xưa, thường xuyên phải lo cho cái ăn, cái mặc đồng thời khuyên con người phải biết tiết kiệm.
- Năng nhặt chặt bị.
→ Chỉ cần chăm chỉ, chịu khó, tiết kiệm và biết cách dành dụm từ những thành quả nhỏ nhất thì sớm muộn bạn cũng sẽ có được sự tích lũy, đạt được mục tiêu. - Giàu không hà tiện khó liền tay, khó không hà tiện khó ăn mày.
→ Khoảng cách giữa giàu có và nghèo khó rất gần. Giàu mà không biết tiết kiệm thì chẳng mấy chốc tiền của cũng sẽ tiêu tan. - Hà tiện mới giàu, cơ cầu mới có.
→ Phải ăn ở dè sẻn, tiết kiệm, chắt bóp mới mong giàu lên được. - Buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè hà tiện.
→ Buôn to bán lớn cũng không bằng bớt ăn tiêu. Hay nếu ăn tiêu phung phí quá thì buôn to bán lớn đến mấy cũng không thể làm giàu. Đại ý, câu tục ngữ này khuyên chúng ta nên tiết kiệm, nhất là việc ăn uống. - Ít chắt chiu hơn nhiều phung phí.
→ Có ít mà chi tiêu tiết kiệm còn hơn có nhiều mà chi tiêu hoang phí. Câu nói này phê phán thói tiêu xài hoang phí. - Bớt bát mát mặt.
→ Ăn uống, chi tiêu hợp lý , biết tiết kiệm sẽ đỡ phải lo lắng, phiền lụy người khác. - Phí của trời, mười đời chẳng có.
→ Khuyên chúng ta không nên phung phí, không biết tiết kiệm thì cả đời cũng chẳng thể giàu hay có của ăn, của để. - Có kiêng có lành, có dành có lúa.
→ Có kiêng khem, giữ gìn mới mong được an lành, có chịu khó dành dụm, tiết kiệm thì mới có của cải.
Ca dao, tục ngữ về tiết kiệm cũng giống như ca dao, tục ngữ về các chủ đề khác, luôn chứa đựng những bài học ý nghĩa. Với những gợi ý được tổng hợp ở trên, chúc bạn sẽ sớm nhận ra giá trị của đức tính tốt đẹp này.
Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.
Ảnh: Internet