Tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn vịt là một trong những câu hỏi mà không phải ai cũng lý giải được. Trong bài viết này, VOH Thường thức sẽ giúp bạn giải đáp lý do cũng như ý nghĩa của món ăn đặc trưng trong ngày mùng 5/5 Âm lịch này.
Lý giải tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn vịt?
Cùng ăn Tết diệt sâu bọ 5/5 nhưng phong tục Tết Đoan Ngọ ở mỗi nơi lại có sự khác biệt, nét đặc trưng riêng. Ví như ngoài vải, mận, cơm rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro, bánh tro),... mâm cúng ở một số nơi còn có thêm thịt vịt.
Có quan niệm cho rằng ăn thịt vịt vào đầu tháng sẽ “xui” nên nhiều người thường kiêng hoặc ăn thịt vịt vào cuối tháng để “xả xui”. Đây có lẽ cũng là lý do khiến nhiều bất ngờ khi vịt luộc, vịt quay trở thành món ăn truyền thống, phải có trong mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở một số địa phương.
Ăn vịt ngày 5/5 mang ý nghĩa “trấn áp” điều xui xẻo
Phong tục Tết Đoan Ngọ của người Trung Quốc có nhiều thứ liên quan đến vịt như tặng trứng vịt, ăn trứng vịt muối, ăn thịt vịt, đập trứng vào đầu nhau để cầu may… Ở nước ta, một số địa phương cũng ăn thịt vịt vì trong tiếng Hán, vịt là “áp”.
Vịt đồng nghĩa với “áp” mang nghĩa trấn áp bệnh tật, tà khí. Với các nước phương Đông, Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa cầu an, cầu phúc. Cho nên ăn thịt vịt cũng đồng nghĩa với chúc nhau an lành.
Đây chính là một trong những lý do tại sao một số địa phương ở nước ta có phong tục ăn thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ 5/5.
Thịt vịt có tính mát, bồi bổ cho cơ thể
Bên cạnh ý nghĩa cầu mong những điều tốt lành, xua đuổi những điều xui xẻo thì lý do vì sao ăn vịt vào Tết diệt sâu bọ cũng được ông cha ta lý giải rất thuyết phục.
Dịp Tết Đoan Ngọ thường khá nóng nực, oi bức. Thời tiết thay đổi thất thường cũng dễ khiến chúng ta nhiễm cảm cúm, ho sốt, say nắng…
Trong khi đó, thịt vịt lại có tính mát, ngọt, có tác dụng giải độc, hạ nhiệt, giúp tăng thêm sinh lực, bồi bổ cơ thể. Vịt cũng thường được ăn kèm hoặc chế biến cùng các nguyên liệu tốt khác (gừng,hạt sen, táo đỏ…).
Cho nên, ăn thịt vịt vào ngày 5/5 được xem là đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Mùng 5/5 là thời điểm thích hợp để ăn thịt vịt
Theo người miền Trung, dịp Tết Đoan Ngọ là thời điểm vịt bắt đầu vào mùa, thịt chắc, ngọt, béo và thích hợp chế biến thành nhiều món ngon. Lúc này lúa đã gặt xong, vịt no béo đủ để bán mà người nông dân cũng vừa hay có dịp sum họp ăn uống.
Sự phù hợp về giá cả, thời điểm khiến thịt vịt trở thành món ăn quen thuộc mỗi dịp Tết Đoan Ngọ.
Tết Đoan Ngọ còn là “Tết sui gia”, vịt là “lễ vật”
Khi lý giải lý do tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn vịt, ngoài ba điều trên chúng ta có thể lưu ý thêm phong tục của từng địa phương.
Ví như ở Huế, Nghệ An, Tết Đoan Ngọ 5/5 còn được biết tới là ngày “Tết sui gia”, ngày con rể đi tết nhà ngoại .
Cụ thể, gia đình nhà trai hay các chàng rể sẽ sắm lễ vật đến tặng nhà gái hay biếu nhà ngoại. Cặp vịt (2 con vịt) chính là một trong những lễ vật không thể thiếu. Các món ăn chế biến từ vịt cũng trở thành một phần của mâm cơm Tết Đoan Ngọ.
Phong tục này không chỉ thể hiện sự gắn kết giữa hai bên gia đình mà còn là dịp để các chàng rể bày tỏ lòng tôn kính, trả ơn bố mẹ vợ.
Cách chọn vịt để làm món ngon cho Tết Đoan Ngọ
Thịt vịt có thể được dùng để chế biến thành nhiều món ngon. Trong đó, vịt luộc và vịt quay là hai món thường xuất hiện trong mâm cúng, mâm cơm Tết Đoan Ngọ.
Song, để có được món ngon, khi chọn vịt chúng ta nên lưu ý vài điều sau:
- Nên mua vịt đực vì thịt của chúng săn chắc, thơm ngon, chế biến nhanh hơn thịt vịt cái. Vịt đực thường có đầu to, mỏ cứng nhỏ, mắt to trong, mông thon bé và tiếng kêu ồm khàn hơn vịt cái.
- Để kiểm tra vịt béo hay gầy, hãy sờ vào phần xương hông. Nếu thấy săn chắc, dày thịt thì đó là con vịt béo. Vịt béo cũng có phần bàn chân với lớp đệm thịt nhỏ, lớp chai mỏng.
- Trường hợp mua vịt đã làm sẵn về chế biến, chúng ta nên quan sát và chọn những con vịt mới làm, được bảo quản cẩn thận. Để kiểm tra xem thịt còn mới hay không, hãy ấn vào bề mặt con vịt, thịt chắc và đàn hồi tức là thịt mới.
“Tháng Tư đong đậu nấu chè
Ăn tết Đoan Ngọ trở về tháng Năm.”
Ngày 5/5 Âm lịch hàng năm là ngày Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là Tết diệt sâu bọ. Đây là ngày lễ truyền thống quan trọng và có ý nghĩa đối với người Việt. Ngoài các phong tục như ăn bánh tro, cơm rượu, trái cây… thì trong mâm cơm, mâm cúng của nhiều nơi cũng có thêm món thịt vịt.
Mong rằng qua những thông tin mà VOH đã cung cấp, bạn sẽ hiểu được tại sao Tết Đoan Ngọ lại ăn thịt vịt.
Đừng quên theo dõi chuyên mục Thường thức của VOH.COM.VN để đọc những bài viết hay và hữu ích!