Chờ...

Những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Đoan Ngọ

VOH - Mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm là ngày Tết Đoan Ngọ. Đây là ngày dân gian quen gọi là "Tết giết sâu bọ".

Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hoá của người Việt. Đây là dịp quan trọng thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên Đán.

“Đoan” có nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” chỉ giờ ngọ, tức là khoảng thời gian nóng nhất trong ngày (từ 11 giờ đến 1 giờ chiều). Đoan Ngọ có thể hiểu là “ngày mở đầu chuỗi ngày nóng nhất trong năm”.

Trong ngày này người dân các địa phương sẽ ăn các món ăn truyền thống như cơm rượu, mận, vải, thịt vịt, bánh ú tro…

Cơm rượu

Trong dịp Tết Đoan Ngọ, một món ăn phổ biến trong các gia đình người Việt đó là cơm rượu. Theo quan niệm người xưa, trong hệ tiêu hóa chúng ta thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây tác hại không tốt cho cơ thể.

cơm rượu
Cơm rượu là một món ăn phổ biến trong các gia đình trong dịp Tết Đoan Ngọ - Ảnh: Gia đình

Cơm rượu nếp là loại thực phẩm được làm từ nếp trộn với men rượu và đường glucose. Đây là thực phẩm giàu tinh bột, giàu vitamin nhóm B, B1 và chứa nhiều năng lượng…

Vải, mận

Theo truyền thống, vào Tết Đoan Ngọ, người Việt thường ăn các loại hoa quả có vị chua, đắng, chát, ngọt, thường là quả vải, mận, đào… để giết sâu bọ.

quả mận
Quả mận

Đây cũng là những loại quả đang rộ mùa, vừa ngon lại rẻ... Những thức quả này có vị chua ngọt dịu dàng, rất thích hợp ăn để "diệt sâu bọ". Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, không nên ăn các loại trái cây này khi bụng đói.

Bánh gio, bánh ú

Một đặc trưng thường thấy trong Tết Đoan Ngọ đó là bánh gio (bánh tro) mật mía. Thời nay, không phải cứ đến Tết Nguyên Đán mới thấy bánh chưng, cũng chẳng phải Tết Đoan Ngọ về mới có bánh gio, nhưng đến lễ diệt sâu bọ, bánh gio dường như có ý vị và tầm quan trọng hơn hẳn.

bánh ú
Bánh ú

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, không ít thì nhiều, ai cũng sẽ muốn nêm một miếng bánh gio trong vắt, gạo mềm, dẻo và quện, chấm với mật mía hoặc mạch nha, ăn ngọt vừa lại mát.

Ngoài bánh gio, một loại bánh khác cũng được dùng trong ngày Tết Đoan Ngọ là bánh ú nếp. Bánh ú không phổ biến ngoài miền Bắc, thứ bánh đầy đặn này thường được người miền Trung, miền Nam ăn nhiều hơn, đặc biệt là người Hoa tại TPHCM.

Thịt vịt

Thịt vịt (quay hoặc luộc) cũng là một trong những món ăn quen thuộc trong ngày Tết Đoan Ngọ. Không chỉ mang ý nghĩa may mắn, thịt vịt còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng cân bằng âm dương, giúp thanh nhiệt, bồi bổ sức khỏe rất tốt.

Bởi vịt trong tiếng Hán là "áp". Vịt đồng âm với "áp" nên mang nghĩa trấn áp sự xâm nhập của bệnh tật, tà khí. Đây cũng là lời chúc người thân, bạn bè luôn an lành.

thịt vịt
Thịt vịt

Chè kê

Món chè kê thường được nấu cúng ông bà trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Trung, nhất là người dân xứ Huế, Quảng Nam Đà Nẵng.

Kê nấu chè, dẻo thơm, rất thanh đạm và dễ ăn. Kê thu hoạch từ tháng 4 âm lịch, tròn mẩy, vàng óng được xay tróc vỏ nhưng vẫn còn lớp cám mỏng bên ngoài. Tiếp đó, hạt kê được ngâm nước lạnh đến khi mềm thì mang đi nấu.

Chè kê được nấu với nước đường pha gừng, cách ăn cũng độc lạ không dùng thìa mà dùng bánh tráng vừng. Muốn món chè kê thanh mát hơn, cho thêm đậu xanh tách vỏ vào nấu cùng. Kê dẻo quánh, thơm ngan ngát mùi gừng kết hợp với bánh tráng giòn tan, ăn rất thích. 

chè kê
Món chè kê thường được nấu cúng ông bà trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Trung

Xem thêm: 18 bài thơ chúc Tết Đoan Ngọ hay nhất

Chè trôi nước

Chè trôi nước là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Nam.

Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.

chè trôi nước
Chè trôi nước là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ của người miền Nam.