Văn hóa là gì? Những biểu hiện và giá trị của một nền văn hóa

(VOH) - Nhà soạn kịch Menander đã từng nói: “Văn hóa khiến tất cả con người trở nên dịu dàng”. Vậy văn hóa là gì? Nó có thật sự hóa phép cho con người trở nên tốt đẹp hơn không?

Trải qua hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã tạo nên một nền văn hóa lâu đời. Những nét đẹp văn hóa ấy vẫn được gìn giữ và phát huy cho đến tận bây giờ. Thế nhưng, với nhiều nhiều người có lẽ vẫn còn chưa rõ khái niệm văn hóa là gì? Giá trị cũng như các loại hình văn hóa hiện nay?.

1. Văn hóa là gì?

Văn hóa là một khái niệm nội hàm mang nhiều ý nghĩa. Nó đề cập đến đời sống tinh thần và vật chất của con người. Theo nghiên cứu của hai nhà nhân loại học Alfred Kroeber và Clyde Kluckhohn thì văn hóa có đến 164 định nghĩa. Trong các lĩnh vực nghiên cứu như nhân loại học, dân tộc học, dân gian học, xã hội học, dân gian học,... mỗi khái niệm về văn hóa được nêu ra đều khác nhau.

van-hoa-la-gi-voh-0
Con người hình thành, tiếp nhận và bảo tồn văn hóa trong thời gian rất lâu trước đây

Về thuật ngữ khoa học, văn hóa có nguồn gốc từ chữ La tinh “Cultus” nghĩa là gieo trồng. Văn hóa được giải thích theo hai nghĩa chính là “Cultus Agri” (gieo trồng ruột đất) và “Cultus Animi” (gieo trồng tinh thần - “sự giáo dục bồi dưỡng tâm hồn con người”). Nhà triết học người Anh Thomas Hobbes nhận định rằng “Lao động dành cho đất gọi là sự gieo trồng và sự dạy dỗ trẻ em gọi là gieo trồng tinh thần”.

Về miêu tả, nhà nhân loại học Edward Burnett Tylor (Anh) đã lý giải văn hóa là một phức hợp gồm phong tục, tập quán, nghệ thuật, kiến thức, đạo đức, đức tin, pháp luật mà mỗi cá nhân tiếp thu được với tư cách là thành viên của xã hội đó. 

Về lịch sử, tính ổn định văn hóa được xây dựng dựa trên tính kế thừa và truyền thống xã hội. Nhà nhân loại học, ngôn ngữ học Edward Sapir (Mỹ) cũng đã nói:  “Văn hóa chính là bản thân con người, cho dù là những người hoang dã nhất sống trong một xã hội tiêu biểu cho một hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và quan điểm được bảo tồn theo truyền thống.” 

Đặc biệt, vào năm 2002, UNESCO từng nhận định: “Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin”.

Từ đó, chúng ta đúc kết ra được, văn hóa là những giá trị vật thể do con người sáng tạo nên với mục đích là phục vụ cho nhu cầu và lợi ích của con người. Nó bao gồm hai khía cạnh là phi vật chất (tư tưởng, ngôn ngữ, giá trị,...) và vật chất (quần áo, nhà cửa, phương tiện,...). Trong cuộc sống hàng ngày, khi đề cập đến văn hóa là nói đến ngôn ngữ, tư tưởng, tôn giáo,... hoặc những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử ghi lại dấu ấn sâu đậm của một dân tộc. 

Văn hóa là văn học, nghệ thuật gồm thơ ca, mỹ thuật, điện ảnh, sân khấu. Ngoài ra, văn hóa chính là cách sống của mỗi con người về gu thời trang, ẩm thực, tri thức, đức tin, hành vi, thái độ, cách cư xử,... Dựa vào khái niệm trên, chúng ta có thể nhìn nhận một ai đó là có văn hóa, văn hóa cao hay vô văn hóa, văn hóa thấp. 

Có thể nói, văn hóa có sự gắn kết chặt chẽ với quá trình tiến hóa sinh học của loài người, là sản phẩm của người thông minh (Homo Sapiens). Theo thời gian, con người định hình được môi trường tự nhiên cho bản thân dựa vào khả năng sáng tạo, các tác động sinh học hay bản năng dần tiêu biến. Khi đó, bản tính con người mang tính văn hóa nhiều hơn, không còn hành động và suy nghĩ theo bản năng.

Xem thêm: Tìm hiểu về nền văn hiến văn vật ngàn năm của Việt Nam

2. Giá trị văn hóa là gì?

Giá trị văn hóa (vốn văn hóa) là những giá trị tiêu biểu cho một tập hợp phong tục, tín ngưỡng, truyền thống, ngôn ngữ, các mối quan hệ được xác định rõ ràng trong một xã hội hay một nhóm người. Di sản văn hóa của mỗi dân tộc và quốc gia có tính độc quyền và hoàn toàn khác nhau được xét dựa trên yếu tố giá trị văn hóa. Nhờ đó, thói quen, thái độ, đặc điểm xã hội và bản sắc văn hóa của con người được thiết lập.

Giá trị văn hóa sở hữu 4 đặc điểm chính. Thứ nhất, nó có khả năng gia tăng giá trị kinh tế khi được xem là một loại hàng hóa đặc thù. Thứ hai, nó giúp xây dựng nhân cách, làm thay đổi hành vi cá nhân, hướng con người đến những chuẩn mực đạo đức, gia tăng chất lượng trí tuệ của nguồn nhân lực, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Thứ ba, hình thành một môi trường xã hội lành mạnh. Cuối cùng, giá trị hàng hóa càng tăng khi sản phẩm đó chứa hàm lượng văn hóa, trí tuệ cao.

van-hoa-la-gi-voh-1
Quần thể di tích cố đô Huế

Di sản phi vật thể (văn chương, tri thức, nghệ thuật, kỹ năng,...) và vật thể (thành quách, lâu đài, bảo vật, di sản thiên nhiên,...) mang giá trị văn hóa. Nó đại diện cho quá trình lịch sử xây dựng và phát triển của mỗi dân tộc, quốc gia. Không những thế, di sản văn hóa còn mang đến nguồn lợi kinh tế to lớn cho cộng đồng và đất nước. Vì vậy, chúng ta cần gìn giữ và bảo tồn các di sản văn hóa để gia tăng giá trị của chúng.

Xem thêm: Phong tục tập quán là gì? Và làm sao để giữ gìn những nét đẹp trong văn hóa Việt Nam?

3. Các biểu hiện của văn hóa

Để đánh giá các mặt hay khía cạnh của văn hóa, chúng ta cần xét đến nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó có chân lý, giá trị, biểu tượng, mục tiêu, chuẩn mực.

3.1 Chân lý

Theo xã hội học, chân lý là những quan điểm, nhận định đúng sai, phải trái và thể hiện rõ tư duy của mỗi người. Mỗi một nền văn hóa sẽ có những giá trị chân lý khác nhau. Ở nền văn hóa này có thể công nhận chân lý ấy là đúng đắn nhưng nền văn hóa khác lại phủ nhận nó.

3.2 Biểu tượng

Biểu tượng văn hóa được hiểu đơn giản là những gì mang ý nghĩa cụ thể và con người có thể nhận biết được như hình ảnh, âm thanh, đồ vật,... Biểu tượng văn hóa không cố định, có thể thay đổi theo thời gian và phụ thuộc vào từng nền văn hóa khác nhau.

3.3 Giá trị

Văn hóa trường tồn với thời gian và giá trị cũng được xem là một phần quan trọng của nó. Mỗi cá nhân đang sinh sống trong một nền văn hóa sẽ luôn xác định được điều mình mong muốn hoặc không, biết được điều gì là tốt hay xấu,... Đây là biểu hiện của giá trị văn hóa. Đồng thời, mỗi người đều đang cố gắng xây dựng quan điểm riêng về bản thân, về thế giới dựa trên những giá trị đó.

3.4 Mục tiêu

Mục tiêu là đích đến thực tế mà con người cần phấn đấu và nỗ lực để đạt được. Mục tiêu phân ra làm hai loại là mục tiêu chung (cộng đồng, xã hội) và riêng (cá nhân). Mục tiêu chung được sinh ra thông qua việc thống nhất các ý kiến, quan điểm giữa cá nhân. Nó thể hiện rõ nét văn hóa của một dân tộc.

Đặc biệt, mục tiêu chịu ảnh hưởng của giá trị. Khi bản thân mong muốn những giá trị gì thì sẽ sinh ra mục tiêu như thế, không có giá trị sẽ không có mục tiêu để phấn đấu, hoàn thành. Tuy nhiên, mục tiêu và giá trị là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.

3.5 Chuẩn mực

Chuẩn mực là những nguyên tắc, yêu cầu của xã hội đề ra thông qua lời nói, biểu tượng hay ký hiệu. Chuẩn mực đạo đức dựa trên nền tảng chuẩn mực văn hóa quan trọng, còn chuẩn mực văn hóa ít quan trọng gọi là tập tục truyền thống. 

Chuẩn mực đạo đức được đánh giá qua hành vi của mỗi cá nhân. Tập tục truyền thống là chỉ những quy tắc giao tiếp ứng xử trong xã hội. Nhờ vào những chuẩn mực đạo đức hay tập tục truyền thống mà con người cư xử văn minh, lịch sự hơn, tạo nên một cộng đồng văn hóa.

Xem thêm: Vai trò của đạo đức trong xã hội hiện đại là gì?

4. Các loại hình văn hóa trong đời sống ngày nay

Ngày nay, văn hóa được chia ra làm các loại hình cụ thể là văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần, văn hóa cộng động, văn hóa cá nhân, văn hóa vùng lãnh thổ, văn hóa sinh thái,... Mỗi loại hình văn hóa đều mang đến một giá trị to lớn cho con người.

4.1 Văn hóa cộng đồng

Văn hóa cộng đồng gồm 6 loại văn hóa. Đó là văn hóa tộc người; văn hóa quốc gia Việt Nam; văn hóa làng; văn hóa gia đình, gia tộc, dòng họ; văn hóa tôn giáo tín ngưỡng và văn hóa nghề nghiệp. 

van-hoa-la-gi-voh-2
Văn hóa cộng đồng

Văn hóa tộc người được hình thành từ thời kì đồ đá và duy trì cho đến ngày nay. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Điều này cho thấy sắc thái văn hóa cô cùng đa dạng, phong phú. Nó được thể hiện trên ba cấp độ nhóm ngôn ngữ - tộc người, tộc người và nhóm địa phương của tộc người.

Văn hóa Việt Nam là liên văn hóa, nhận diện dựa trên hệ tư tưởng, đạo đức, lối sống và nếp sống, khoa học và giáo dục, ngôn ngữ và chữ viết.

Văn hóa làng có mối quan hệ mật thiết với cộng đồng làng. Đây được xem là một cơ cấu dân cư, kinh tế, xã hội và văn hóa cơ bản của các tộc người hình thành từ hàng ngàn năm trước. Mỗi làng đều có tên gọi, số phận, lịch sử, tâm hồn và phẩm chất riêng. 

Văn hóa gia đình, gia tộc và dòng họ là hình thức cộng đồng huyết thống, hình thành các dạng văn hóa đặc thù gọi là gia phong. Gia phong đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách con người và tạo dựng văn hóa. Nó xây dựng và củng cố cộng đồng, từ đó thúc đẩy phát triển văn hóa dân tộc. Đặc biệt, gia phong là môi trường giáo dục tốt nhất cho con người.

Văn hóa tôn giáo tín ngưỡng gồm các dạng thức văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo, văn hóa Kitô giáo, văn hóa đạo Mẫu, văn hóa Hồi giáo,... Nó biểu hiện qua hai yếu tố chính là văn hóa vật thể (nhà thờ, chùa, thánh thất, đình, am, miếu,...) và văn hóa phi vật thể (giáo lý, kinh sách giảng dạy đạo đức, chuẩn mực ứng xử trong xã hội). Tính đa dạng văn hóa dân tộc hình thành nhờ vào văn hóa tín ngưỡng kết hợp với các hình thức văn hóa nghệ thuật.

Văn hóa nghề nghiệp thể hiện sự đa dạng và phong phú các ngành nghề của nước ta như nông nghiệp, thủ công nghiệp, đánh bắt, buôn bán,... Ngoài nông nghiệp, nước ta có nghề thủ công của các dân tộc thiểu số hay các phố nghề. Đồng thời có những người làm ngư nghiệp, quanh năm gắn bó với sông nước thực hiện các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản. Từ đó, mỗi làng nghề tạo nên một nét đẹp, sắc thái văn hóa riêng.

Xem thêm: Tư tưởng là gì? Những nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại

4.2 Văn hóa cá nhân

Văn hóa cá nhân được hình thành dựa trên nguyên lý tiếp thu các dạng thức văn hóa từ cộng đồng, gia đình và phụ thuộc vào trình độ giáo dục và thể chất của cá nhân đó. Văn hóa là sự kết thừa liên tục, thông qua sự học hỏi và tiếp nhận nền văn hóa, con người có thể tạo nên nét đặc thù riêng, không lẫn với bất kỳ ai. 

Trong thời 4.0 này, văn hóa cá nhân càng rõ nét hơn khi con người có thể tự do giải phóng bản thân và khẳng định cá tính của mình với tiêu chí hành động và suy nghĩ chuẩn mực. Điều này góp phần xã hội và nhân cách của con người ngày càng phát triển tốt đẹp hơn. 

4.3 Văn hóa vùng lãnh thổ

Văn hóa vùng có dạng thức là văn hóa lãnh thổ và mang tính chất liên văn hóa, được hình thành và tồn tại trong một không gian lãnh thổ nhất định. Nó thể hiện qua cách thức sinh hoạt của cộng đồng từ ăn uống, ăn mặc, đi lại cho đến sản xuất, phong tục, tín ngưỡng, các lễ hội vui chơi giải trí. Nhờ vào những hoạt động này mà chúng ta phân biệt được đặc trưng văn hóa của mỗi vùng lãnh thổ. 

Văn hóa vùng lãnh thổ ở Việt Nam có 7 vùng văn hóa lớn:

  • Vùng văn hóa đồng bằng Bắc bộ gồm 5 tiểu vùng như Kinh Bắc, Sơn Nam, Xứ Đoài, Xứ Đông và Thăng Long - Hà Nội. 
  • Vùng văn hóa Việt Bắc có 2 tiểu vùng là Cao - Bắc - Lạng và Đông Bắc.
  • Vùng văn hóa Tây Bắc và miền núi Thanh Nghệ chỉ có 3 tiểu vùng là Tây Bắc, miền núi Thanh Nghệ và Mường Hòa Bình.
  • Vùng văn hóa Bắc Trung Bộ 3 tiểu vùng gồm Xứ Thanh, Xứ Nghệ và Xứ Huế.
  • Vùng văn hóa Nam Trung Bộ chia thành 3 tiểu vùng là Xứ Quảng, Phú Yên - Khánh Hòa và Ninh Bình Thuận.
  • Vùng văn hóa Trường Sơn - Tây Nguyên phân thành 4 tiểu vùng, gồm có nam Trường Sơn, bắc Tây Nguyên, trung Tây Nguyên và nam Tây Nguyên.
  • Vùng văn hóa Nam bộ có 3 tiểu vùng là đông Nam Bộ, tây Nam Bộ và Sài Gòn -  Gia Định.

Trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước đã hình thành nên văn hóa vùng. Do đó, những đặc trưng của nó mang tính truyền thống ổn định, có tính kế thừa cao, truyền từ đời này sang đời khác. Truyền thống cũng có mặt tích cực và tiêu cực nên cần chọn lựa các truyền thống có ý nghĩa thiết thực cho sự phát triển bền vững và lâu dài của mỗi vùng, mỗi địa phương.

Xem thêm: Nhân văn - Một lối sống đẹp cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày nay

4.4 Văn hóa sinh thái

van-hoa-la-gi-voh-3
 

Các dạng môi trường sinh thái như sinh thái biển đảo, sinh thái thung lũng, sinh thái đồng bằng châu thổ, sinh thái rẻo cao, sinh thái rẻo giữa, sinh thái cao nguyên,... được gọi là văn hóa sinh thái. Văn hóa này có dạng thức văn hóa sinh thái - tộc người do sự phân bố của các tộc người thường phụ thuộc vào môi trường và sinh thái nhất định.

Khi sinh sống ở một môi trường sinh thái trong thời gian lâu dài, mỗi tộc người sẽ có khả năng thích ứng cao môi trường đó và hình thành nên những truyền thống xã hội, văn hóa, kinh tế riêng. Trong các tộc người, người Kinh chiếm dân số đông nhất, thường phân bố chủ yếu ở đồng bằng châu thổ, ven biển, đô thị lớn, hải đảo. Họ tạo thành các dạng văn hóa sinh thái tương ứng vừa có tính thống nhất cao vừa mang sắc thái đa dạng.

4.5 Văn hóa vật chất

Văn hóa vật chất là những phát minh, sáng tạo hữu hình do con người làm ra. Đây là sản phẩm tinh thần mang giá trị lịch sử, khoa học và được lưu trữ bằng chữ viết, trí nhớ. Để không bị mai mục, cha ông ta đã sáng tạo ra hình thức truyền miệng, truyền nghề, biểu diễn,... để lưu giữ, giúp con cháu đời sau có thể tiếp nối và phát huy những văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

4.6 Văn hóa tinh thần

Văn hóa tinh thần (phi vật chất) bao gồm những tư tưởng, giá trị, chuẩn mực, phong tục, tập quán, tín ngưỡng,... Tất cả những điều này tạo nên một hệ thống hoàn chỉnh, đem đến sự thống nhất và tiến hóa nội tại cho văn hóa.

Xem thêm: Tấm lòng nhân ái của con người - sợi dây gắn kết và lan tỏa yêu thương

5. Làm thế nào để hình thành lối sống văn hóa trong xã hội hiện đại?

Trong cuộc sống, mỗi cá nhân luôn có khát khao tu dưỡng bản thân có một lối sống văn hóa. Nhưng làm thế nào để đạt được điều ấy thì không hẳn ai cũng thực hiện được. Trước tiên, để có lối sống văn hóa, chúng ta cần hình thành thói quen sống đẹp và tạo cho mình một nếp sống văn minh, tốt đẹp.

van-hoa-la-gi-voh-4
Sống đẹp đơn giản là cách giao tiếp, suy nghĩ, biểu hiện của hành vi trong các hoạt động hằng ngày

Sống đẹp đơn giản là cách giao tiếp, suy nghĩ, biểu hiện của hành vi trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày giữa người với người. Chúng ta hãy biết yêu thương, quan tâm và giúp đỡ mọi người xung quanh, biết “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

Bên cạnh đó, chúng ta hãy “nuôi dưỡng” cho bản thân một nếp sống tốt. Những cử chỉ, hành động và suy nghĩ tích cực cứ lặp đi lặp lại sẽ giúp chúng ta hành thành thói quen tốt. Từ đó, chúng ta sẽ cư xử văn hóa hơn, sống có nề nếp và nguyên tắc.

Xem thêm: Học cách sống tử tế để tạo ra được sức mạnh to lớn trong xã hội

6. Những câu danh ngôn hay về “văn hóa”

Để hiểu hơn và biết cách bồi dưỡng bản thân trở thành người có văn hóa, chúng ta hãy cùng đọc qua những câu danh ngôn hay về văn hóa của các bậc hiền tài đã đúc kết ra từ kinh nghiệm của bản thân nhé!

van-hoa-la-gi-voh-5
 
  1. Văn hóa khiến tất cả con người trở nên dịu dàng. – Menander
  2. Văn hóa muốn gì? Muốn biến vô cùng thành có thể hiểu được. – Umberto Eco
  3. Văn hóa: tiếng kêu của con người khi đối diện với số phận. – Albert Camus
  4. Văn hóa của chúng ta định hình bởi nghệ thuật và khoa học nhân văn hơn là bởi chính trị. – Jim Leach
  5. Thuần hóa hổ không phải là một phần của nền văn hóa thực sự, cũng như dạy cừu dữ tợn. – Henry David Thoreau
  6. Ai kiểm soát truyền thông đại chúng, người đó kiểm soát văn hóa. – Allen Ginsberg
  7. Năng lực của mỗi người có thể gia tăng hoặc mạnh mẽ hơn nhờ văn hóa. – John Abbott
  8. Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi. – Mahatma Gandhi
  9. Nền văn hóa đáng giá để ta có những mạo hiểm lớn lao. Không có văn hóa, chúng ta chỉ là những con thú dữ chuyên chế. – Norman Mailer
  10. Không có văn hóa và thứ tự do tương đối nó gợi lên, xã hội ngay cả khi hoàn hảo cũng chỉ là rừng rậm. Vì vậy mọi sáng tạo đích thực đều là món quà gửi tới tương lai. – Albert Camus
  11. Một chức năng chính của nghệ thuật và tư duy là giải phóng cá nhân khỏi sự chuyên chế của nền văn hóa môi trường xung quanh và cho phép anh ta vượt ra khỏi nó và có sự tự chủ về nhận thức và phán đoán. – Beverly Sills
  12. Nền văn hóa của một quốc gia nằm trong trái tim và tâm hồn của nhân dân. – Mahatma Gandhi
  13. Người có thể nhìn vượt qua những bóng tối và dối trá trong nền văn hóa của mình sẽ không bao giờ được người đời hiểu, chứ đừng nói đến được tin tưởng. – Plato
  14. Linh hồn không mang gì theo sang thế giới bên kia, ngoài nền tảng giáo dục và văn hóa. Ở điểm khởi đầu của cuộc hành trình sang thế giới bên kia, nền tảng giáo dục và văn hóa có thể trở thành trợ giúp lớn nhất, hoặc nếu không sẽ thành gánh nặng lớn nhất của người vừa qua đời. – Plato
  15. Làm thầy thuốc lầm thì giết một người. Làm thầy địa lý lầm thì giết một họ. Làm thầy chính trị lầm thì giết một nước. Làm văn hóa lầm thì giết cả một đời. – Vương Dương Minh
  16. Văn hóa không phải là cái mà chúng ta đã học được, ấy là cái gì còn lại sau khi chúng ta đã quên tất cả những điều đã học: cái còn lại cho ta đó là tư tưởng, là đạo nghĩa, là thị hiếu và quan niệm, nó làm tăng gia và cao nhã cái ý thức của chúng ta về cuộc đời. – Khuyết danh
  17. Mỗi thời đại, mỗi nền văn hóa, mỗi phong tục và tín ngưỡng đều có tính cách riêng, những điểm yếu điểm mạnh riêng, cái đẹp riêng và sự tàn nhẫn riêng; nó chấp nhận một số đau khổ nhất định khi cần thiết, kiên nhẫn chịu đựng một số cái ác nhất định. Cuộc sống con người thực sự khốn khổ, thực sự sa vào địa ngục chỉ khi hai thời đại, hai nền văn hóa, hai tôn giáo giao thoa. – Hermann Hesse

Văn hóa là một khái niệm cho chúng ta nhiều điều đáng suy ngẫm về cách giao tiếp, cách đối nhân xử thế của bản thân với mọi người xung quanh trong cuộc sống thường nhất. Nó như chiếc gương trong suốt giúp chúng ta soi lại chính mình, hoàn thiện bản thân hơn từng ngày, để hướng tới một cuộc sống hoàn mỹ.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet