7 phong tục Tết Đoan Ngọ thường thấy trong văn hóa người Việt

VOH - Một số phong tục Tết Đoan Ngọ phổ biến thường được các gia đình thực hiện. Vậy đó là những phong tục gì?

Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ Tết có từ lâu đời của người Việt, thường được tổ chức vào ngày mùng 5/5 Âm lịch hàng năm. Vào ngày này, các gia đình sẽ cùng nhau thực hiện một số phong tục truyền thống như Khảo cây vào giờ Ngọ, ăn thịt vịt… Hãy cùng VOH tìm hiểu kỹ hơn về những phong tục Tết Đoan Ngọ trong bài viết dưới đây nhé!

Những phong tục Tết Đoan Ngọ phổ biến

Ở Việt Nam, Tết Đoan Ngọ còn được gọi với cái tên khá dân dã đó là “tết giết sâu bọ”. Hiểu đơn giản, đây chính là ngày phát động bắt sâu, diệt bọ - những loại gây hại cho cây trồng.

voh-phong-tuc-tet-doan-ngo-3
Tết Đoan Ngọ diễn ra vào ngày mùng 5/5 Âm lịch hàng năm - Ảnh: Internet

Vậy nên, ngoài việc chuẩn bị mâm cúng Tết Đoan Ngọ thì trong ngày này, các gia đình còn thực hiện một số phong tục truyền thống như:

Khảo cây vào giờ Ngọ

Đúng 12 giờ trưa ngày Tết Đoan Ngọ, nhiều địa phương sẽ thực hiện nghi thức “khảo cây” hay còn gọi là “đánh cây”. Theo người xưa, nếu thực hiện nghi thức này kèm theo ước muốn sung túc, đầy đủ thì sẽ được như ý nguyện.

Thông thường, những loại cây ít ra quả hoặc bị sâu bệnh sẽ được chọn để thực hiện nghi thức “khảo cây” với ý nghĩa lấy đi những điều không hay, không tốt.

Thực hiện nghi thức khảo cây gồm 2 người. Một người trèo lên cây và hóa thân thành cái cây, người còn lại sẽ đứng dưới gốc cây, cầm dao gõ vào gốc cây và hỏi các câu hỏi như: “Tại sai năm nay cây cối không đơm hoa, kết trái?”, “Mùa sau quả có ra nhiều không?”… Người trên cây sẽ trả lời theo những câu hỏi của người ở phía dưới.

Ăn trái cây

Phong tục tiếp theo trong ngày Tết Đoan Ngọ chính là ăn các loại trái cây có vị chua như xoài, mận, cam, bưởi, vải… với ngụ ý loại trừ mầm bệnh. Đây cũng là những loại trái cây thường thấy trong mùa hè và cũng thường xuất hiện trong mâm cúng của hầu hết gia đình.

voh-phong-tuc-tet-doan-ngo-4
Vào ngày Tết Đoan Ngọ nhiều gia đình có thói quen ăn trái cây - Ảnh: Internet

Ăn cơm rượu nếp cẩm

Ăn cơm rượu nếp cẩm được nấu lên men cũng là phong tục Tết Đoan Ngọ phổ biến. Đây là món ăn có vị ngọt, dễ ăn và cũng tốt cho sức khỏe. Vào ngày Tết Đoan Ngọ, các gia đình thường sẽ ngồi cùng nhau ăn cơm rượu nếp cẩm với mong muốn đẩy lùi mầm bệnh trong cơ thể và duy trì sức khỏe dồi dào, tươi trẻ.

Ăn bánh ú tro

Bánh ú hoặc bánh ú tro là một món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Bánh được làm từ hai nguyên liệu chính là gạo nếp và nước tro, có nhân hoặc không nhân.

Tết Đoan Ngọ, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức món bánh ú tro truyền thống.

Ăn thịt vịt

Thịt vịt cũng là món ăn thường thấy trong mâm cỗ của các gia đình vào dịp Tết Đoan Ngọ. Thịt vịt có thể luộc hoặc quay hay chế biến thành các món ăn khác tùy sở thích gia đình.

Theo quan niệm xưa, ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ sẽ giúp cân bằng nhiệt và bồi bổ cơ thể trong ngày nắng nóng.

voh-phong-tuc-tet-doan-ngo-5
Thịt vịt cũng là món ăn thường thấy trong ngày Tết Đoan Ngọ - Ảnh: Internet

Rửa mặt bằng nước lá mùi

Nhiều người Việt có thói quen rửa mặt bằng nước lá mùi hoặc lá ngải cứu đun sôi để nguội với mong muốn xua đi điều xui xẻo và bảo vệ sức khỏe.

Thả diều

Ở một số địa phương, thả diều vào ngày Tết Đoan Ngọ cũng được coi là cách để xua đuổi mọi điều xui xẻo, mang lại nhiều điều may mắn, bình an cả năm.

Phong tục ăn Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc, Trung, Nam

Những phong tục trong ngày Tết Đoan Ngọ đều là những phong tục truyền thống mà phần lớn các gia đình Việt điều áp dụng trong ngày mùng 5/5 Âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, tùy theo từng vùng miền và mỗi gia đình, phong tục ăn Tết Đoan Ngọ của người Việt có sự khác biệt.

Ở miền Bắc

Món ăn đặc trưng của người dân miền Bắc trong ngày Tết Đoan Ngọ chính là bánh gio chấm mật mía. Mặc dù xuất hiện ở cả 3 miền nhưng bánh gio (tro) miền Bắc lại đặc biệt hơn khi được chấm cùng mật mía.

Những chiếc bánh gio có màu nâu vàng trong suốt, có mùi tro đặc trưng khi chấm cùng mật mía sẽ cho ra vị thanh mát, rất thích hợp cho những ngày nắng nóng.

Ngoài ra,vào ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc người dân còn ăn một loại bánh đặc sản của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai) đó là món bánh khúc. Đây là món bánh được ưa thích bởi hương vị thơm ngon và màu sắc bắt mắt.

Bánh khúc có lớp vỏ ngoài được làm bằng nếp xanh, bên trong là nhân đậu xanh giã kết hợp cùng với hành phi và mè đen. Dù chế biến theo kiểu hấp hoặc chiên thì bánh vẫn giữ được hương vị thơm ngon, béo bùi và màu xanh sẫm hấp dẫn.

voh-phong-tuc-tet-doan-ngo-6
Tết Đoan Ngọ ở 3 miền có sự khác nhau về ẩm thực - Ảnh: Internet

Ở miền Trung

Đối với người dân miền Trung, món ăn không thể thiếu của ngày Tết Đoan Ngọ chính là thịt vịt. Quan niệm xưa cho rằng, ăn thịt vịt vào những ngày nóng sẽ giúp cơ thể cân bằng lại.

Bên cạnh đó, phong tục Tết Đoan Ngọ ở miền Trung còn có thêm món chè kê. Là một trong những loại thực dưỡng, hạt kê sau đó được người dân chế biến thành món chè kê thanh mát, bổ dưỡng dành riêng cho ngày Tết Đoan Ngọ. Chè kê có vị ngọt từ nước đường và gừng hòa quyện tạo vị ngọt thanh, ăn kèm cùng với bánh tráng vừng.

Ở miền Nam

Ở miền Nam, phong tục Tết Đoan Ngọ của nhiều gia đình chính là ăn bánh ú nước tro, đây là phiên bản Nam bộ của bánh gio miền Bắc. Bánh ú nước tro được gói trong một lớp lá (thường là lá tre hoặc lá chuối) có hình chóp ngộ nghĩnh, phần nhân có màu nâu vàng, nhân đậu xanh giã nhuyễn bùi, béo, ngọt nhẹ.

chè trôi nước cũng là món ăn thường xuất hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam. Chè trôi nước được vo thành hình tròn, bên ngoài là bột nếp, bên trong là đậu xanh, được ăn cùng với nước đường và gừng giã nhuyễn, nước cốt dừa và đậu phộng rang hoặc mè.

Có thể nói, phong tục Tết Đoan Ngọ vô cùng phong phú và độc đáo. Không chỉ đa dạng trong hoạt động, các món ăn được chuẩn bị vào ngày Tết Đoan Ngọ cũng trở thành một nét đẹp ẩm thực của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước.

Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức của voh.com.vn để đọc những bài viết hay và hữu ích!