Chúng ta luôn được dạy rằng sống là phải biết trước, biết sau, làm người phải có nhân phẩm, đạo đức tốt. Hai từ đạo đức đã trở thành bài học đi theo mỗi người trên suốt chặng đường đời, trở thành một trong những yếu tố tạo nên giá trị của con người. Nhưng để hiểu được đạo đức là gì và ý nghĩa của đạo đức trong cuộc sống thì không hề đơn giản.
1. Đạo đức là gì và các khái niệm cần biết về đạo đức
Muốn sống có đạo đức, trước hết chúng ta phải hiểu rõ đạo đức là gì cũng như những khái niệm có liên quan.
1.1 Khái niệm đạo đức là gì?
Chúng ta từng được nghe những lời đánh giá như “người này có đạo đức” hay “người kia không có đạo đức”. Vậy đạo đức là gì?
Đạo đức là một từ Hán Việt được sử dụng thường xuyên trong đời sống để nói lên tính cách cũng như nhân phẩm con người. Đạo đức được hiểu như sau:
- Đạo là con đường, đường đi được hiểu rộng ra là phương hướng, đường lối dẫn dắt con người đến những điều tốt đẹp.
- Đức là đức tính, những điều tốt đẹp thuộc về ý nghĩa, tư duy. Hiểu rộng ra là những phẩm chất tốt đẹp, làm những điều đúng với lương tâm, không trái với luân thường đạo lý.
Hiểu theo nghĩa hẹp, đạo đức được nhìn nhận ở cá nhân mỗi con người, là những nét đẹp trong phong cách sống, văn hoá ứng xử của mỗi người.
Theo nghĩa rộng, đạo đức được nhìn nhận dưới góc độ của cộng đồng, xã hội đó chính là những quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực được thừa nhận.
Từ cách hiểu trên, có thể thấy, đạo đức chính là một phần trong tính cách và tạo nên giá trị con người. Là hệ thống những nguyên tắc, tiêu chuẩn được xã hội công nhận nhằm đánh giá, điều chỉnh hành vi, quan hệ giữa con người với nhau và giữa con người với xã hội.
Đạo đức điều chỉnh hành vi cá nhân thông qua niềm tin cá nhân, truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường Đạo đức chính là một môn học dạy cho chúng ta những điều hay, lẽ phải ở đời, định hướng chúng ta trở thành một con người tốt, sống có ích cho xã hội.
Ngoài đời sống thực tiễn đạo đức được dạy thông qua những bài học thực tế mà ở đó giá trị con người được đánh giá thông qua những phẩm chất của đạo đức.
Xem thêm: Học cách sống tử tế để tạo ra được sức mạnh to lớn trong xã hội
1.2 Đạo đức tiếng Anh là gì?
“Ethic” và “moral” trong tiếng Anh đều mang nghĩa đạo đức. Nhưng mỗi từ sẽ có ý nghĩa và cách dùng khác nhau. Cụ thể:
- “Ethic”: được sử dụng để chỉ những quy tắc ứng xử văn minh, tiêu chuẩn đạo đức xã hội định ra.
- “Moral”: là hệ thống niềm tin của cá nhân về đạo đức đồng thời đó còn là những quan điểm tốt xấu của một hoặc một nhóm người về một sự việc, hành động nào đó.
1.3 Chuẩn mực đạo đức là gì?
Chuẩn mực đạo đức được hiểu là hệ thống những nguyên tắc, quy tắc đạo đức được mọi người thừa nhận và trở thành những khuôn mẫu, thước đo nhằm xem xét, đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người trong xã hội, hướng con người tới cái đúng, cái thiện, cái đẹp.
Chuẩn mực đạo đức không được ghi chép dưới hình thức một văn bản hay một bộ luật đạo đức nào mà chỉ tồn tại dưới hình thức truyền miệng, thông qua các bài học thực tiễn và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nhờ có chuẩn mực đạo đức mà con người biết nhìn nhận, đánh giá và kiểm điểm hành vi của mình trước khi thực hiện bất kỳ hành vi xã hội nào.
2. Cấu trúc của đạo đức
Đạo đức là một hiện tượng xã hội có cấu trúc phức tạp bao gồm: ý thức đạo đức, hành vi đạo đức và quan hệ đạo đức. Để hiểu rõ đạo đức là gì cũng như bản chất của đạo đức trước hết cần nắm vững các thành phần cấu tạo nên đạo đức.
2.1 Ý thức đạo đức
Trong cấu trúc của đạo đức, thành phần đầu tiên phải kể đến chính là ý thức đạo đức.
Ý thức đạo đức được hiểu là ý thức của con người về hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực hành vi phù hợp với những quan hệ đạo đức, chuẩn mực xã hội đang tồn tại. Ý thức đạo đức còn bao gồm cả mặt cảm xúc, tình cảm đạo đức của con người.
Cụ thể hơn, ý thức đạo đức chính là phần nhận thức của con người, sự thể hiện thái độ của một người trước những cử chỉ, hành động, việc làm của mình với những quy chuẩn xã hội được đề ra trước đó.
Nhờ có ý thức đạo đức mà chúng ta có thể điều chỉnh được hành vi của mình trở nên đúng đắn và tốt đẹp hơn.
2.2 Hành vi đạo đức
Một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc đạo đức đó chính là hành vi đạo đức.
Hành vi đạo đức là những hành vi, cử chỉ, việc làm của con người trong các mối quan hệ xã hội phù hợp với những chuẩn mực và giá trị đạo đức được cộng đồng thừa nhận.
Hành vi đạo đức chịu sự chi phối của ý thức đạo đức, ý thức đạo đức thuộc về nhận thức đúng sai nhằm điều chỉnh hành vi đạo đức đúng với chuẩn mực xã hội.
2.3 Quan hệ đạo đức
Quan hệ đạo đức là những quan hệ xã hội, tác động qua lại giữa người với người hay giữa các cá nhân và xã hội về mặt đạo đức. Nó cũng có thể vận động, biến đổi và sở hữu hai đặc điểm là tính tự giác và tính tự nguyện.
Xem thêm: Xoay quanh một khái niệm tiêu biểu của triết học: Ý thức xã hội là gì?
3. Chức năng của đạo đức
Cũng giống như các hình thái xã hội khác, đạo đức cũng có chức năng của riêng mình với mục đích là giải quyết hài hòa các mối quan hệ xã hội, hướng con người đến những chuẩn mực đạo đức phù hợp với lợi ích chung của tập thể xã hội.
Chức năng của đạo đức bao gồm: chức năng giáo dục, chức năng điều chỉnh hành vi và chức năng nhận thức.
3.1 Chức năng giáo dục
Một người nhận thức được đạo đức đó chính là dựa vào sự giáo dục. Thông qua giáo dục, đạo đức góp phần hình thành trong mỗi người những quan điểm, quy tắc, chuẩn mực đạo đức và từ đó làm cơ sở để chúng ta đánh giá được các hiện tượng xã hội, các hành vi cá nhân là đúng chuẩn mực đạo đức hay không đồng thời xác lập khả năng lựa chọn thực hiện hành vi của mỗi người.
Chức năng giáo dục của đạo đức sẽ giúp mỗi người tự nhìn nhận và điều chỉnh hành vi của mình đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực xã hội, hướng con người đến những điều tốt đẹp của Chân - Thiện - Mỹ.
3.2 Chức năng điều chỉnh hành vi
Chức năng cơ bản và quan trọng nhất của đạo đức đó chính là chức năng điều chỉnh hành vi.
Dựa vào các chuẩn mực xã hội, đạo đức sẽ giúp điều chỉnh hành vi của con người phù hợp với các yêu cầu, quy tắc trong các mối quan hệ xã hội. Đạo đức điều chỉnh hành vi con người chủ yếu bằng hai phương thức sau:
- Sử dụng sức mạnh của dư luận xã hội để động viên, khuyến khích những chủ thể có đạo đức, hành vi tốt đẹp đồng thời sẽ phê phán, lên án nghiêm khắc những hành vi không có đạo đức gây ảnh hưởng đến người khác, cộng đồng.
- Thông qua phương thức tự nguyện, chủ thể tự giác điều chỉnh hành vi của mình dựa trên các chuẩn mực đạo đức.
3.3 Chức năng nhận thức
Với tư cách là một hình thái xã hội, đạo đức có chức năng nhận thức. Chức năng nhận thức thể hiện ở việc đạo đức sẽ giúp con người nhận thức được hành vi của mình có phù hợp với các chuẩn mực xã hội hay không để từ đó giúp điều chỉnh hành vi của mình.
Chức năng nhận thức của đạo đức gồm nhận thức và tự nhận thức.
Xem thêm: Lương tâm có giá bao nhiêu? Muốn có một lương tâm nhẹ nhàng thanh thản phải làm sao?
4. Vai trò của đạo đức
Bác Hồ từng nói “Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, qua câu nói của Bác có thể thấy đạo đức có vai trò quan trọng đối với mỗi người. Sau khi tìm hiểu đạo đức là gì, chúng ta phần nào thấy được vai trò đạo đức thể hiện ở các mặt sau:
4.1 Đối với cá nhân
Đạo đức góp phần điều chỉnh hành vi con người theo những chuẩn mực xã hội một cách tự nguyện trên phạm vi rộng.
Đạo đức giáo dục lòng nhân ái và vị tha, hoàn thiện nhân cách của mỗi người, hướng con người đến những điều tốt đẹp.
Đạo đức góp phần tạo nên giá trị của mỗi cá nhân.
4.2 Đối với xã hội
Đạo đức góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Chuẩn mực đạo đức của quốc gia thể hiện bản sắc dân tộc trong quan hệ quốc tế, là cơ sở để mở rộng quan hệ giao lưu giá trị văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia với nhau.
5. Đạo đức và pháp luật khác nhau như thế nào?
Đạo đức và pháp luật đều là hệ thống các quy tắc xử sự chung, là những chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh hành vi con người sao cho phù hợp với lợi ích xã hội. Tuy nhiên, giữa pháp luật và đạo đức có những điểm khác biệt.
5.1 Nguồn gốc hình thành
Chuẩn mực đạo đức được hình thành từ kinh nghiệm trong cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân, được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng. Còn pháp luật do Nhà nước ban hành thông qua các văn bản quy phạm pháp luật.
5.2 Phạm vi điều chỉnh
Phạm vi điều chỉnh của đạo đức rộng hơn pháp luật. Đạo đức điều chỉnh mọi hành vi của con người, bao quát mọi lĩnh vực của thế giới tinh thần. Còn pháp luật chỉ điều chỉnh các mối quan hệ xã hội được pháp luật bảo vệ, điều chỉnh những hành vi liên quan đến chế độ xã hội, chế độ Nhà nước.
5.3 Các biện pháp bảo đảm thực hiện
Đạo đức điều chỉnh hành vi con người không mang tính cưỡng chế mà ngược lại là hoàn toàn tự nguyện thông qua dự luận xã hội và lương tâm con người.
Pháp luật điều chỉnh hành vi con người thông qua bộ máy Nhà nước để bảo đảm thực hiện bằng các biện pháp quyền lực Nhà nước như giáo dục, tuyên truyền đến các chế tài cưỡng chế.
Mỗi chúng ta nên hiểu rõ đạo đức là gì cũng như tầm quan trọng của đạo đức để trong quá trình sống điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội góp phần hoàn thiện bản thân và cống hiến cho xã hội.
Nguồn ảnh: Internet