Nhân phẩm là gì? Ý nghĩa của nhân phẩm đối với đạo đức con người

(VOH) – Người có nhân phẩm tốt là người luôn được lòng người khác. Vậy nhân phẩm là gì và nó có vai trò như thế nào đối với con người?

“Nhân phẩm” là cụm từ khá thông dụng trong cuộc sống hằng ngày, nhưng không phải ai cũng cũng hiểu về khái niệm này. Tuy nhiên, đây lại là thước đo đánh giá một con người mà nhiều người ngày nay thường áp dụng.

1. Nhân phẩm là gì?

Nhân phẩm là gì và vai trò của nó đối với mỗi người trong cuộc sống. 1
Nhân phẩm là giá trị của một con người

Nhân phẩm được hiểu là toàn bộ phẩm chất của một con người, nó còn được coi là giá trị làm người của mỗi cá nhân trong xã hội.

Một người được nhận xét là có nhân phẩm khi họ có một trái tim lương thiện, tâm trong sáng và có một cuộc sống lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Họ là người luôn thực hiện tốt các nghĩa vụ đạo đức với người khác và xã hội, cũng như đảm bảo được những chuẩn mực đạo đức mà xã hội đặt ra.

Những người có nhân phẩm tốt luôn được mọi người và xã hội đánh giá cao. Họ luôn tạo ra được những mối quan hệ tốt đẹp với mọi người. Đồng thời mang đến sự tin tưởng cho cá nhân, tập thể sinh hoạt cùng.

Vậy nhân phẩm tiếng anh là gì? Theo nghĩa tiếng Anh, nhân phẩm được dịch là human dignity. Trong đó, “dignity” mang hàm nghĩa phẩm giá, lòng tự trọng, khi ghép cùng với human thì có thể dịch ra là những người có sống có phẩm giá, có lòng tự trọng.

Xem thêm: Lòng tự ái tiết lộ bí mật tính cách nào của con người?

2. Vai trò của nhân phẩm đối với mỗi người 

Qua tìm hiểu về khái niệm nhân phẩm là gì, chúng ta đã phần nào hiểu được tầm quan trọng của nhân phẩm đối với một con người. Vậy nhân phẩm có vai trò như thế đối với đạo đức cá nhân mỗi người?

Nhân phẩm là gì và vai trò của nó đối với mỗi người trong cuộc sống. 2
Nhân phẩm đóng vai trò quan trọng đối với mỗi người
  • Nhân phẩm đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cá nhân của một con người. Người có nhân phẩm tốt sẽ được người khác, cũng như toàn thể xã hội coi trọng, yêu quý.
  • Người có nhân phẩm tốt luôn được xã hội đánh giá cao. Họ luôn nhận thức được các việc làm đúng, việc làm sai để có định hướng sửa đổi, từ đó góp phần phát triển bản thân cũng như giúp cho tập thể thêm vững mạnh hơn.
  • Người có nhân phẩm sẽ có được nhiều mối quan hệ tốt từ bạn bè, đồng nghiệp cho đến đối tác. Họ cũng có nhiều cơ hội thăng tiến hơn trong sự nghiệp và thường nhận được sự giúp đỡ từ người khác khi gặp phải khó khăn, hoạn nạn.

Xem thêm: Tấm lòng nhân ái của con người - sợi dây gắn kết và lan tỏa yêu thương

3. Các yếu tố để trở thành người có nhân phẩm tốt

Nhân phẩm của con người đóng vai lớn trong việc xây dựng và phát triển xã hội và để trở thành người có nhân phẩm tốt cần hội tụ đầy đủ các yếu tố sau:

Nhân phẩm là gì và vai trò của nó đối với mỗi người trong cuộc sống. 3
Người có lương tâm trong sáng là người có nhân phẩm tốt
  • Người luôn có những suy nghĩ đến những việc làm tốt, tâm trong sạch và không hổ thẹn hay bứt rứt với những việc mình đã làm.
  • Người có nhu cầu từ vật chất đến tinh thần đều lành mạnh đúng với chuẩn mực của xã hội.
  • Là người luôn sẵn sàng hoàn thành tốt các nghĩa vụ đạo đức.
  • Người có nhân phẩm tốt không chỉ tôn trọng nhân phẩm của bản thân mà luôn đề cao nhân phẩm của mọi người xung quanh.

Và tất cả những điều này sẽ phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, chế độ, hoàn cảnh xã hội tại một thời điểm lịch sử nhất định.

Xem thêm: Tác động độc hại của tính tự phụ, tự mãn tới cuộc sống của chúng ta?

4. Danh dự và nhân phẩm có mối quan hệ thế nào?

Nếu nhân phẩm là toàn bộ những phẩm chất tốt đẹp của con người, thì danh dự được hiểu là sự coi trọng và đánh giá của mọi người trong xã hội đối với một cá nhân dựa trên các giá trị tinh thần, đạo đức của người đó.

Danh dự và nhân phẩm đều là quyền của mỗi người và cả 2 quyền này cũng có mối quan hệ mất thiết như sau:

Nhân phẩm là gì và vai trò của nó đối với mỗi người trong cuộc sống. 4
Nhân phẩm và danh dự có mối quan hệ khăng khít với nhau
  • Nhân phẩm và danh dự có mối quan hệ tạo nên giá trị của mỗi con người. Có thể hiểu nhân phẩm là toàn bộ phẩm chất của một con người, còn danh dự là kết quả của việc xây dựng, bảo vệ nhân phẩm của một con người.
  • Với những cá nhân biết giữ và bảo vệ nhân phẩm, danh dự trước những cám dỗ sẽ tự tạo cho bản thân một sức mạnh tinh thần to lớn và làm nên những điều tuyệt vời cho cuộc sống.
  • Khi đánh mất nhân phẩm và danh dự, cũng đồng nghĩa với việc cá nhân đã đánh mất đi phẩm chất, giá trị đạo đức làm người.
  • Danh dự và nhân phẩm đều là quyền mà được hiến pháp và pháp luật công nhân và bảo vệ. Tùy mỗi quốc gia, mỗi bộ luật sẽ có những quy định khác nhau về quyền nhân phẩm và danh dự.

Xem thêm: Biểu hiện của sự đồng cảm và sẻ chia trong xã hội hiện đại

5. Xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác có phải là hành vi phạm tội?

Hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự ở mức độ nhẹ có thể sẽ bị xử phạt hành chính, ở mức độ nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác theo quy định của pháp luật.

Nhân phẩm là gì và vai trò của nó đối với mỗi người trong cuộc sống. 5
Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ

5.1 Xử phạt hành chính

  • Những hành vi, cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị xử phạt hành chính. Cụ thể là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng - 300.000 đồng.
  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 30.000.000 đồng đối với hành vi đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

5.2 Chế tài dân sự

  • Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự. Thêm vào đó là một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Các bên sẽ tự thỏa thuận mức bồi thường bù đắp về tổn thất tinh thần. Nếu việc tự thỏa thuận không thành công thì sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo đó mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. 
  • Cá nhân bị ảnh hưởng xấu bởi các thông tin liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại. 

5.3 Chế tài hình sự

Điều 155. Tội làm nhục người khác

“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng - 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ bị phạt tù từ 03 tháng -  02 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Đối với người đang thi hành công vụ;

đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;

e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm - 05 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

b) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm - 05 năm.”

Như vậy, qua nội dung bài viết hy vọng bạn đã có những giải đáp chi tiết về nhân phẩm là gì? mối quan hệ của nhân phẩm và danh dự ra sao? Từ đó hiểu rõ, để trở thành người có nhân phẩm tốt, chúng ta cần không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày, luôn có trách nhiệm với chính bản thân, mọi người cũng như toàn xã hội.

Sưu tầm

Nguồn ảnh: Internet

Bình luận