Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đồng cảm là gì? Ý nghĩa của sự đồng cảm đối với xã hội loài người

VOH - Trên đời này, thứ đáng quý nhất vẫn luôn là tình yêu thương. Con người với sự đồng cảm của mình đã giúp đỡ và dìu dắt nhau vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.

Đã bao giờ bạn được khuyên rằng: “Hãy đặt mình vào trường hợp của người khác để hiểu họ hơn” hoặc “Đừng có nhìn nhận vấn đề chỉ từ một phía như vậy”? Đó là cách giúp bạn phát triển khả năng thể hiện sự đồng cảm của mình với người khác. Cùng ngẫm nghĩ nhiều hơn về sự đồng cảm, sẻ chia qua bài viết dưới đây cùng VOH, bạn nhé!

Đồng cảm là gì? Đồng cảm tiếng Anh là gì?

Đồng cảm là khả năng đặt mình vào vị trí của đối tượng để thấu hiểu cũng như cảm nhận được những điều mà người khác đang phải trải qua. Đó là hàng loạt những cảm xúc kể cả tích cực lẫn tiêu cực bằng cách nhận thức bản thân mình trong tình huống tương tự.

dong-cam-voh-0

Đồng cảm trong tiếng Anh là “Empathy”, với nội dung là khả năng thấu hiểu và chia sẻ cảm xúc với người khác hệt như chính mình đã, đang gặp trường hợp như vậy.

Chúng ta đồng cảm với ai đó khi và chỉ khi trong chúng ta có sự thừa nhận những gì họ đang cảm nhận. Thậm chí, những vui buồn hoặc đau khổ kia có thể là đang diễn ra trong chính chúng ta. Bởi vậy, trong những tình huống của sự đồng cảm, ta có xu hướng đau nỗi đau của người khác, như nỗi đau của chính mình.

Sự đồng cảm tạo nên sợi dây vô hình kết nối hai tâm hồn lại với nhau. Và cái kết nối đó sâu sắc hơn nhiều những gì họ có thể sẻ chia với nhau. Một viễn cảnh về sự đồng cảm cho phép chúng ta đắm mình vào cảm xúc của người khác, tưởng tượng về trải nghiệm tương tự và có thể đưa ra những lời khuyên có giá trị giúp cho họ phát triển khả năng đối phó với vấn đề. 

Xem thêm:
Tử tế là gì? Ý nghĩa của việc sống tử tế mỗi ngày với cuộc sống
Bao dung là gì? Sống bao dung độ lượng có lợi ích gì?
Sự sẻ chia là gì? Ý nghĩa của sự sẻ chia trong cuộc sống?

Các dạng đồng cảm

Khi nhắc đến đồng cảm, có rất nhiều công trình nghiên cứu đã được ra đời. Theo tiến sĩ Paul Ekman (nhà tâm lý học tiên phong, đã xác định các dạng đồng cảm như sau:

  • Đồng cảm nhận thức (đồng cảm tư duy): là khả năng có thể đọc hiểu và dự đoán được suy nghĩ, cảm xúc cũng như hành vi tiếp theo của người khác. Để có được sự đồng cảm nhận thức này, trước hết chúng ta sẽ thực hành việc tưởng tượng về bản thân trong hoàn cảnh cụ thể mà người kia đang phải trải qua.
  • Đồng cảm về cảm xúc tình cảm (đồng cảm thụ động): là khả năng cảm nhận được cảm giác tương tự như người khác gặp phải. Các mức độ chia sẻ cảm xúc có thể tùy trường hợp nhưng ít hay nhiều thì chúng ta cũng sẽ thấy mình đau buồn hoặc mất mát y như việc này diễn ra với chính bản thân.
  • Thiện cảm Từ bi: thông qua sự hiểu biết cũng như thấu hiểu về cảm xúc của người khác, kết hợp với kinh nghiệm tương tự từng gặp phải của mình, người đồng cảm sẽ có những nỗ lực giúp đối tượng kia vượt qua khó khăn hiện tại. Đó là lắng nghe, thấu hiểu, cũng có thể là những lời khuyên từ chính nỗi đau mà mình đang cảm nhận được.

Sự đồng cảm bắt nguồn từ đâu?

Trong suốt những đoạn đường chúng ta đã đi qua và trải nghiệm nhiều điều, đồng cảm được biểu hiện là khả năng bẩm sinh của mỗi người khi tiếp xúc với người khác. Sự đồng cảm bắt nguồn từ nhiều yếu tố, cụ thể được kể đến như:

  • Trải nghiệm thời thơ ấu: đó là những sự kiện liên quan đến gia đình, người thân bao gồm cả cách dạy dỗ, nuôi dưỡng của người lớn và những việc gặp phải trong thời gian lớn lên như mất mát, đổ vỡ, bị bỏ rơi. Những trải nghiệm có thể kể đến đặc biệt nhất là nỗi đau vì nó được xem như có ảnh hưởng lớn nhất đối với những mức độ đồng cảm của một người.
  • Mô hình hành vi đồng cảm: bắt chước cảm xúc, hành động là một trong những điều kiện mà sự đồng cảm được hình thành. Đứa trẻ mỗi ngày có thể quan sát thấy hành vi của cha mẹ và dần hình thành nên sự đồng cảm trong lòng mình. Khi đứa trẻ dần lớn lên thì mức độ đồng cảm cũng tăng lên. 
  • Môi trường xung quanh: sự giáo dục, nền văn hóa, các lĩnh vực trong cuộc sống, cũng như các kiểu người mà ta tiếp xúc hằng ngày,… có thể ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận, đánh giá, thấu hiểu con người ở những mức độ khác nhau. 

Sự đồng cảm có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống

Khi con người biết cách đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, sự thấu hiểu, đồng cảm được phép diễn ra. Và nhờ có khả năng thực hành các dạng đồng cảm, chúng ta kết nối nhiều hơn với người xung quanh, trở nên hoàn thiện chính mình và biết cách giúp đỡ người khác. Dưới đây là một số ý nghĩa có thể kể đến mà sự đồng cảm đã mang đến cho cuộc sống của chúng ta.

dong-cam-voh-1

Đồng cảm đã mở rộng trái tim mỗi người - Ảnh: Internet

Đồng cảm, sẻ chia giúp hoàn thiện nhân cách của con người 

Sẽ thật tốt đẹp khi một xã hội phát triển cả về vật chất lẫn tinh thần. Con người đã phát triển sự đồng cảm bên trong sẽ hạn chế được những cảm xúc tiêu cực đối với người khác.

Những điều giúp hoàn thiện nhân cách con người có thể kể đến như biết suy nghĩ, cảm thông, dang tay giúp đỡ, sẻ chia với những người xung quanh qua nhiều hình thức khác nhau.

Người ta biết đồng cảm với nhau hơn sẽ giúp giảm đi các thành kiến đối với những vấn đề như phân biệt chủng tộc, văn hóa, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo,… Các hành vi bạo lực, bắt nạt cũng giảm xuống đáng kể nếu con người ta có sự thấu hiểu, đồng cảm với những kẻ yếu hơn mình.

Đồng cảm kết nối mọi người lại gần với nhau

Đồng cảm khuyến khích mọi người thực hiện công việc từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Đó có thể là chia sẻ về vật chất, hoặc về tinh thần. Điều này xây dựng nên một cộng đồng tích cực, gần gũi, thân thiện với nhau.

Đồng cảm còn mang lại khả năng thực hiện những hành động dũng cảm để cứu giúp người khác. Ngay cả khi họ đã đạt tới giới hạn của bản thân, những người có mức độ đồng cảm cao hơn bình thường sẽ cố gắng vượt qua những trở ngại vì lựa chọn hành động vị tha, anh hùng, thậm chí là hy sinh.

Góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp với sự giúp đỡ lẫn nhau

Đồng cảm cải thiện được những mối quan hệ xung quanh, thúc đẩy sự phát triển của cả cộng đồng, xã hội. Ở môi trường làm việc có nhiều cấp bậc, sự đồng cảm dễ tạo nên không gian hài hòa, dễ chịu, góp phần nâng cao năng suất làm việc, giúp đỡ và cùng nhau phát triển.

Xã hội cũng tốt đẹp hơn khi đồng cảm thúc đẩy suy nghĩ, hành động của con người theo tinh thần công bằng. Chúng ta biết cách ủng hộ, giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình để không ai đi lùi về phía sau.

Xem thêm:
28 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về lòng nhân ái giáo dục nhân cách mỗi con người
21 câu ca dao tục ngữ về khoan dung, độ lượng hay nhất
55 bài thơ hay về triết lý cuộc sống giúp ta “ngộ” ra nhiều điều

Đồng cảm có gây ra mặt tiêu cực nào không?

Bất cứ một điều gì trong cuộc sống đều sẽ tồn tại mặt tích cực và tiêu cực, đồng cảm cũng không ngoại lệ. Một số vấn đề tiêu cực mà sự đồng cảm có thể gây ra như sau:

Dễ dẫn đến mệt mỏi

Sự cảm thông, chia sẻ và hơn thế nữa là ghi nhận nỗi đau buồn và để nó kéo dài ở trong lòng khiến con người mệt mỏi. Các bác sĩ, y tá, giáo viên, người lãnh đạo, luật sư,… thường có xu hướng mệt mỏi hơn người bình thường bởi vì sự đồng cảm trong họ dành cho người khác quá nhiều.

Nhìn thấy vết thương của người khác cũng như nỗi đau của mình, và về lâu dài mà không biết cách giải thoát khỏi những tiêu cực sẽ dẫn đến việc bạn bị vắt kiệt sức bởi sự đồng cảm của chính mình.

Dễ khiến cơn giận dữ diễn ra không đúng lúc

Sự đồng cảm sẽ đi kèm với cảm giác muốn bảo vệ đối tượng mà mình trân quý, quan tâm. Đôi khi, phản ứng đồng cảm đối với vết thương, hoặc bi kịch của người khác là hữu ích.

Nhưng cũng có trường hợp vì đồng cảm nhận thức trở thành tưởng tượng, phóng đại về mối nguy hiểm xung quanh dễ khiến cho bạn trở nên nhầm lẫn rằng đang có vấn đề đe dọa người bạn quan tâm. Vì vậy, đôi khi cảm xúc quá thái dẫn bạn đi sai hướng và giận dữ không đúng chỗ.

Có thể dẫn đến những quyết định không sáng suốt

Lòng vị tha, cảm thông với người khác đến một mức độ nào đó sẽ trở thành sự thiên vị vì dùng quá nhiều cảm xúc tại thời điểm đưa ra những quyết định. Điều này có thể kể đến trong những trường hợp ở các vị trí của người lãnh đạo. Nếu mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên nền tảng của sự đồng cảm thì không thể hoàn toàn hiệu quả. 

Sự khác biệt giữa đồng cảm và thông cảm

Đồng cảm và thông cảm là hai khái niệm tưởng chừng như giống nhau nhưng thật ra là khác biệt. Để tránh nhầm lẫn, chúng ta có thể tìm hiểu kỹ hơn về sự khác biệt giữa đồng cảm và thông cảm một cách cụ thể dưới đây.

Đầu tiên, ta cần tìm hiểu khái niệm thông cảm là gì? Trong tiếng Anh, thông cảm là “Sympathy”, còn đồng cảm là “Empathy”. Người có sự thông cảm, họ sẽ chia sẻ mối quan tâm hoặc cảm nhận của mình với người khác trong trường hợp họ không cần trực tiếp hiểu điều đó qua trải nghiệm bên trong.

dong-cam-voh-2

Chia sẻ và giúp đỡ là sự cảm thông cần thiết trong cuộc sống - Ảnh: Internet

Có bao giờ bạn lướt qua đoạn đường quen, mua vội một thứ bánh để ăn vào sáng hôm nay và bắt gặp hình ảnh xúc động của người đang vất vả mưu sinh với gánh hàng rong của mình? Rồi chiếc xe đẩy quá nặng, bạn chạy tới và giúp đỡ họ một tay. Đó là một trong những biểu hiện của sự thông cảm, của tình yêu thương trong mỗi chúng ta. Mặc dù bạn không phải trải qua những cảm giác đang diễn ra như trong trường hợp của họ.

Thông cảm phát sinh từ kết quả của sự thương cảm bởi những trải nghiệm tiêu cực mà người khác đang phải trải qua. Từ đó hình thành sự quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ với những vấn đề hoặc bất hạnh của người khác. Nhưng ở đó không có sự trực tiếp thấu hiểu qua những cảm nhận từ sâu bên trong hay tưởng tượng bản thân mình trong tình huống đó.

Việc đặt vị trí của mình vào người khác mới là mấu chốt dẫn đến sự đồng cảm như đã đề cập ở trên. Bởi nhờ sự thấu cảm từ chính những diễn biến thông qua sự tưởng tượng, quay về trải nghiệm đã từng gặp phải, chúng ta dễ đồng cảm với người khác hơn là chỉ mới thông cảm mà thôi. 

Sự thông cảm diễn ra khi bạn biết người đối diện đang đau khổ hoặc khó khăn vì điều gì đó, ngược lại sự đồng cảm xảy ra khi bạn cũng cảm thấy đau đớn hệt như mình cũng phải chịu đựng vấn đề y như vậy.

Xem thêm:
Vô cảm là gì? Tại sao con người ngày càng trở nên vô cảm?
Lòng trắc ẩn là gì? Cách nuôi dưỡng lòng trắc ẩn cho con trẻ
Sống đẹp là gì? Để có lối sống đẹp mỗi ngày cần rèn luyện những phẩm chất nào?

Những câu nói hay về đồng cảm và sẻ chia

Nhằm khuyến khích mỗi người phát triển khả năng thấu hiểu cũng như lan tỏa tình yêu thương với người khác, dưới đây là tổng hợp một số câu nói hay về đồng cảm và sẻ chia. Qua đó, cho ta nhiều cảm nhận cũng như giúp mở rộng hơn trái tim ta với thế này xung quanh.

dong-cam-voh-3

  1. Chúng ta cảm thương người khác trong những bất hạnh mà chính chúng ta đã trải nghiệm. (Jean Jacques Rousseau)
  2. Tôi tin rằng bạn nên hướng tới thấu hiểu người khác, và rồi đến được thấu hiểu. (Tony Gaskins)
  3. Hãy chịu khó dừng lại và nghĩ về cảm xúc của đối phương, quan điểm của đối phương, mong muốn và nhu cầu của đối phương. Hãy nghĩ nhiều hơn về điều đối phương muốn, và cách đối phương cảm nhận. (Maxwell Maltz)
  4. Chúng ta học được trong tình bạn rằng hãy nhìn bằng mắt của người khác, nghe bằng tai của người khác, và cảm nhận bằng trái tim của người khác. (Alfred Adler)
  5. Ba phần tư những người bạn gặp đói khát sự cảm thông. Hãy trao nó cho họ và họ sẽ quý mến bạn. (Dale Carnegie)
  6. Một trong những thành tựu vĩ đại nhất trên thế gian chính là làm những trái tim bừng sáng. Những người biết thông cảm và cân nhắc đến cảm xúc của người khác mới tốt đẹp làm sao. (Richard L Evans)
  7. Trong phòng bệnh, sự cảm thông đáng giá mười xu bằng với y học đáng giá mười đô la. (Martin H. Fischer)
  8. Dù chỉ mình sự cảm thông thì không thể thay đổi được hiện thực, nhưng nó có thể khiến ta chịu đựng hiện thực dễ dàng hơn. (Bram Stoker)
  9. Thay vì lên án người khác, hãy cố hiểu họ. Hãy cố tìm hiểu tại sao họ lại làm điều họ làm. Điều đó có ích và hấp dẫn hơn nhiều phê phán; và nó sinh ra sự cảm thông, khoan dung và sự tử tế. (Dale Carnegie)
  10. Sự thành công trong cách ứng xử với người khác phụ thuộc vào việc nắm được góc nhìn của người khác với thái độ cảm thông. (Dale Carnegie)
  11. Chẳng bao giờ có loại thuốc bổ chữa được những căn bệnh xã hội hữu hiệu tốt hơn một mái ấm khỏe khoắn và hạnh phúc. Chẳng bao giờ có nguồn ổn định xã hội lớn hơn một gia đình yêu thương và biết cảm thông. Chẳng bao giờ có cách giúp trẻ em hạnh phúc tốt hơn lời tâm tình của bậc cha mẹ sáng suốt và trìu mến. (Richard L Evans)
  12. Bạn tiến xa tới đâu trong đời phụ thuộc vào việc bạn nhẹ nhàng với người trẻ, cảm thông với người già, đồng cảm với người đang tranh đấu, và khoan dung với cả kẻ yếu và kẻ mạnh. Bởi vì một ngày nào đó trong đời, bạn sẽ thấy mình đã từng trải qua tất cả những khoảng khắc ấy. (George Washington Carver)
  13. Trong đạo Phật, từ bi gắn liền với trí tuệ. Không hiểu, không thể thương yêu sâu sắc. Không hiểu, không thể thương yêu đích thực. Hiểu chính là nền tảng của tình thương yêu. Mỗi người đều có những nỗi niềm, những khổ đau, bức xúc riêng, nếu không hiểu, sẽ không thương mà giận hờn, trách móc. Không hiểu, tình thương của mình sẽ làm người khác ngột ngạt, khổ đau suốt đời. (Thích Nhất Hạnh)

Thông qua bài viết về sự đồng cảm, hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ phần nào nhìn nhận được cảm xúc đồng điệu giữa mình và người khác để kết nối và sẻ chia nhiều hơn. Cuộc sống muôn màu, hãy cùng tô vẽ những điều đẹp đẽ nhất bạn nhé!

Đừng quên cập nhật liên tục những bài viết mới nhất, hấp dẫn nhất tại VOH Sống đẹp.

Bình luận