"Tất tần tật" về Tết Đoan Ngọ - Mùng 5 tháng 5

(VOH) - Tết Đoan Ngọ vào mùng 5/5 (Âm lịch) là phong tục lễ tết Á Đông gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm.

Nguồn gốc và Ý Nghĩa Tết Đoan Ngọ

Theo truyền thuyết kể lại, một ngày sau khi thu hoạch, nông dân ăn mừng vì trúng mùa nhưng sâu bọ năm ấy lại kéo dày ăn mất cây trái, thực phẩm đã thu hoạch.

Nhân dân đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân. Ông chỉ cho dân chúng mỗi nhà lập một đàn cúng gồm đơn giản có bánh tro, trái cây. Sau đó, mọi người ra trước nhà mình vận động thể dục.

Dân chúng biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt cho ngày này là ngày "Tết diệt sâu bọ", có người gọi nó là "Tết Đoan ngọ" vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ.

Bởi vậy, không thể quan niệm Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như một số người vẫn lầm tưởng như hiện nay.

Trong ngày này, người ta thường sum họp ở nhà với gia đình. Buổi sáng sớm ngày Tết Đoan ngọ người ta ăn bánh tro, chè hạt sen, trái cây, và rượu nếp để giết sâu bọ, bệnh tật trong người. Thường lệ người ta ăn rượu nếp ngay sau khi họ ngủ dậy.

Người Việt thường gọi Tết Đoan Ngọ là tết ‘diệt sâu bọ’ vì tin rằng trong hệ tiêu hóa của con người thường có sâu bọ, ảnh hưởng tới sức khỏe. Hằng năm, chỉ có đúng ngày mùng 5 tháng 5 là cơ hội để trừ khử. Ngoài ra Tết Đoan Ngọ là ngày phát động bắt sâu bọ, tiêu diệt bớt các loài gây hại cho cây trồng trên cánh đồng, trong đó nhiều loài sâu có thể ăn được và chúng được coi như là chất bổ dưỡng.

Vì sao là Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày mùng 5 tháng 5?

Tết Đoan Ngọ, hay dân gian quen gọi là tết diệt sâu bọ, tết nửa năm... rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Vì sao lại như vậy?

Trong các bộ môn Lý học Đông phương cổ, nền tảng chính là Hà Đồ và Lạc thư, và Hà Đồ phối hậu thiên Lạc Việt.

Theo đó, tháng 3 là tháng Thìn - Rồng biểu tượng của Vương quyền chính là tháng thứ 5 kể từ tháng Tý (Tháng Tý là tháng 11 âm, sau đó tới tháng Chạp, Giêng, tháng hai). Đây là biểu tượng của 5 vòng tròn trắng ở trung tâm Hà Đồ thuộc Dương (Tháng có trước thuộc Dương). Ngày là con của tháng thuộc Âm, nên chọn ngày mùng 10. Đó chính là biểu tượng của 10 vòng tròn đen thuộc Âm trên Hà đồ. Cho nên ông cha ta chọn biểu tượng của ngày giỗ Tổ là mùng 10 tháng 3.

Ngày mùng 5 tháng 5 chính là biểu tượng của hai dãy mỗi dẫy 5 vòng tròn đen ở trung tâm Hà Đồ. Tháng 5 là tháng Ngọ (Đoan là bắt đầu nên có tên là Đoan Ngọ) và tiết khí là Hạ Chí, nhưng là ngày cực âm khi vạn vật quay về Thổ trung cung - đó chính là số 5. Vậy nên, đây chính là ngày mang tính biểu tượng của ngày giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ.

Ngày nay nhiều người vẫn còn giữ phong tục mua lá xông về để xông cho các thành viên trong gia đình vào dịp này.

Tháng Ngọ cũng chính là giữa năm (Ngọ luôn là biểu tượng chính giữa) cho nên cũng được gọi là Tết giữa năm, nhưng ý nghĩa quan trọng chính là biểu tượng của ngày Giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ.

Trong ngày Lễ Tết này theo truyền thống của dân tộc Việt, cũng như các tết khác, người dân ăn tết Đoan Ngọ bằng sự cúng lễ.

Tại các làng xã có lễ thần tại đình, đền; ở thôn, xóm có cúng tại miếu. Gia đình thì làm lễ cúng tổ tiên và Thổ công. Lễ vật cúng là rượu nếp, trái cây. Cúng xong thì ăn, không ai mang đổ xuống sông như tục bên Trung Quốc

Ở nhà thì chúng ta thường thắp hương trên ban thờ Tổ tiên gồm hoa quả, bánh tro (bánh gio), rượu nếp - đặc sản của văn minh lúa nước. Do biểu tượng là ngày Cực Âm trong tiết Hạ chí (cực nóng) nên đồ ăn đều là đồ nguội, lạnh mang tính hàn. Hoa quả được chọn có hình tròn như vải, mận (miền Nam gọi là mận bắc), hạt sen (làm chè).

Cũng chính vì điều đó, ông cha ta gọi ngày này là ngày giết sâu bọ bởi tiết Hạ Chí chính là tiết để gieo hạt vụ mùa hè thu. Giết sâu bọ bằng biểu tượng hình Kim cũng là để chuẩn bị cho một vụ mùa không có sâu bệnh, hướng tới một vụ mùa bội thu.

Tết Đoan ngọ cần chuẩn bị gì và cúng vào giờ nào cho đúng?

Vào ngày này các gia đình sắm lễ dâng hương, cầu mong vạn sự may mắn, bình an và lòng hướng đến một tiết mới trong sáng, quang đãng. Theo quan niệm dân gian, các gia đình nên cúng Tết Đoan ngọ đúng vào giờ ngọ tức là từ 11-13 giờ. Ngoài ra, nếu không sắp xếp được thời gian, các gia đình có thể dâng lễ cúng vào 7-9 giờ sáng. Hai khung giờ được coi là khung giờ hoàng đạo, thích hợp để tiến hành những nghi lễ cúng bái tâm linh. 

Tết Đoan Ngọ

Ảnh minh họa: vietnamnet

Theo truyền thống, mâm lễ vật cúng Tết Đoan ngọ bao gồm: hương, hoa, vàng mã, nước, rượu nếp, các loại hoa quả bánh trái có vị chua, cay, nóng. Trong đó, không thể thiếu món bánh tro, bánh ú, cơm rượu nếp, xôi, chè. Lễ vật cúng Tết Đoan ngọ sẽ có sự khác nhau theo vùng miền. Ở miền Bắc có bánh tro, còn trên mâm cúng ở miền Nam có bánh ú, chè trôi nước, miền Trung lại có chè kê. Với mâm cúng miền Bắc, người dân thường sắm lễ vật là các loại hoa quả mùa hè như mận, đào, vải, xoài, cơm rượu nếp...

Tùy từng điều kiện gia đình, có thể làm mâm cỗ chay hoặc mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào ngày "Tết giết sâu bọ", hoặc dâng hương hoa, cúng trái cây tươi. Tuy nhiên dù cúng cỗ chay hay mặn cũng cần phải có 3 thứ: rượu nếp, bánh tro và hoa quả.

Nếu chuẩn bị mâm cỗ cúng, ngoài những món truyền thống như xôi gấc, nem rán, gà luộc,...có thể làm thêm những món tuỳ sở thích như sườn sốt chua ngọt, thịt kho tàu, cá rán, cá kho.

Người miền Bắc thường thắp hương vào buổi sáng, sau đó ăn rượu nếp và các loại quả như vải thiều, mận để giết sâu bọ. Sau đó trưa sẽ ăn các món được chế biến từ thịt vịt. Ngoài ra, mâm cỗ cúng còn có các loại chè, bánh trôi, bánh chay, xôi oản, chè kho. Trong khi đó, mâm cúng Tết Đoan ngọ của người miền Trung và miền Nam có thêm bánh tráng, chè kê và nhất định không thể thiếu bánh tro (bánh ú).

Cũng theo quan niệm giân dan, Tết Đoan ngọ là ngày đất trời giao thoa để có được may mắn mọi người không nên dừng chân ở nơi âm u, nhiều tà khí vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Và tránh mua đồ lưu niệm trong ngày Tết Đoan ngọ bởi người xưa quan niệm mọi vật đều chứa linh khí nếu tốt sẽ mang lại may mắn tài lộc còn nếu không tốt sẽ mang những điều xui xẻo. Ngoài ra, những gia đình có trẻ nhỏ nên dùng chỉ ngũ sắc tết thành dây để đeo hoặc treo trên giuờng, nôi của trẻ để tránh tà, tránh họa. Nếu vận thế đang không thuận, sức khỏe không tốt, dịp Tết Đoan ngọ bạn có thể dùng thêm cành đào hoặc gỗ đào để trừ ách.

Những điều kiêng kỵ tuyệt đối không nên làm vào dịp Tết Đoan Ngọ

Để giày dép lộn xộn: Trong tiếng Trung Quốc, phát âm của giày dép giống với từ “tà”. Do vậy, trong ngày Tết Đoan Ngọ, nếu để giày dép lộn xộn, không đúng chỗ dễ chiêu dụ tà khí, mang đến nhiều điều không tốt lành cho gia chủ.

Để tiền rơi: Làm rơi tiền hay ví tiền trong ngày Tết Đoan Ngọ giống như việc bạn đánh rơi tài lộc, những điều tốt lành do vậy bạn hãy giữ tiền cẩn thẩn tránh gặp phải vận xui liên quan đến tiền bạc.

Mua vật phẩm có hình kỳ quái: Trong ngày Tết Đoan Ngọ, bạn không nên mua về nhà những vật phẩm có hình thù quái dị, đáng sợ, không rõ nguồn gốc, ý nghĩa. Nếu không may việc làm này còn khiến bạn rước thêm tà khí về nhà.

Chọn phòng đầu tiên hoặc cuối cùng ở hành lang khi lưu trú ở khách sạn, nhà nghỉ: Theo phong thủy, đây là hai vị trí dễ thu hút nguồn năng lượng tiêu cực, không tốt cho sức khỏe của bạn.

Dừng chân ở nơi âm u: Nếu ra ngoài trong ngày này bạn nên tránh việc đến bệnh viện, đám ma vì những nơi này tích tụ nhiều âm khí, dễ chiêu dụ tà khí, bệnh tật.