Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tư tưởng là gì? Những nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại

(VOH) - Tư tưởng là gì? Tư tưởng đạo lý là gì? Để con người hướng đến sự tiến bộ và phát triển bền vững về vật chất lẫn tinh thần, có lẽ không thể thiếu ‘tư tưởng’ trong cuộc sống.

Cách suy nghĩ sẽ quyết định cuộc đời bạn, học hỏi những quan điểm, tư tưởng đúng đắn khiến tư duy và cuộc đời của bạn thay đổi. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tư tưởng và tư tưởng đạo lý ngay bài viết dưới đây nhé! 

1. Tư tưởng là gì? 

Theo cách hiểu đơn giản, thuật ngữ tư tưởng chính là quan điểm của cá nhân, cộng đồng phản ánh hiện thực khách quan về nhiều khía cạnh đời sống như: vấn đề đạo đức, nhận thức, cách đối nhân xử thế giữa con người với con người trong xã hội... 

Nói cách khác, tư tưởng được hình thành dựa trên toàn bộ những suy nghĩ, phân tích, đánh giá rồi đưa ra kết luận ngay trong suy nghĩ của mỗi người. Tuy hình thành trong suy nghĩ nhưng một số tư tưởng có thể tiến hóa, hoàn thiện thông qua những hoạt động thực tế tác động ngược lại vào suy nghĩ của con người.

tu-tuong-la-gi-voh-1

Tuy nhiên, không phải bất kỳ ai nêu ra quan điểm, ý kiến cá nhân cũng được gọi là nhà tư tưởng. Người đưa ra tư tưởng hay nhà tư tưởng phải có quan điểm toàn diện, sâu sắc tác động đến cộng đồng, quốc gia, và được mọi người công nhận. 

Thông qua tư tưởng đó “dẫn lối” cho con người, xã hội phát triển văn minh, tiến bộ và ngày càng tốt đẹp. Đồng thời, nhà tư tưởng phải áp dụng những quan điểm mình nêu ra vào cuộc sống thực tế, chứng minh tính hiệu quả cho tư tưởng ấy. 

Theo V.I.Lênin: “Nhà tư tưởng” chỉ xứng đáng với danh hiệu nhà tư tưởng khi nào họ đi trước phong trào tự phát, chỉ đường cho nó, khi nào họ biết giải quyết, trước những người khác, tất cả các vấn đề lý luận, chính trị, sách lược và các vấn đề về tổ chức mà “những yếu tố vật chất” của phong trào húc phải một cách tự phát” (Trích “Mạn đàm với những người bảo vệ chủ nghĩa kinh tế”). 

Xem thêm: Xoay quanh một khái niệm tiêu biểu của triết học: Ý thức xã hội là gì?  

2. Tư tưởng đạo lý là gì?  

Như đã tìm hiểu, tư tưởng như một “sản phẩm tư duy” của con người về mọi mặt của thế giới xung quanh chúng ta. Vậy tư tưởng đạo lý là gì? 

tu-tuong-la-gi-voh-2

Trước tiên, ta cần hiểu về đạo lý là quan điểm về đạo đức, nhân cách của con người, hợp với lẽ phải. Trong đó, có đạo làm người như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín hay phẩm chất truyền thống của người phụ nữ như: công, dung, ngôn, hạnh.

Dựa vào đó tư tưởng đạo lý đề cập vấn đề nhân cách, cách đối nhân xử thế hay về các mối quan hệ gia đình và xã hội. Là bài học chân thực mang đến giá trị tinh thần, lối sống của con người. 

Ngoài ra, tư tưởng còn hướng đến sự phát triển cho xã hội về vật chất, tư tưởng đạo lý giúp con người hoàn thiện bản thân, trở thành người không chỉ có tài mà còn có đức độ và lễ nghĩa. 

Xem thêm: Nhân văn - Một lối sống đẹp cần được gìn giữ và phát huy trong cuộc sống ngày nay 

3. Tư tưởng đạo lý từ kho tàng văn học Việt Nam 

Tư tưởng đạo lý thường được đúc kết từ kinh nghiệm lâu đời của ông cha ta ngày xưa, phần chứa trong kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ Việt Nam. Có thể đến như câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” lời dạy về lòng biết ơn, không được phụ công lao người cho mình hưởng thụ thành quả và lợi ích. 

Hay câu tục ngữ “Một câu nhịn chín câu lành” khuyên chúng ta tính nhẫn nhịn, đừng nên hơn thua nhau để xảy ra những chuyện đáng tiếc. Giả sử trong cuộc tranh cãi giữa đôi vợ chồng, việc tranh luận hơn thua với nhau, dễ khiến cho tình cảm rạn nứt. Thay vào đó, mỗi người học cách nhường nhịn “một câu” cho gia đình êm ấm. 

tu-tuong-la-gi-voh-3
Học cách nhẫn nhịn để cuộc sống bình yên! 

Hơn thế nữa, những câu ngạn ngữ cũng mang tư tưởng đạo lý quý giá, giáo dục điều hay, thường biểu hiện bằng từ ngữ Hán - Việt. Cụ thể “Dục tốc bất đạt”  nhắc ta khi làm bất cứ việc gì tính nóng vội, hấp tấp dễ không thành. Cách tốt nhất là nên kiên trì, ắt đạt được kết quả tốt nhất.

Thành công - thất bại, giàu sang - nghèo hèn hay đau khổ - hạnh phúc cũng đều bắt nguồn từ suy nghĩ, tư duy của cá nhân, rồi phản ánh ra bên ngoài. 

Xem thêm: 340 câu ca dao, tục ngữ về đạo đức hay và sâu sắc 

4. Một số nhà tư tưởng lớn trong lịch sử

Cùng điểm qua những nhà tư tưởng lớn đã cống hiến to lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội trên toàn thế giới: 

4.1 Khổng Tử - nhà tư tưởng Nho giáo

Tư tưởng từ Khổng Tử có khuynh hướng đề cập đến quan niệm về trời đất, quỷ thần, con người; luân lý đạo đức và tư tưởng chính trị – xã hội. 

Khổng Tử dạy rằng: “Con người ta sinh ra, lớn lên già cả rồi bệnh tật mất đi. Cát bụi lại trở về cát bụi. Âu cũng là quy luật thường tình của một kiếp người. Sinh, lão, bệnh, tử vốn là như vậy. Tuổi trung niên đã có những bước thăng trầm trong cuộc sống, có những thành công, có những thất bại trong cuộc sống vật chất, cuộc sống tình cảm đôi lứa”.

tu-tuong-la-gi-voh-4
Sinh, lão, bệnh, tử là quy luật hiển nhiên 

Thật vậy, bất kỳ ai trên cõi đời đều không thoát khỏi quy luật sinh tử, dù giàu sang, hay nghèo hèn cuối cùng ta cũng phải bỏ lại tất cả mà “ra đi”. Như trong lời bài hát Cát bụi của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi”. 

Mỗi người một hoàn cảnh sẽ có những thăng trầm, vui buồn khác nhau. Nhìn chung, ai rồi cũng trải qua cảm giác đau khổ, hạnh phúc, thành công hay thất bại. Bởi đây vốn dĩ là hương vị cuộc sống, bài học giá trị để ta thêm mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Xem thêm: Những câu nói hay của Khổng Tử, lời dạy của Đức Thánh Khổng

4.2 Nhà tư tưởng Karl Marx 

Karl Marx - được đánh giá là một trong những triết gia, nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. 

Những cống hiến vĩ đại của Karl Marx có thể kể đến như: thực hiện cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử thế giới mà hạt nhân là phép biện chứng duy vật. Ông khẳng định, lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau. Chính là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng nhân dân lao động.

Karl Marx đã nêu ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản. Đặc biệt là tìm ra quy luật giá trị thặng dư. 

Hơn thế nữa, Karl Marx còn phát hiện ra sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Theo đó, quy luật vận động phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có sứ mệnh tiêu diệt chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. 

Karl Marx còn cùng Friedrich Engels thành lập các tổ chức cộng sản đầu tiên trên thế giới gồm: Liên đoàn những người cộng sản (1848), Quốc tế thứ nhất (1864), Quốc tế thứ hai (1889). 

Qua đó, ông đã đặt nền móng cho học thuyết về xây dựng đảng của giai cấp công nhân quốc tế. Karl Marx còn là người đầu tiên nêu lên quan điểm về các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng Cộng sản. 

4.3 Lão Tử với vô vi chi đạo

Lão Tử là một Triết học gia Trung Quốc thời cổ đại (khoảng năm 500 TCN), là người sáng lập ra trường phái Đạo gia. 

Ông đề cao chủ trương “vô vi”, “vô dục”, “vô tư”, thuận theo tự nhiên. Khuyên con người nên sống theo “quy luật quân bình”, không nên làm điều gì vượt quá giới hạn mà phải “biết đủ, biết dừng”. Bởi theo ông “biết đủ thì không nhục, biết dừng thì không nguy”. 

Theo Lão Tử cho rằng danh lợi và tiền tài chỉ là vật bên ngoài, chỉ có cái thân con người mới thực sự là quý giá. Nhưng bên trong cái thân này thì đạo đức và uy tín là là hai báu vật mà mỗi người cần coi trọng và giữ gìn cẩn thận.  

“Thắng người là có sức, thắng mình mới là mạnh”. Đây cũng là một chân lý sâu sắc trong triết lý nhân sinh của Lão Tử. Người dùng sức mạnh, địa vị, quyền lực để thắng người khác thì dễ, nhưng thắng cái “tôi” của chính mình mới là điều khó.  

Những tư tưởng, triết lý nhân sinh Lão Tử mang đến vô cùng mộc mạc và cô đọng, để con người dễ học dễ nhớ và thực hành tu dưỡng những giá trị đạo đức vượt qua “cái tôi” của bản thân, vị lợi của cá nhân hướng đến tư duy đại đồng.

Xem thêm: 50 lời dạy của Lão Tử về nhân sinh trong Đạo Đức Kinh

4.4 Nhà tư tưởng Aristote 

Aristotle (384-322 TCN) là nhà tư tưởng, triết học cổ đại Hy Lạp. Ông được xem là “cha đẻ” của tư tưởng văn hóa phương Tây. Ông xây dựng học thuyết nhà nước lý tưởng dựa trên nền tảng bản chất con người. Đặt ra vai trò, lợi ích của nhà nước lên trên quyền lợi và tầm quan trọng của cá nhân. 

Theo ông, muốn trở thành con người thực sự, ta phải có được “nhận thức và phát triển”. Nghĩa là con người phải nhận thức, phát huy được bản chất và năng lực tiềm ẩn của chính mình để có được đời sống hạnh phúc. 

Aristotle cũng cho rằng hạnh phúc mới chính là mục tiêu cuối cùng của con người trong cuộc đời. Và đồng nhất cuộc sống “chí thiện tận mỹ” với hạnh phúc.

Xem thêm: Tổng hợp 30 câu nói hay của Aristotle

4.5 Nhà tư tưởng Immanuel Kant 

Immanuel Kant là triết gia học gia người Đức, những tư tưởng của ông không chỉ có giá trị nhân văn mà còn ảnh hưởng đến nhiều khuynh hướng nghệ thuật sau này, đặc biệt là khuynh hướng lãng mạn. 

Ông đưa ra quan điểm về phán đoán thẩm mỹ, nhận định con người có 3 năng lực bao gồm: năng lực nhận thức - năng lực thực tiễn - và năng lực phán đoán. Theo đó, năng lực phản tỉnh của phán đoán giúp con người có được tình cảm vui thỏa hay đau khổ. Và thực chất đây không phải là sự phán đoán theo logic mà là phán đoán tình cảm, chủ quan. 

Theo Immanuel Kant  đẹp chính là cái ta nhìn hoặc nghe một cách thích thú. Tuy nhiên là sự thích thú của sự vô tư, chiêm ngưỡng chứ không phải là sự chiếm hữu. Ông cũng xem xét cái đẹp trên bốn phương diện: chất – lượng – tương quan – phương thức.

Những tư tưởng Kant mang đến cho chúng ta như: về cái đẹp, cái cao cả, về giáo dục thẩm mỹ mang ý nghĩa sâu sắc và có giá trị cho đến ngày nay.

Xem thêm: 39 mẩu chuyện ngắn ý nghĩa về Bác và bài học kinh nghiệm

Ngoài ra, chúng ta còn có những nhà tư tưởng lớn trên thế giới có thể kể đến như: 

  • Plato - (427-347 TCN) 
  • Vladimir Ilyich Lenin (1870 - 1924) 
  • Denis Diderot (1713 - 1784) 
  • Friedrich Nietzsche (1844 - 1900) 
  • Friedrich Engels (1820 - 1895) 
  • Trang Tử (369—286 TCN) 
  • ….

Mong rằng, qua bài viết bạn có thể hiểu và tìm được cho riêng mình quan điểm, đạo lý sống từ các nhà tư tưởng lớn. Duy trì việc học hỏi và rèn luyện theo lời răn dạy ấy, từng ngày hoàn thiện trí tuệ và đạo đức. Sau đó, lan tỏa điều tích cực ấy đến với gia đình và cộng đồng. 

Sưu tầm 

Nguồn ảnh: Internet 

Bình luận