Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Vì sao bánh tro là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ?

(VOH) – Trong ngày Tết Đoan Ngọ (5/5 AL) một trong những thứ bánh nhất định phải có, đó là bánh tro. Vậy tại sao tết Đoan Ngọ lại phải ăn bánh tro?

Dân gian có câu “Tháng Năm là Tết Đoan Dương/Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang” cho thấy, Tết Đoan Ngọ (hay Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ) là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa của người Việt.

Tết Đoan Ngọ thường diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch. Tết Đoan Ngọ năm nay sẽ rơi vào thứ năm, ngày 22 tháng 6 năm 2023. Vào ngày này, nhà nhà thường quây quần bên mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ với các loại bánh, trái cây và rượu nếp. Đặc biệt, một trong các loại bánh không thể thiếu chính là bánh tro.

1. Bánh tro là bánh gì?

Bánh tro (hay còn gọi là bánh gio, bánh ú tro, bánh nẳng) là một loại bánh được làm từ gạo nếp ngâm bằng nước tro, sau đó đem gói lá và luộc chín trong nồi.

banh-tro-mon-banh-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-doan-ngo-voh-0
Bánh tro là loại bánh thường thấy trong ngày Tết Đoan Ngọ 

Tên gọi bánh tro (bánh gio) xuất phát từ chính phụ liệu quan trọng nhất làm nên nét đặc trưng của món bánh này là nước tro (hay còn gọi là nước nẳng).

Tuy nhiên, không phải loại nước tro nào cũng có thể làm được bánh tro. Thông thường, người ta sử dụng tro của lá tầm gửi, lá găng, thân lá cây vừng sau khi được phơi khô, hoặc tro của hạt xoài chín, tro rơm nếp.

Tro được hòa tan với nước, đợi lắng rồi cho gạo nếp hoa cái vàng vào ngâm để tạo ra màu vàng hổ phách đẹp mắt cùng hương vị đặc biệt thơm ngon khiến người ăn nhớ mãi.

Ở Việt Nam, món bánh tro nổi tiếng nhất phải kể đến là bánh tro làng Đắc Sở (Hà Nội), bánh gio Tây Đình, bánh nẳng Chợ Tràng (Vĩnh Phúc), bánh nẳng Làng Dòng (Phú Thọ), bánh nẳng của cộng đồng người Mường (Phú Thọ). Món bánh tro cũng nổi tiếng ở một số tỉnh miền Trung như: Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thanh Hóa.

2. Nguồn gốc của bánh tro

Bánh tro được xem là biến thể của món Zongzi có nguồn gốc từ Quảng Đông, Trung Quốc. Bánh Zongzi thường được làm để phục vụ cho lễ hội Thuyền Rồng diễn ra vào ngày mùng 5 tháng 5 hàng năm ở đất nước này.

Điểm khác biệt của bánh Gongzi và bánh tro Việt Nam chính là trong công thức của món bánh Gongzi (bánh tro truyền thống của người Hoa) sẽ có nhân mặn (thịt heo, trứng muối) và nhân ngọt (nhân đậu đỏ, đậu xanh, khoai lang tím…). Trong khi nguyên liệu chính để làm món bánh tro truyền thống ở Việt Nam chỉ gồm: gạo nếp và nước tro.

Hiện nay, tùy vào từng vùng miền, người dân đã biến tấu món bánh tro truyền thống bằng cách thêm nhân mặn gồm thịt mỡ, lòng đỏ trứng muối, ăn kèm cùng tương ớt và đậu phộng giã thô. Nếu làm bánh tro nhân ngọt thường sẽ dùng nhân đậu xanh, bí đỏ, mứt bí đao, sầu riêng… Riêng bánh tro chay (không nhân) bạn sẽ được ăn kèm với mật mía.

Xem thêm: Tết Đoan Ngọ với chiếc bánh ú nước tro

3. Vì sao Tết Đoan Ngọ lại ăn bánh tro?

Ăn bánh tro vào ngày Tết Đoan Ngọ là một thói quen có từ lâu đời của người dân Việt Nam và lý do vì sao lại ăn bánh tro vào ngày này cũng rất đơn giản đó là vì có thể giúp cơ thể hạ nhiệt, điều hòa và ổn định sức khỏe.

Theo quan niệm dân gian, tháng 5 âm lịch là thời điểm nắng nóng oi bức rất dễ sinh dịch bệnh. Bánh tro có vị mát, tính mát ăn dễ tiêu, thích hợp với cả người già và trẻ nhỏ, khi ăn có thể giúp trung hòa bớt sự độc có hại trong cơ thể và bảo vệ sức khỏe.

banh-tro-mon-banh-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-doan-ngo-voh-1
Ăn bánh tro ngày Tết Đoan Ngọ vừa là nét văn hóa vừa tốt cho sức khỏe

Hơn thế, do các nguyên liệu làm từ bánh tro truyền thống đều có tính âm (toàn bộ nguyên liệu là thực vật và khoáng canxi, kali..) nên ăn bánh tro sẽ giúp thanh nhiệt giải độc cơ thể, lợi tiểu, góp phần cải thiện một số vấn đề sức khỏe như tăng huyết áp, sỏi thận, bệnh gout

Ngoài ra, bánh tro còn có công dụng tư âm và dưỡng âm. Đây vốn là tôn chỉ của trường phái dưỡng sinh trong Đông y, như câu nói “dương thường hữu dư, âm thường bất túc". Do đó, thói quen ăn bánh tro ngày Tết Đoan Ngọ không chỉ là một nét đẹp trong văn hóa truyền thống mà nó còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

4. Giải mã lý do bánh tro thường có hình tam giác

Nếu để ý chúng ta sẽ thấy bánh tro hay bánh ú tro thường được gói theo hình dạng tam giác. Rất ít khi thấy bánh tro được gói bằng hình tròn, hình vuông hay các hình dáng khác…

Nhiều người cho rằng, việc gói bánh tro theo hình khối tam giác có thể là theo học thuyết âm dương ngũ hành. Hình tam giác đại diện cho dương Hỏa bên ngoài bao bọc để tương sinh với âm Thổ của bánh được gói gọn ở bên trong. Màu sắc vàng hổ phách của bánh cũng tượng trưng cho màu của đất.

Bánh tro truyền thống thường không có nhân và theo lý giải là khi quay về với đất thì vạn vật trên đời đều trở nên thuần khiết. Tuy quay về với đất nhưng âm dương tương sinh để tiếp tục sinh sôi và phát triển như chính quy luật của tạo hóa.

Hiện nay, tại một số vùng miền người ta đã làm bánh tro với hình thức thuôn dài, cỡ nhỏ. Khi ăn bạn chỉ cần cắt ra thành khúc vừa ăn là được.

Xem thêm: Những việc nên làm và không nên làm trong Tết Đoan Ngọ

5. Tại sao làm bánh tro phải dùng nước tro ngâm gạo?

Như đã nói, điểm đặc biệt và độc đáo nhất của bánh tro để tạo nên sự khác biệt với các loại bánh khác chính là từ nguyên liệu làm bánh, mà cụ thể chính là nước tro ngâm.

Tro dùng để làm bánh tro thường là sử dụng tro thu được sau khi đốt cháy hoàn toàn một số loại thảo dược, dược liệu. Sau đó, đem tro đi rây mịn rồi hòa với nước vôi theo tỷ lệ nhất định, gạn lấy nước thật trong để ngâm gạo nếp.

banh-tro-mon-banh-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-doan-ngo-voh-2
Để làm ra được món bánh đặc sản này phải cần có nguyên liệu cốt lõi - nước tro

Nước tro thực chất là một loại chất kiềm mạnh (Kali cacbonat) có thể giúp tăng độ pH của bột bánh, giữ màu bánh được tự nhiên nhất.

Không chỉ được sử dụng để làm bánh tro, nước tro còn được dùng làm nguyên liệu để sản xuất bia và làm các loại bánh khác như bánh trung thu, bánh ú, làm trứng bắc thảo, mì sợi dẻo…

Những loại bánh sử dụng nước tro trong làm nguyên liệu nếu được dùng với liều lượng hợp lý sẽ có hương vị rất ngon và đặc biệt.

6. Hướng dẫn cách làm bánh tro đơn giản

Bánh tro hiện nay không còn quá khó tìm như ngày trước, nhất là khi ngày Tết Đoan Ngọ đang cận kề. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tự tay mình làm ra những chiếc bánh tro thơm ngon hấp dẫn để thưởng thức trong ngày Tết diệt sâu bọ thì bạn có thể tham khảo cách làm bánh tro truyền thống dưới đây.

6.1 Nguyên liệu

  • Gạo nếp: 1,5 kg
  • Nước tro: 1,5 lít
  • Lá tre (lá dong, lá chuối)
  • Dây lạt
  • Dụng cụ: nồi hấp, tô, chén…

6.2 Cách làm bánh tro truyền thống

banh-tro-mon-banh-khong-the-thieu-trong-ngay-tet-doan-ngo-voh-3
Cách làm bánh tro truyền thống đơn giản tại nhà
  • Gạo nếp vo sạch, cho vào chậu nước muối vào ngâm khoảng 5 – 6 tiếng thì đãi sạch, vớt ra, để ráo nước.
  • Cho nước tro vào chậu, tiếp tục lấy gạo nếp cho vào ngâm thêm từ 20 – 22 tiếng trước khi gói bánh. Khi ngâm, bạn hãy thử lấy hạt gạo nếp bóp nhẹ, nếu hạt gạo vỡ ra thì đã ngấm đủ nước tro.
  • Sau khi gạo đã ngâm đạt, bạn xả gạo qua nước, sau đó xóc với muối theo tỷ lệ 0,5 kg gạo thì dùng 20g muối, để vào rổ cho ráo nước.
  • Lá tre rửa sạch cho vào nồi chần sơ cho lá mềm, để ráo.
  • Xếp 2 lá tre lên nhau sao cho 2 lá hơi lệch nhau 1 chút, để phần mặt lá xuống dưới. Sau đó cuộn đầu lá thành hình cái phễu, phần dưới đuôi lá phải kín chặt để gạo không rơi ra.
  • Múc gạo nếp đổ vào đến khi thấy vừa thì dùng thìa nén chặt. Sau đó, gấp phần lá vào cho thật kín và gói lại bằng dây lạt. Cứ làm cho đến khi hết nguyên liệu.
  • Sử dụng một nồi to, cho bánh tro vào nồi sau đó đổ nước ngập mặt bánh, đun khoảng 2 – 2,5 tiếng. Trong quá trình nấu bánh, cần lưu ý đổ thêm nước để tránh nước bị cạn.
  • Sau khi bánh chín, bạn vớt bánh ra xả qua nước lạnh rồi để ráo nước là được.

Lưu ý: Bánh tro truyền thống sẽ ngon hơn khi được ăn cùng mật mía.

Xem thêm: Công thức 4 món ngon phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5 AL)

Truyền thống của người Việt, vào ngày Tết Đoan Ngọ trên bàn thờ cúng tổ tiên thường sẽ có vài chiếc bánh tro cùng với các loại bánh, trái cây khác. Bánh tro thanh đạm, dễ ăn, đặc biệt món ăn này gợi ta nhớ đến hương vị đặc biệt của miền quê dân dã. 

Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet

Bình luận